Đồng USD và ngôi vương trong cuộc chiến tiền tệ ngược quy mô toàn cầu

Theo Ngọc Diệp/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn

Nước Mỹ đã chiến thắng trong cuộc chiến nhằm hạ giá đồng tiền và giờ đây lại đang chiến thắng trong cuộc chiến nâng giá đồng tiền.

Ảnh: Entertales
Ảnh: Entertales

Hiện đang diễn ra cuộc chiến tiền tệ ngược và nước Mỹ đang chiến thắng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nước Mỹ đã chiến thắng trong cuộc chiến nhằm hạ giá đồng tiền và giờ đây lại đang chiến thắng trong cuộc chiến nâng giá đồng tiền, theo Wall Street Journal đưa tin.

Trong cả hai trường hợp, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể coi như ngân hàng trung ương có chính sách mạnh tay và táo bạo nhất so với các ngân hàng trung ương khác và đồng USD biến động theo các động thái chính sách này, ban đầu giảm giá và hiện đang tăng giá.

Câu hỏi đối với nhà đầu tư hiện giờ là liệu đây sẽ là một phần của quá trình tái cân bằng lại kinh tế toàn cầu hoặc chỉ là một yếu tố gây sốc trong ngắn hạn hay là quá trình điều chỉnh đầy đau đớn, hoặc cũng có thể nó là sự kết hợp của cả ba yếu tố trên.

Diễn biến gần đây của đồng USD khá bất thường nhưng mức độ biến động mới là yếu tố thu hút nhiều sự quan tâm. Chỉ còn 1 cent nữa đồng USD sẽ đạt trạng thái cân bằng với đồng euro lần đầu tiên tính từ năm 2002. Đồng USD hiện cũng ở ngưỡng cao nhất tính từ năm 1998 so với đồng yên. Nếu điều chỉnh với lạm phát, đồng USD chỉ tăng cao hơn đồng tiền của các nước đối tác duy nhất 2 lần, vào năm 2002 và 1985.

Diễn biến của đồng USD chịu ảnh hưởng bởi sự kết hợp giữa yếu tố logic kinh tế cũng như các biện pháp hỗ trợ chính sách tiền tệ.

Logic kinh tế tác động đến diễn biến của đồng USD và vì vậy khôi phục lại sự cân bằng cho kinh tế toàn cầu. Thế nhưng với nhiều người, nó lại gây hại.

Thực trạng kinh tế Mỹ hiện phù hợp với đồng USD mạnh không phải bởi tăng trưởng kinh tế Mỹ lên mạnh mà bởi dù số liệu Mỹ gần đây đáng thất vọng nhưng các nơi khác còn tồi tệ hơn. Diễn biến tăng giá của đồng USD so với đồng euro và đồng yên thời gian gần đây có nguyên nhân trực tiếp từ giá khí đốt tăng cao và rủi ro nguồn cung từ Nga sẽ có thể bị ngưng lại. Trong vai trò các nước nhập khẩu năng lượng và máy móc lớn, Nhật và Đức sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Ở mức độ đơn giản, các khoản đầu tư mới sẽ được điều hướng và nước Mỹ thực sụ hấp dẫn bởi Mỹ đã tự chủ về năng lượng.

Chuyên gia kinh tế cao cấp tại Capital Economics, ông Jonas Goltermann, nhận xét: “Đối với bất kỳ ngành nào cần năng lượng, nước Mỹ dường như đã vững vàng. Sức cạnh tranh của Mỹ đã cao hơn rất nhiều, điều khoản thương mại cũng đã cải thiện”.

Kết quả của những yếu tố trên dẫn đến việc đồng USD tăng giá. Số liệu kinh tế cũng đang cho thấy nhiều diễn biến mới. Chi phí nhập khẩu của Nhật và Đức đang tăng vọt, chủ yếu bởi giá năng lượng. Trong tháng 5/2022, Đức công bố thâm hụt thương mại hàng hóa đầu tiên từ năm 1991, đây có thể coi như thay đổi đáng kể cho một đất nước vốn có thặng dư thương mại lớn trong nhiều năm.

Đồng USD giúp giải quyết vấn đề này, nhìn ở góc độ nào đó. Nếu thị trường đúng, Đức hiện đang đương đầu với chi phí năng lượng tăng cao, Đức không nên phụ thuộc quá nhiều vào ngành công nghiệp nặng và những nhà máy hóa chất được vận hành bởi khí đốt rẻ của Nga.

Đồng euro yếu giúp bù đắp cho việc tính cạnh tranh thiếu hụt, khuyến khích đầu tư vào các ngành xuất khẩu sử dụng nhiều năng lượng, đồng thời giảm nhập khẩu vì vậy làm giảm cú sốc đối với việc làm. Đồng nội tệ yếu khiến cho xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn bất chấp những ảnh hưởng đến người tiêu dùng bởi họ không còn có thể mua hàng nhập khẩu giá rẻ nữa.

Còn ở Mỹ, chuyện ngược lại đang diễn ra. Đồng USD mạnh khiến cho xuất khẩu trở nên khó khăn hơn và làm giảm đi lợi nhuận mà doanh nghiệp đa quốc gia Mỹ có thể mang về từ nước ngoài, vì vậy Fed có thể ứng phó với lạm phát.

Logic của chính sách tiền tệ rất rõ ràng. Tiền tại Mỹ kiếm được lợi suất cao hơn so với phần còn lại của thế giới các nền kinh tế phát triển. Fed nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khẳng định cũng sẽ làm như vậy nhưng chưa làm, còn Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) cho biết sẽ không hành động.

Dù rằng kỳ vọng về khả năng Fed nâng lãi suất đã giảm đi trong những tuần gần đây khi mà nỗi sợ suy thoái tăng lên, kỳ vọng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm nhanh hơn. Mức chênh lệch lớn của lợi suất trái phiếu hai năm tại Mỹ và châu Âu hỗ trợ cho đồng USD.