Fed cam kết làm tất cả để hỗ trợ kinh tế Mỹ

Theo Mai Ngọc/thoibaonganhang.vn

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh tại Mỹ, biến nước này trở thành một trong những tâm dịch lớn nhất toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm tất cả những gì có thể để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến nền kinh tế. Nhiều quan chức Fed cũng hối thúc Quốc hội Mỹ cần nhanh chóng có những hành động mạnh mẽ hơn.

Những bước đi gần đây của Chủ tịch Fed Jerome Powell đã khiến ông Trump hài lòng. Nguồn: internet
Những bước đi gần đây của Chủ tịch Fed Jerome Powell đã khiến ông Trump hài lòng. Nguồn: internet

Nỗ lực cứu vãn nền kinh tế

Chủ tịch Fed Jerome Powell cam kết rằng Fed sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ mà họ có để chống lại sự suy thoái kinh tế do cuộc khủng hoảng coronavirus mang lại. Trả lời phỏng vấn với Chương trình “Today” của NBC mới đây, Jerome Powell cho biết, những biện pháp mà Fed thực hiện gần đây sẽ giúp cung cấp vốn cho các doanh nghiệp và điều đó sẽ đặc biệt hữu ích khi virus được kiểm soát.

“Khi nói đến việc cho vay này, chúng tôi không bao giờ cạn vũ khí, điều đó sẽ không xảy ra”, Powell nói với NBC. “Chúng tôi vẫn còn nhiều dư địa chính sách để hỗ trợ nền kinh tế”.

Ngay đầu tháng 3 Fed đã khiến các thị trường bất ngờ khi thực hiện cắt giảm lãi suất khẩn cấp lần đầu tiên bên ngoài một cuộc họp chính sách. Mức cắt giảm cũng lớn gấp đôi bình thường, tới 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất cho vay qua đêm xuống còn 1-1,25%. Thế nhưng chỉ hơn chục ngày sau, ngày 15/3 Fed lại một lần nữa cắt giảm khẩn cấp lãi suất mà không cần đợi đến cuộc họp chính sách với mức cắt giảm tới 100 điểm cơ bản, đưa lãi suất về gần bằng 0.

Không chỉ vậy Fed đã khởi xướng một loạt các biện pháp nhằm duy trì dòng chảy tín dụng. Fed còn phối hợp cùng Bộ Tài chính Mỹ trong việc cung cấp vốn cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô. Thậm chí Fed còn bắt đầu mua trái phiếu doanh nghiệp và các tài sản khác, điều mà trước đây Fed chưa bao giờ làm, để phá băng thị trường tín dụng. “Chúng tôi có thể thực hiện điều đó. Đó là một điều rất tích cực và hoàn toàn thích hợp trong tình huống cực kỳ bất thường này”, Powell nói.

Fed cũng tái khởi động lại chương trình mua tài sản của mình, cam kết mua không giới hạn trái phiếu nếu cần thiết để giữ cho thị trường và nền kinh tế hoạt động tốt. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang bị đình trệ vì dịch bệnh, Powell nhấn mạnh rằng, đây không phải là một sự suy thoái bình thường do một cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ một bộ phận kinh tế gây ra, vì thế cần phải có những chính sách bất thường.

Hối thúc Quốc hội làm nhiều hơn

Chủ tịch Fed Boston Eric Rosengren cho biết, Fed đã hành động nhanh chóng giải quyết tình trạng xấu đi trên nhiều khu vực của thị trường tài chính vốn bị tê liệt do cuộc khủng hoảng coronavirus.

“Tại ngân hàng trung ương, chúng tôi tập trung vào giải quyết và làm giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của đại dịch”, Rosengren nói trong bài phát biểu được chuẩn bị cho một diễn đàn trực tuyến với Phòng Thương mại Boston. “Fed đã hành động nhanh chóng để giải quyết các vấn đề lan tỏa từ sự gián đoạn kinh tế”.

Tuy nhiên, ông nói sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa, đặc biệt là Quốc hội Mỹ mặc dù gần đây lưỡng viện đã thông qua gói cứu trợ quy mô lên tới 2 nghìn tỷ USD (Đạo luật CARES).

“Tôi nghĩ rằng có lẽ chúng ta sẽ phải làm nhiều hơn những gì đã có trong Đạo luật CARES. Nhưng tôi nghĩ rằng đó là một khởi đầu tốt trong việc cố gắng giảm thiểu một số chi phí”, Rosengren nói.

Ông đặc biệt lo lắng về một số đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là những người nghèo và thu nhập thấp. Theo ông, hành động lập pháp nên tập trung vào những đối tượng này. Bên cạnh đó, các bước đi tiếp theo của liên bang là phải trực tiếp viện trợ cho các tiểu bang và các doanh nghiệp nhỏ. Ngoài viện trợ của chính phủ, ông cũng khuyến khích cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ tập trung hỗ trợ thức ăn và nhà tạm trú cho người vô gia cư.

Tuy nhiên, ngay cả khi có sự hỗ trợ từ Quốc hội và Fed, Rosengren cho rằng, dịch bệnh vẫn sẽ tấn công nền kinh tế, đặc biệt là việc làm. Các hoạt động kinh tế bị ngừng trệ khi Chính phủ yêu cầu giãn cách xã hội và hạn chế đi lại để làm chậm lại sự lây lan của coronavirus.

Trong khi đó, việc cung cấp các dịch vụ công cộng quan trọng, theo Rosengren, trên thực tế cũng làm “méo mó dòng tín dụng và thanh khoản, vốn là nền tảng cho nền kinh tế của chúng ta, từ đó đe dọa gây ra nỗi đau lớn hơn so với một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện”.

Giống như các quan chức khác của Fed, ông cũng dự đoán rằng nền kinh tế sẽ chịu nhiều thiệt hại khi những nỗ lực ngăn chặn virus tiếp tục. “Chúng ta phải tiếp tục thích nghi khi cuộc khủng hoảng diễn ra, trong đó cần lưu tâm tới hoàn cảnh của những người lao động đã hoặc sẽ bị cho nghỉ việc. Thật không may, chúng tôi hy vọng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng đáng kể”, ông nói.