EC gia hạn miễn thuế hải quan và thuế doanh thu với khẩu trang và thiết bị y tế

Theo Phương Oanh/TTXVN

Khẩu trang, bộ kit xét nghiệm và máy thở là 3 trong số các măt hàng sẽ tiếp tục được miễn thuế doanh thu và thuế hải quan tại EU và Anh.

Hội đồng châu Âu (EC) đã gia hạn việc miễn thuế hải quan đối và thuế doanh thu đối với mặt hàng khẩu trang và các thiết bị y tế khác nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt các mặt hàng y tế này
Hội đồng châu Âu (EC) đã gia hạn việc miễn thuế hải quan đối và thuế doanh thu đối với mặt hàng khẩu trang và các thiết bị y tế khác nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt các mặt hàng y tế này

Ngày 23/7, Hội đồng châu Âu (EC) đã gia hạn việc miễn thuế hải quan đối và thuế doanh thu đối với mặt hàng khẩu trang và các thiết bị y tế khác nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt các mặt hàng y tế này, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang vật lộn đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trước đó, biện pháp này ban đầu được thông qua vào tháng 4 với thời gian 6 tháng đầu năm nay, và đã được gia hạn cho tới ngày 31/10. Quy định này cũng được áp dụng tại Anh.

Trong tuyên bố của mình, EC cho biết quyết định tiếp tục gia hạn biện pháp trên xuất phát từ những nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng xét trên số ca mắc COVID-19 tại các nước thành viên và do sự thiếu hụt trang thiết bị y tế.

Theo đó, khẩu trang, bộ kit xét nghiệm và máy thở là 3 trong số các măt hàng sẽ tiếp tục được miễn thuế doanh thu và thuế hải quan tại EU và Anh.

Thiết bị, dụng cụ y tế đã trở nên thiếu hụt tại EU vào thời điểm đại dịch tấn công các quốc gia thành viên đầu tiên của khối hồi tháng 3. Vấn đề này hiện đã phần nào được cải thiện khi hầu hết các quốc gia châu Âu đã qua đỉnh dịch, song tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể quay trở lại trong trường hợp xảy ra làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, được dự báo có thể bùng phát vào mùa Thu.

Cùng ngày, Bộ trưởng Giao thông Đức Andreas Scheuer cho biết các nước EU đã nhất trí về các tiêu chuẩn vệ sinh chung như việc tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang trên các máy bay và tại các sân bay nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Cụ thể, quy định vệ sinh chung được nhất trí bao gồm việc bảo vệ khu vực mũi, miệng đối với hành khách từ 6 tuổi trở lên và đảm bảo giãn cách xã hội tại các sân bay trong quá trình kiểm tra an ninh và làm thủ tục lên máy bay. Không gian trên máy bay cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn không khí thoáng đãng và các thông tin dành cho hành khách được cung cấp bằng nhiều ngôn ngữ.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 23/7 đã lên tiếng kêu gọi người dân duy trì cảnh giác trước mối đe dọa dịch COVID-19 khi mùa Đông tới. Ông nhấn mạnh: "Đây không phải là kết thúc của câu chuyện (dịch bệnh) và chúng ta phải thực sự cảnh giác khi bước sang những tháng lạnh giá hơn".

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh doanh Anh Alok Sharma cùng ngày cho biết nước này sẽ cung cấp 100 triệu bảng (127 triệu USD) để đầu tư vào cơ sở sản xuất vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Việc đầu tư vào trung tâm này cũng như các kỹ thuật nhằm mục đích đẩy nhanh việc sản xuất hàng triệu liều vacine phòng COVID-19, trong khi vẫn đảm bảo năng lực ứng phó kịp thời của Anh trước các đại dịch trong tương lai.

Cũng trong ngày 23/7, Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes đã ban hành chỉ thị bắt buộc người dân nước này đeo khẩu trang tại các khu chợ ngoài trờ và các địa điểm mua sắm sầm uất, cũng như một số khu vực thuộc các tòa nhà công.

Trong thông báo về đề xuất nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 vào tháng tới, Thủ tướng Wilmes nhấn mạnh việc tuân thủ chặt chẽ các quy định có ý nghĩa quan trọng, nhấn mạnh "những biện pháp này không phải là khuyến cáo, mà là các mệnh lệnh".

Bỉ đã đối mặt với sự gia tăng trở lại các ca mắc COVID-19 kể từ khi bắt đầu nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế. Tuần trước, trung bình nước này ghi nhận 184 ca mắc mới/ngày, tăng 89% so với 7 ngày trước đó. Tới nay đã có 64.627 ca mắc được phát hiện tại Bỉ, trong đó có 9.808 ca tử vong.