Đông Nam Á đối mặt nguy cơ mất 8,4% GDP năm 2021 do tác động của COVID-19 tới du lịch

Theo Hải Yến/thitruongtaichinhtiente.vn/ADB Seads

Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, Đông Nam Á có thể bị thiệt hại 8,4% GDP trong năm 2021 do khách du lịch tiếp tục từ bỏ kế hoạch du lịch trong thời kỳ đại dịch. Khu vực này được dự báo sẽ chứng kiến ​​mức giảm 82% chi tiêu của khách du lịch trong nước trong năm nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Báo cáo chung của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) và Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho rằng, vấn đề bệnh dịch do virus corona (COVID-19) gây nên sẽ vẫn còn trong một vài năm nữa. Báo cáo kêu gọi các quốc gia đưa ra các biện pháp để khôi phục niềm tin của du khách, giảm thiểu tác động kinh tế xã hội đối với các sinh kế liên quan, và chuẩn bị cho lĩnh vực du lịch và lữ hành trong dài hạn.

Tính đến ngày 14/7/2021, COVID-19 đã lây nhiễm cho 187,5 triệu người trên thế giới và gây ra 4 triệu ca tử vong. Ở Đông Nam Á, 36 triệu người đã bị nhiễm bệnh, với 516.608 trường hợp tử vong.

Dự báo của Liên hợp quốc dựa trên kịch bản lượng khách du lịch giảm trung bình 74% trên toàn cầu trong năm nay, phù hợp với mức giảm vào năm 2020. Ở nhiều quốc gia đang phát triển phụ thuộc nhiều vào du lịch quốc tế, lượng khách đã giảm từ 80% đến 90%. Báo cáo cho biết Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Châu Đại Dương, Bắc Phi và Nam Á là những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự sụt giảm du lịch toàn cầu. Bắc Mỹ, Tây Âu và Caribe là những nơi ít bị ảnh hưởng nhất.

Với kịch bản lạc quan hơn về lượng khách chỉ giảm 63%, báo cáo cho thấy mức thiệt hại thấp hơn đối với khu vực Đông Nam Á,  ở mức 5,6% trong năm nay. Sự sụt giảm sâu hơn 75% lượng khách đến, đã tính đến việc triển khai vắc xin trên khắp các quốc gia, dự kiến ​​sẽ gây ra mức giảm 7,1% GDP.

Theo ước tính của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, tổng đóng góp của ngành du lịch vào GDP của Đông Nam Á là vào khoảng 12%, với giá trị 380 triệu đô la vào năm 2019.

Tăng cường tiêm chủng

Báo cáo của Liên hợp quốc nhấn mạnh sự cần thiết đối với các quốc gia trong việc tăng tốc độ tiêm chủng, lưu ý rằng điều này đã làm chậm sự lây lan của dịch bệnh ở một số quốc gia, chẳng hạn như Israel, Vương quốc Anh và Mỹ.

Báo cáo lưu ý, ở hầu hết các nước đang phát triển, việc tiếp cận và phân phối vắc xin vẫn còn là một thách thức, với việc virus tiếp tục lây lan với tốc độ báo động ở Ấn Độ, Brazil và ở nhiều quốc gia nơi du lịch quan trọng đối với sinh kế của người dân, chẳng hạn như Maldives và Seychelles .

 “Du lịch là cứu cánh cho hàng triệu người, và việc thúc đẩy tiêm chủng để bảo vệ cộng đồng và hỗ trợ khởi động lại du lịch an toàn là rất quan trọng để phục hồi việc làm và tạo ra các nguồn lực cần thiết, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, nhiều quốc gia trong số đó phụ thuộc nhiều vào du lịch quốc tế,” Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho biết.

Các cơ quan của Liên hợp quốc cho biết sự sụp đổ của ngành du lịch quốc tế do đại dịch có thể gây ra thiệt hại hơn 4 nghìn tỷ đô la GDP toàn cầu cho năm 2020 và 2021.

UNWTO ước tính 100 triệu đến 120 triệu việc làm du lịch trực tiếp đang bị đe dọa do lượng khách du lịch giảm.

Tại Đông Nam Á, báo cáo ước tính tỷ lệ mất việc làm của lao động phổ thông từ 11,6% đến 7,7%.

Báo cáo cho biết, sự phục hồi sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc triển khai vắc-xin, việc loại bỏ và phối hợp giữa các quốc gia trong vấn đề hạn chế du lịch và xây dựng lại niềm tin của khách du lịch.

Khuyến nghị chính sách

Để giảm thiểu tác động của đại dịch và thúc đẩy phục hồi, báo cáo đề xuất một biện pháp sau:

Khôi phục niềm tin của khách du lịch. Báo cáo ghi nhận những lo ngại của khách du lịch về sức khỏe và nguy cơ bị hủy bỏ kế hoạch du lịch và mắc kẹt ở nước ngoài. Những vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách triển khai tiêm các loại vắc xin trên toàn cầu càng sớm càng tốt. Báo cáo cho rằng, “đó cũng là một ưu tiên kinh tế. Tiêm chủng cho 40% dân số toàn cầu vào cuối năm và 60% vào giữa năm 2022 là một mục tiêu đầy tham vọng có thể tiêu tốn 50 tỷ đô la, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới và WHO. "Tuy nhiên, lợi ích ước tính vượt xa chi phí"- báo cáo lưu ý.

Điều phối và thông tin tốt hơn về các yêu cầu đi lại là rất quan trọng, báo cáo cho biết và nêu tên một số công cụ đang được UNWTO và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế phát triển như theo dõi điểm đến và thẻ hành trình. Việc phát triển xét nghiệm giá rẻ, nhanh chóng và đáng tin cậy cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại. Một quy trình hoặc tiêu chuẩn chung để xét nghiệm khi khởi hành có thể loại bỏ nhu cầu kiểm dịch khi đến.

Giảm thiểu các tác động kinh tế - xã hội đến sinh kế. Sử dụng các biện pháp tài khóa để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch và người lao động là một thách thức đối với hầu hết các nước đang phát triển nơi du lịch là một ngành kinh tế lớn. Thay vì bảo vệ các công việc cụ thể trong các lĩnh vực đang giảm sút, người lao động nên được bảo vệ thông qua đào tạo.

Lập chiến lược về tương lai. COVID-19 có thể còn xuất hiện trong một thời gian. Báo cáo cho biết: “Sự trở lại bình thường trước năm 2023 có vẻ lạc quan. Các chính phủ cần xem xét các tác động lâu dài của đại dịch đối với các doanh nghiệp du lịch và quyết định hỗ trợ ai và trong thời gian bao lâu. Họ cũng cần tính đến các cân nhắc về môi trường, điều này có thể làm tăng chi phí cho các chuyến bay đường dài. Mức độ phổ biến của tàu du lịch cũng có thể giảm do hạn chế kéo dài và sẽ cần được nghiên cứu. Xu hướng du lịch trong nước cũng sẽ cần được xem xét. Báo cáo cho biết các nước đang phát triển phụ thuộc vào du lịch có thể cân nhắc cách thức đa dạng hóa các nguồn lực ngoài du lịch.