Điểm sự kiện kinh tế - tài chính quốc tế nổi bật tuần từ 03 - 07/9/2018

PV. (Tổng hợp)

Châu Âu có thể trở thành mục tiêu chiến tranh thương mại tiếp theo của ông Trump; Đông Nam Á quyết bảo vệ tự do thương mại; Nhập khẩu đạt mức kỷ lục, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng mạnh... là những thông tin quốc tế nổi bật trong tuần vừa qua. Điều này cho thấy, sự kiện chiến thương mại bắt nguồn từ Mỹ - Trung Quốc tiếp tục "nóng" trên các diễn đàn và có chiều hướng lan rộng ra toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 30/8, ông Trump phát tín hiệu rằng EU có thể sẽ là mục tiêu chiến tranh thương mại tiếp theo. Châu Âu "cũng tệ như Trung Quốc vậy, chỉ có điều nhỏ hơn", ông chủ Nhà Trắng tuyên bố.
Tuy nhiên, cuối tháng 7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker rời Washington với một "thỏa thuận ngừng bắn" thương mại với Mỹ. Sau cuộc đàm phán tốt đẹp không ngờ với chính quyền Tổng thống Donald Trump, ông Juncker có lý do để tin rằng châu Âu sẽ thoát khỏi miệng hố chiến tranh thương mại với Mỹ.

Đông Nam Á quyết bảo vệ tự do thương mại

Cuối tuần trước, chính phủ các nước Đông Nam Á đã thêm một lần nữa khẳng định sự ủng hộ đối với thương mại tự do khi mà các yếu tố bất ổn trong môi trường thương mại toàn cầu đe dọa tác động xấu đến xuất khẩu. Đối với các nước Đông Nam Á, xuất khẩu là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế.
Theo Nikkei, Bộ trưởng Kinh tế - thương mại các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đồng ý sẽ củng cố thêm các thỏa thuận tự do thương mại riêng ngoài Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) mà các nước thuộc khối đang hướng đến việc ký kết. Tất cả những động thái trên đặt mục tiêu đảm bảo rằng các rào cản đối với thương mại sẽ được gỡ bỏ.

Tranh chấp thương mại quốc tế đang gây bất lợi cho hoạt động xuất - nhập khẩu của Trung Quốc

Theo Chính phủ Trung Quốc, trong tháng 8/2018, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) thuộc lĩnh vực chế tạo đã tăng lên 51,3, từ mức 51,2 của tháng 7/2018, đánh dấu tháng thứ 25 tăng liên tiếp. Kết quả này đã vượt dự kiến của các chuyên gia tham gia khảo sát của Reuters khi cho rằng, PMI lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc sẽ đi xuống tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 8/2018, xuống 51.

Tuy nhiên, những tranh chấp thương mại quốc tế đang gây bất lợi cho hoạt động xuất - nhập khẩu của Trung Quốc. Lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 8/2018 cho thấy, một loạt biện pháp bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ thông qua việc đánh thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã bắt đầu phát huy tác dụng. 

Nhập khẩu đạt mức kỷ lục, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng mạnh

Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 5/9, thâm hụt thương mại của nước này đã tăng lên 50,1 tỷ USD trong tháng 7 do nhập khẩu đạt mức kỷ lục.
Các nhà phân tích đang theo dõi chặt chẽ tình hình quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trong bối cảnh những đồn đoán rằng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ tiến hành áp thuế lên lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc sớm nhất trong tuần này.