“Hồi kết” cho ngành công nghiệp dầu đá phiến

Theo Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn

Sự lao dốc lịch sử của giá dầu đã đẩy ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn khi mà các nhà khai thác đang phải tạm dừng hoạt động khoan mới và đóng cửa các giếng cũ.

Giá dầu đã giảm dưới chi phí khai thác dầu đá phiến. Nguồn: internet
Giá dầu đã giảm dưới chi phí khai thác dầu đá phiến. Nguồn: internet

Sụp đổ theo giá dầu

Giá dầu thô WTI đã sang chế độ khủng hoảng chỉ trong vài ngày khiến không ít doanh nghiệp dầu đá phiến không chắc chắn liệu có trụ lại được hay không. Đó là một kết thúc nhanh chóng và tàn bạo đối với dầu đá phiến, ngành công nghiệp mà chỉ năm ngoái Tổng thống Donald Trump còn tuyên bố Mỹ sẽ thống trị về năng lượng.

Giá dầu thô WTI lần đầu tiên trong lịch sử rơi xuống mức âm trong phiên giao dịch đầu tuần (20/4), có nghĩa là người bán phải trả tiền cho người mua để mang đi. Mặc dù đã phục hồi trở lại trong phiên giao dịch hôm thứ Ba và thứ Tư, tuy nhiên hiện dầu WTI giao tháng 5 vẫn đang giao dịch dưới 11 USD/thùng, thấp hơn nhiều chi phí sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ.

Theo Raoul LeBlanc - nhà phân tích của IHS Markit có trụ sở ở Houston, ngay cả ở mức 15 USD/thùng thì cũng chỉ có những giếng dầu có năng suất cao nhất mới hòa vốn, còn lại đều lỗ. “Ở mức giá này, bạn sẽ phải đóng cửa phần lớn sản xuất”.

Theo IHS Markit Ltd, khoảng 1,75 triệu thùng mỗi ngày có nguy cơ ngừng ngay lập tức, trong khi số lượng giếng mới được đưa vào khai thác dự báo sẽ giảm gần 90% vào cuối năm nay.

Trên thực tế hiện các nhà khai thác đã phải đóng cửa nhiều giếng dầu cũ, tạm dừng một hoạt động phần ba số giàn khoan, sa thải 51.000 công nhân, cắt giảm lương. Thậm chí nhiều nhà sản xuất đã bị phá sản chỉ sau 6 tuần kể từ khi giá dầu lao dốc. Nợ khó đòi trong lĩnh vực năng lượng của Mỹ đã tăng lên 190 tỷ USD, tăng hơn 11 tỷ USD trong vòng chưa đầy một tuần.

Tại Houston - thủ phủ dầu mỏ của Mỹ, nỗi đau do sự sụp đổ của giá dầu đang lan tỏa khắp nền kinh tế. “Lĩnh vực dầu khí có mức lương rất tốt. Nó là ngành công nghiệp được trả lương tốt nhất ở đây, thậm chí còn cao hơn cả so với nghề y”, Patrick Jankowski - một nhà kinh tế tại Greater Houston Partnership nói. “Một người làm việc trong văn phòng có thể kiếm được 100.000 USD một năm. Vì vậy khi những công việc đó biến mất, nó sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế”.

Theo Jankowski, hiện khu vực cần phải nhanh chóng tìm ra động cơ tăng trưởng tiếp theo của mình. “Năng lượng vẫn rất quan trọng, nhưng nó sẽ ít quan trọng hơn trước đây”, ông nói.

Nỗi đau còn dai dẳng

Trong bối cảnh nhu cầu dầu toàn cầu sụt giảm mạnh vì đại dịch coronavirus, trong khi lượng cung vẫn đang ở mức kỷ lục, chỉ vài tuần nữa thôi là các kho trữ dầu sẽ không còn chỗ chứa và điều đó càng tạo thêm sức ép lên các nhà sản xuất.

Hiện các thương nhân dầu mỏ đang nỗ lực một cách tuyệt vọng để tìm kiếm bất cứ một nơi nào có thể dự trữ dầu thô của mình khi mà các bể chứa dầu từ Texas đến Siberia đã không còn chỗ trống. Hầu như tất cả các kho lưu trữ trên đất liền ở Mỹ đã được đặt trước từ cuối tháng Hai.

Theo các nhà phân tích, có thể phải mất nhiều tháng để loại bỏ tình trạng thừa cung trong bối cảnh đại dịch coronavirus chưa biết khi nào mới kết thúc. Theo một hội thảo trực tuyến do Evercore ISI tổ chức mới đây, với khả năng không có doanh thu trong quý 2 và quý 3 năm nay, các nhà thăm dò dầu đá phiến lớn nhất ở Mỹ có thể bị bốc hơi 7 tỷ USD thanh khoản. Hệ quả là sẽ có khoảng 30% các nhà thăm dò dầu đá phiến có thể bị buộc phải rời khỏi thị trường.

“Tất cả chúng tôi đều dự đoán doanh thu sẽ giảm đáng kể hoặc mất hoàn toàn trong một khoảng thời gian không lường trước được”, Kyle Armstrong - Chủ tịch của Armstrong Energy Inc cho biết. “Cho dù đó là mức âm 37USD hay 5USD, đối với tôi đó không phải là vấn đề”, ông nói thêm. “Không có hiệu quả bởi vì tôi không thể vận hành giếng khoan một cách hiệu quả với giá đó”.

Theo LeBlanc của IHS Markit, các giếng dầu cũ với chi phí cao hơn sẽ bị đóng cửa đầu tiên với tổng sản lượng khoảng 1,75 triệu thùng mỗi ngày. Các nhà sản xuất sẽ tìm cách vượt qua cơn bão hiện nay với các giếng năng suất cao hơn để có thể cung cấp một số dòng tiền, ngay cả khi bị lỗ, để trang trải cho các chi phí đóng cửa các giếng dầu cũ.

“Thị trường dầu mỏ của Mỹ sẽ còn tồi tệ hơn trong tháng tới”, Paul Sankey - một nhà phân tích dầu cho biết. “Các nhà sản xuất không có lựa chọn nào khác bởi vẫn phải sản xuất do phải mất hàng tuần và hàng tháng để giảm sản lượng xuống mức 0”.

IHS dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ giảm xuống còn 10,1 triệu thùng mỗi ngày vào cuối năm nay, từ mức 12,8 triệu thùng hồi đầu năm. Thậm chí theo Noah Barrett - nhà phân tích năng lượng của Janus Henderson có trụ sở tại Denver, sản lượng dầu của Mỹ có thể sẽ giảm xuống còn khoảng 8,5 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2021 đến 2022. “Phần lớn hoạt động sản xuất, đặc biệt là các khu vực của Bakken và Oklahoma, sẽ biến mất hoàn toàn”, Barrett nói.