Độc quyền - nguyên nhân thiếu điện tại Trung Quốc

Theo Trương Khắc Trà/diendandoanhnghiep.vn

Thiếu điện tại Trung Quốc không phản ánh đúng một cuộc khủng hoảng đúng với nghĩa của khái niệm này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Toàn bộ hệ thống điện năng của Trung Quốc được quản lý bởi Tập đoàn lưới điện quốc gia có tên giao dịch quốc tế là State Gird. Đây là công ty lớn thứ 5 thế giới tính theo doanh thu, hơn 363 tỷ USD mỗi năm, gần 1 triệu nhân viên và 1,1 tỷ khách hàng.

Xét về nguồn gốc hình thành, đây là doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất toàn cầu, nắm lợi thế gần như tuyệt đối, cung cấp loại hàng hóa chiến lược tối quan trọng không chỉ tại Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.

Ngoài những công trình thủy điện khổng lồ nổi tiếng, khoảng 75% điện năng của Trung Quốc được sản xuất từ nhiệt điện than. Người ta ước tính trái đất có 10 nghìn tỷ tấn than, trong đó 4/5 sản lượng ở đại lục Trung Quốc.

Thị trường than quốc tế mới chỉ chiếm trên 10% sản lượng than khai thác. Có nghĩa Trung Quốc vẫn đủ than để sản xuất điện và bán cho thế giới hơn 100 năm nữa!

Vì vậy, việc Trung Quốc thiếu điện không phản ánh đúng bản chất vấn đề, nghĩa là nếu muốn nước này vẫn có thể tạo ra lượng điện năng dư dả.

Nguyên nhân thiếu điện được cho là mâu thuẫn giữa các nhà khai thác than và các nhà máy sản xuất điện từ than. Giá bán than quá cao trong khi giá điện quá thấp. Điện Trung Quốc bán sang Việt Nam 1,281 đồng/kWh còn giá mua điện bình quân trong nước là 1.486 đồng/kWh.

Dĩ nhiên, Trung Quốc không chỉ có mỗi nhiệt điện than, nước này đang dẫn đầu thế giới về năng lượng “sạch” từ gió và mặt trời, sở hữu 6 trong 10 công ty sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.

Vào năm 2018, Trung Quốc là đất nước đầu tiên lắp đặt hơn 100 gigawatt công suất năng lượng mặt trời, tương đương với lượng điện được sản xuất từ 75 nhà máy năng lượng hạt nhân!

Từ năm 1996 Bắc Kinh đã triển khai chương trình cấp tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực năng lượng “sạch”. Năm 2011 cơ chế giá điện feed-in tariff (TiF) ra đời, dùng phụ phí trong hóa đơn điện để chi trả lại cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo.

Như vậy, Trung Quốc không hề thiếu điện, cũng không có cuộc khủng hoảng nào như truyền thông mô tả, mọi chuyện xảy ra dưới quyền lực chính trị điều tiết bằng cơ chế kế hoạch hóa, không tôn trọng nguyên tắc khách quan của thị trường.

Nhóm khai thác than cứ tăng giá và giữ giá mà không hề e sợ khách hàng của mình bỏ chạy! Chỉ có thể là độc quyền. Hơn thế nữa nhiệt điện bây giờ bị ghẻ lạnh, quy tội gây hiệu ứng nhà kính, không còn tương thích với mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2060.

Sản xuất điện là một chuyện, truyền tải và phân phối điện lại là chuyện khác, không một công ty tư nhân nào có quyền xây dựng mạng lưới truyền tải riêng ngoài Tập đoàn lưới điện quốc gia.

Hay nói cách khác, chỉ có dòng điện thuộc sở hữu của tập đoàn này mới nghiễm nhiên được hòa lưới, còn lại năng lượng tái tạo - vốn là sân chơi nhộn nhịp của khu vực tư nhân không được đối xử ngang bằng.

Mới đây, Bộ Tài chính Trung Quốc ra lệnh tăng giá bán điện để kích thích các nhà máy nhiệt điện hoạt động trở lại. Động thái này càng cho thấy rõ hơn cơ chế điều tiết giá cả, thị trường còn nặng tính bao cấp, mang đậm quyền hành chính trị.

Ngành điện Trung Quốc vận hành tương đồng với Việt Nam, bao trùm là độc quyền cơ sở vật chất và độc quyền giá cả. Tất nhiên, thể chế chính trị buộc có những doanh nghiệp đầu đàn do nhà nước nắm giữ.

Thông qua doanh nghiệp nhà nước để điều tiết thị trường, cầm cương chính sách, chủ trương, mục đích cuối cùng là giữ vững quyền lãnh đạo, điều hành đất nước.

Nếu kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa có các cuộc khủng hoảng mang tính chất chu kỳ, tất yếu thì kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phụ thuộc phần nhiều vào thái độ chính trị, đó là khi sự can thiệp không chuẩn xác, dẫn đến vi phạm quy luật khách quan.

Nhiều khi cơn khủng hoảng ngắn hạn nào đó xảy ra không phải vì "cung - cầu" khập khiểng, mà vì lý do... vỡ quy hoạch!