Goldman Sachs: Thế giới đối mặt với cú sốc năng lượng lớn nhất lịch sử

Theo Thanh Trần/nhadautu.vn

Xung đột giữa Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đang khiến nền kinh tế thế giới phải hứng chịu một cú sốc năng lượng nghiêm trọng.

Xung đột giữa Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đang khiến nền kinh tế thế giới phải hứng chịu một cú sốc năng lượng nghiêm trọng.  Ảnh: AFP.
Xung đột giữa Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đang khiến nền kinh tế thế giới phải hứng chịu một cú sốc năng lượng nghiêm trọng. Ảnh: AFP.

Mới đây, Nhà Trắng đã thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga trong khi Vương quốc Anh cam kết sẽ loại bỏ dần nhập khẩu từ nước này vào cuối năm nay.

Các chiến lược gia của Goldman Sachs cho biết: "Sự không chắc chắn về cách thức giải quyết cuộc xung đột cũng như tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu là chưa từng có".

Rystad Energy cảnh báo, nếu các quốc gia phương Tây khác tiếp bước Mỹ và cấm vận dầu của Nga, giá dầu thô có thể tăng vọt lên tới mức 240 USD/thùng vào mùa hè này.

Tổ chức này cho rằng, một động thái như vậy sẽ tạo ra "lỗ hổng 4,3 triệu thùng dầu mỗi ngày trên thị trường, và nó không thể nhanh chóng được thay thế bằng các nguồn cung khác".

"Với vai trò quan trọng của Nga trong việc cung cấp năng lượng, nền kinh tế toàn cầu có thể sớm phải đối mặt với một trong những cú sốc cung cấp năng lượng lớn nhất từ ​​trước đến nay", Goldman Sachs cho biết trong báo cáo.

Cú sốc nguồn cung lớn nhất kể từ năm 1990?

Theo Goldman Sachs, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine có thể ảnh hưởng đến khoảng 3 triệu thùng dầu và sản phẩm dầu mỏ của Nga xuất khẩu qua đường biển mỗi ngày.

Nếu tình hình này được duy trì, nó sẽ gây ra sự gián đoạn nguồn cung lớn thứ năm trong lịch sử, chỉ sau sự kiện cấm vận dầu của Ả Rập năm 1973, cách mạng Iran năm 1978, chiến tranh Iran-Iraq năm 1980 và chiến tranh Iraq-Kuwait vào năm 1990.

Nói cách khác, thế giới sẽ buộc phải sử dụng ít dầu hơn. Điều này sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khi người dân lái xe ít hơn, di chuyển bằng hàng không sụt giảm, chuỗi cung ứng gián đoạn cũng như việc sản xuất bị hạn chế.

Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu Brent lên 135 USD/thùng trong năm 2022, tăng từ mức 98 USD trước đó.

Các chiến lược gia của Goldman Sachs viết: "Những rủi ro còn hiện hữu trước mắt là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu tiếp tục có xu hướng tăng nhanh và đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng".

Động thái nào từ các công ty dầu khí của Mỹ?

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng dầu của Mỹ dự kiến ​​sẽ tăng lên mức trung bình 12 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Tuy nhiên, EIA đã nâng đáng kể dự báo về sản lượng dầu của Mỹ vào năm 2023, với mức trung bình là 13 triệu thùng/ngày, trong khi dự báo trước đó là 12,6 triệu. Kỷ lục hàng năm về sản lượng dầu của Mỹ được thiết lập vào năm 2019, khi sản xuất được 12,3 triệu thùng mỗi ngày.

Mới đây, Viện Dầu khí Mỹ cũng đã cam kết hợp tác và đồng thuận với việc giải phóng kho dự trữ dầu khẩn cấp của Mỹ.

Giám đốc điều hành Viện Dầu khí Mỹ Mike Sommers nói: "Đây chính xác là những gì nguồn dự trữ dầu chiến lược được thiết kế để làm. Đó chính là giải quyết những tình huống mất cân bằng cung-cầu như một hệ quả của các vấn đề an ninh quốc gia".

Ông cũng cho biết ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ đã sẵn sàng bổ sung nguồn cung cần thiết trong bối cảnh số lượng giàn khoan tăng và dự báo sản lượng dầu của Mỹ cao hơn.

"Chúng tôi đang tập trung vào việc đảm bảo châu Âu sẽ được cung cấp đầy đủ nguồn cung từ góc độ năng lượng", ông Sommers nói.

Giám đốc điều hành Viện Dầu khí Mỹ nhấn mạnh rằng các công ty dầu mỏ của nước này sẽ làm những gì tốt nhất cho người tiêu dùng trên khắp thế giới.

"Các công ty của chúng tôi sẽ không bao giờ lợi dụng tình huống này để trục lợi", ông Sommers chia sẻ.