Giới chức hàng đầu Trung Quốc khẳng định vẫn theo đuổi chính sách không COVID-19

Theo Trung Mến/bizlive.vn

Việc phong tỏa hàng chục triệu người tại thành phố Thượng Hải và tỉnh Cát Lâm – Trung Quốc đã khiến cho nhiều người lên tiếng phản đối phản ứng của chính phủ trước biến chủng Omicron.

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng chính phủ của ông sẽ vẫn tiếp tục với chính sách không COVID ngay cả khi mà quan điểm phản đối của người dân tại Thượng Hải tăng cao và chi phí kinh tế leo thang.

Trong chuyến thăm tới một địa phương mới đây, phát biểu với Tân Hoa Xã, Chủ tịch Tập nói: “Các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh không thể được nới lỏng. Các quan chức thực thi biện pháp Zero COVID cần phải tuân thủ nguyên tắc sinh mạng con người là số 1 và sự kiên trì là chiến thắng”.

Chủ tịch Trung Quốc hiện đang đương đầu với một trong những phép thử lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông. Việc phong tỏa hàng chục triệu người tại thành phố Thượng Hải và tỉnh Cát Lâm – Trung Quốc đã khiến cho nhiều người lên tiếng phản đối phản ứng của chính phủ trước biến chủng Omicron.

Nhiều người dân thiếu thực phẩm, thuốc men và mệt mỏi với tình trạng bị phong tỏa kéo dài đã phản ứng bởi họ bị cấm rời khỏi nhà. Dù rằng có dấu hiệu nới lỏng một số biện pháp chính sách ví như việc cho phép Thượng Hải, Quảng Châu và 6 thành phố khác giảm thời gian cách ly với một số đối tượng, nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc vẫn công khai nói về việc Trung Quốc cần phải tiếp tục áp dụng các biện pháp cứng rắn ngăn chặn COVID-19.

Chiến lược này bao gồm việc xét nghiệm trên quy mô lớn, cách ly dài và chủ yếu đóng cửa phiên giới. Ngoài chi phí xã hội, thiệt hại về kinh tế là khá lớn, nhiều nhà máy bị buộc phải đóng cửa và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã không ngừng cảnh báo về những rủi ro với tăng trưởng kinh tế, vào ngày thứ Sáu tuần này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc dự kiến sẽ hạ lãi suất chính sách lần thứ 2 trong năm nay, đồng thời hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong vòng vài ngày để giúp tăng trưởng kinh tế.

Chính sách không COVID-19 của Trung Quốc đồng thời cũng đã tạo ra một số căng thẳng về chính trị.

Chính sách không COVID-19 của Trung Quốc khiến cho kinh tế Trung Quốc trở nên "khó chồng khó" khi mà vốn đã đối mặt với vấn đề lạm phát cao.

Lạm phát dai dẳng tại Trung Quốc làm giảm đi khả năng điều chỉnh chính sách của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) trong việc hạ lãi suất để cứu tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Các chỉ số về giá cả sản xuất và tiêu dùng tại Trung Quốc tháng 3/2022 tăng mạnh hơn so với kỳ vọng của các chuyên gia.

Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại Nomura Holdings, ông Ting Lu, nhận xét: “Lạm phát giá cả thực phẩm và năng lượng hạn chế khả năng của PBoC trong việc hạ lãi suất cơ bản đồng nhân dân tệ mặc dù nền kinh tế đang ngày một khó khăn hơn”.

Ông Lu nói đến báo cáo nghiên cứu của chính tổ chức ông vào tháng này cho thấy rằng lãi suất tiền gửi thời hạn 1 năm tại Trung Quốc hiện chỉ cao hơn một chút so với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Điều này làm giảm đi giá trị của việc gửi tiền tại Trung Quốc.

Xét trên quy mô quốc tế, lãi suất tại Mỹ cao hơn làm giảm đi chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chuẩn thời hạn 10 năm của Mỹ cũng như trái phiếu cùng thời hạn của Trung Quốc, sức hấp dẫn của trái phiếu Trung Quốc vì vậy giảm bớt đi. Việc hạ lãi suất tại Trung Quốc sẽ khiến cho mức chênh lệch xuống sâu hơn nữa.