Cuộc khủng hoảng thiếu điện tại Trung Quốc cho thấy vấn đề nội tại gì?

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Trong một thị trường bị kiểm soát quá chặt chẽ và thiếu kết nối, cũng không khó hiểu tại sao tại Trung Quốc tồn tại thực trạng nơi này thừa điện còn nơi khác thiếu điện.

Ảnh: China Briefing
Ảnh: China Briefing

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc cho thấy những điểm yếu trong các chương trình mục tiêu chính sách ưu tiên của Trung Quốc, các yếu tố này sẽ có thể gây ra tác động lên hệ thống năng lượng trong nhiều năm tới đây.

Theo Bloomberg, để ngăn những yếu tố xáo trộn gây tổn hại đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải có những động thái lớn nhằm định hình lại mạng lưới điện và thị trường năng lượng, xây dựng dự trữ nhiên liệu đồng thời bổ sung thêm các nguồn năng lượng tái sinh có mức độ linh hoạt cao.

Giám đốc chương trình nghiên cứu năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford, ông Michal Meidan, nhận xét: “Tất cả những yếu tố trên chắc chắn sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng một khi mọi chuyện đã rõ ràng”.

Nguyên nhân chính đằng sau cuộc khủng hoảng hiện tại chính là nhiều nhà máy điện phải đóng cửa bởi họ thua lỗ quá nặng nề khi mua than đá đắt và bán vào một thị trường bị kiểm soát chặt chẽ. Cơ chế tính giá điện hiện nay có lịch sử từ năm 2019 khi đó, khung giá điện cố định được thay thế bằng cơ chế linh hoạt hơn, thế nhưng còn lâu mới có thể mang đến sự thả nổi tự do như tại nhiều khu vực của châu Âu và Mỹ.

Tỉnh Hồ Nam đang lên kế hoạch từ tháng 10 sẽ thử nghiệm hệ thống tính giá điện mới trong đó có tính toán trực tiếp đến giá than đá. Tỉnh Quảng Đông đồng thời tăng thuế để khuyến khích có thêm nguồn cung. Trung Quốc đồng thời cũng đang cân nhắc tăng giá điện áp với đối tượng sử dụng trong ngành công nghiệp. Tuy nhiên trở ngại lớn nhất đối với quá trình tự do hóa giá điện chính là những ảnh hưởng đến người dùng, trong đó có cả nhiều doanh nghiệp sản xuất.

“Nếu Trung Quốc tự do hóa thị trường điện, Trung Quốc sẽ có đủ nguồn cung điện, thế nhưng chi phí năng lượng cao vẫn sẽ ảnh hưởng xấu đến kinh tế địa phương”, trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại BloombergNEF – ông Kou Nannan nhận định.

Việc các mạng lưới điện giữa các khu vực kết nối tốt hơn cũng sẽ có thể làm giảm đi tình trạng thiếu điện địa phương. Hai công ty vận hành mạng lưới điện lớn nhất Trung Quốc bao gồm State Grid Corp với phạm vi kiểm soát hơn 80% mạng lưới điện Trung Quốc, còn công ty China Southern Grid Corp kiểm soát 5 tỉnh phía Nam đã xây dựng được hệ thống truyền tải điện đường dài dọc đất nước, thế nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Quản lý tại tập đoàn Lantau, ông David Fishman, nhận định ở hiện tại, có nhiều yếu tố thiếu kết nối giữa các khu vực khác nhau tại Trung Quốc hoặc thậm chí trong cùng tỉnh, hoạt động kinh doanh điện liên tỉnh rất ít diễn ra.

“Câu chuyện đang diễn ra hiện nay chính là một phần này của đất nước có rất nhiều điện còn phần còn lại không hề có điện. Kết nối càng tăng cao, bạn sẽ càng cần phải phân bổ nguồn cung hiệu quả”, ông Fishman nói.

Năng lượng gió và mặt trời đang có vị trí ngày một lớn dần trong việc cung cấp năng lượng cho Trung Quốc.

Hiện tại Trung Quốc đang bị buộc phải tranh giành nguồn cung khí đốt và than đá trong cuộc chiến giá cả toàn cầu, tình huống này cho thấy nhiều lợi ích của nguồn năng lượng gió, mặt trời, thủy điện.