Cuộc khủng hoảng trong chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu hạ nhiệt

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Chi phí vận chuyển tàu container qua khu vực Thái Bình Dương giảm hơn 25% trong tuần kết thúc vào ngày 12/11 và như vậy ghi nhận mức giảm sâu nhất trong 2 năm.

Ảnh: WSJ
Ảnh: WSJ

Những vấn đề của chuỗi cung ứng toàn cầu đang bắt đầu dịu đi, tuy nhiên nhiều nhà điều hành trong lĩnh vực vận tải, sản xuất và bán lẻ nói rằng họ không cho rằng hoạt động này sớm trở lại bình thường cho đến năm sau và rằng vận tải sẽ vẫn bị trì hoãn nếu dịch COVID-19 gây gián đoạn các trung tâm phân phối, theo nội dung bài báo mới được WSJ đăng tải.

Tại châu Á, những vấn đề liên quan đến đóng cửa nhà máy, thiếu hụt năng lượng và năng lực sản xuất tại cảng hạn chế đã giảm đi trong vài tuần trở lại đây. Ở Mỹ, nhiều nhà bán lẻ lớn cho biết họ đã nhập đủ hàng hóa cần thiết cho dịp nghỉ. Chi phí vận tải bằng đường biển giảm từ mức cao kỷ lục.
Việc các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng bớt căng thẳng sẽ cho phép sản xuất phát triển mạnh hơn, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu tăng cao và vì vậy làm giảm chi phí vận tải. Nếu duy trì được như vậy, kết quả áp lực lên lạm phát sẽ giảm đi.

Số lượng các tàu chờ xả hàng tại cảng Los Angeles và Long Beach, các cảng cửa ngõ của Mỹ để nhập khẩu hàng hóa từ châu Á, đã giảm đi tuy nhiên vẫn duy trì ở ngưỡng cao. Vào ngày 19/11, số lượng các tàu container neo đậu ngoài khơi các cảng này là 71, giảm đáng kể so với con số 86 vài ngày trước đó, theo thống kê của Marine Exchange of Southern California. Số lượng các tàu dự kiến sẽ tới trong các ngày tới ước tính là 17. Trước đại dịch COVID-19, người ta hiếm thấy tàu nào chờ bốc dỡ hàng ngoài khơi như vậy.

Nhiều nhà điều hành trong lĩnh vực vận tải và bán lẻ cho biết nhận định tình trạng tắc nghẽn tại các cảng của Mỹ nhiều khả năng sẽ giảm đi vào đầu năm 2022 sau mùa mua sắm dịp nghỉ lễ và khi Tết Nguyên đán của nhiều nước châu Á sẽ khiến cho một số nhà máy phải đóng cửa trong vòng 1 tuần dẫn đến sản lượng chững lại.

Theo hãng tàu của Đức Jan Held, tình trạng tắc nghẽn tại cảng biển quốc tế, đặc biệt tại châu Á, đang trở nên đỡ căng thẳng hơn. Tàu của ông chủ yếu vận chuyển hàng hóa công nghiệp ví như các thiết bị kích cỡ lớn trong ngành điện gió chứ không phải công ten nơ nhưng nhiều khi cũng phải chờ ngoài cảng châu Á đến gần 1 tháng.

Cũng theo ông Held, sẽ cần phải mất thêm thời gian hệ thống vận tải toàn cầu mới trở lại bình thường. Đồng sáng lập quỹ Held Bereederungs GmbH & Co này cho rằng: “Để khả năng đó có thể xảy ra, đại dịch cần phải kết thúc và không còn gây ra nhiều tác động tệ hại nữa”.

Chi phí vận tải tại nhiều tuyến liên Thái Bình Dương đã hạ nhiệt trong nhiều tuần gần đây, nhiều hãng bán lẻ Mỹ đã nhập khẩu đủ hàng cho mùa kinh doanh cuối năm, chính vì vậy chỗ trống trên các tàu hàng ngày một nhiều hơn.

Chi phí vận chuyển tàu container qua khu vực Thái Bình Dương giảm hơn 25% trong tuần kết thúc vào ngày 12/11 và như vậy ghi nhận mức giảm sâu nhất trong 2 năm. Trong tuần gần nhất, chi phí vận tải hàng hóa tăng nhẹ 5% lên 14.700USD với tàu container 40 foot và hiện vẫn gấp 3 lần so với mức của cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Freightos Baltic Index.

Nhiều chuỗi kinh doanh hàng hóa lớn của Mỹ bao gồm Walmart, Home Depot hay Target cho biết họ đã mua đủ hàng hóa cho đợt nghỉ lễ bởi họ đã bắt đầu nhập hàng hóa sớm hơn thường lệ. Không ít hãng đã phải thuê tàu vận tải riêng nhằm tránh tình trạng tắc nghẽn hàng hóa.

Tuy nhiên, tính trên phạm vi toàn cầu, không phải hãng bán lẻ nào cũng đã gom đủ hàng. Đối với cô Christine Humphreys, dường như những rắc rối trong chuỗi cung ứng chưa hề hạ nhiệt, công ty kinh doanh các sản phẩm đồ uống của cô hiện mới có đủ hàng cho mùa Giáng sinh, mùa kinh doanh bận rộn nhất trong năm.

Trước đây, hành trình đi từ Đức sang Anh thông thường mất khoảng 2 tuần thì đến bây giờ đang mất đến 6 tuần, theo chia sẻ của cô.