Hơn 30 tổ chức thương mại lớn kêu gọi chính phủ Mỹ nối lại đối thoại thương mại với Trung Quốc

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Cho đến nay, chính quyền Mỹ đã duy trì các biện pháp thuế quan nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh thực hiện các cam kết theo thỏa thuận thương mại.

Ảnh: GettyImages
Ảnh: GettyImages

Hơn 30 nhóm thương mại tại Mỹ đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nối lại đối thoại với Trung Quốc đồng thời loại bỏ thuế quan, theo quan điểm của họ, các chính sách thuế quan này đang gây tổn hại đến kinh tế Mỹ.

Trong thư gửi lên Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, các nhóm thương mại Mỹ hối thúc chính phủ Mỹ nối lại các cuộc đối thoại với Trung Quốc nhằm đảm bảo Bắc Kinh thực hiện đầy đủ các cam kết theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một đồng thời tăng mua hàng hóa Mỹ trong khoảng thời gian còn lại của năm 2021.

Nhóm này bao gồm các tổ chức rất uy tín như phòng Thương mại Mỹ, Liên đoàn Nông nghiệp Mỹ và Hiệp hội sản xuất ngành bán dẫn.

Theo nội dung lá thư do nhóm các tổ chức thương mại nói trên, đại diện nhấn mạnh: “Do các biện pháp thuế quan, các ngành của Mỹ đương đầu với tình trạng chi phí tăng cao trong sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ, chính vì vậy hàng hóa xuất khẩu của Mỹ có sức cạnh tranh kém đi tại nước ngoài. Chính quyền cần gấp rút có những biện pháp kịp thời để làm giảm áp lực lạm phát và chi phí giá hàng hóa cao hơn với tất cả người Mỹ bằng cách giảm thuế nhập khẩu”.

Cho đến nay, chính quyền Mỹ đã duy trì các biện pháp thuế quan nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh thực hiện các cam kết theo thỏa thuận thương mại. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa thực hiện được các mục tiêu này.

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc gần đây tiếp tục có nhiều dấu hiệu căng thẳng. Giới chức Trung Quốc đã có cuộc gặp cấp cao đầy căng thẳng với phía Mỹ tại Thiên Tân, Trung Quốc. Tuy nhiên hai bên vẫn để ngỏ cửa để tiếp tục có cuộc gặp cấp cao tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 10/2021.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang trong vài năm gần đây. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng thuế quan và các biện pháp trừng phạt trong nỗ lực giải quyết những chỉ trích chống lại Trung Quốc ví như điều kiện tiếp cận thị trường không công bằng, hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không đảm bảo, buộc doanh nghiệp chuyển giao công nghệ để có thể hoạt động tại Trung Quốc.

Dưới thời chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden, phía Mỹ đã đẩy cao chỉ trích chống lại Bắc Kinh về nhiều vấn đề chính trị xã hội tại Tân Cương và Hồng Kông. Bắc Kinh coi những vấn đề này là nội bộ. 

Cách đây không lâu, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng trái ngược với những cáo buộc, Trung Quốc chưa bao giờ can thiệp vào công việc của nước nào.

Chuyên gia kinh tế và thương mại toàn cầu thuộc bộ phận tình báo kinh tế thuộc báo Economist, ông Nick Marro, nhận xét: “Tuyên bố của phía Mỹ không phù hợp với quan điểm ngoại giao hiện tại của Trung Quốc. Nước Mỹ đang rất quan tâm đến tất cả những điểm nóng, đặc biệt tập trung vào những cơ hội để kéo thêm sự ủng hộ về phía Mỹ. Kết quả, tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khó lòng mà được phía Mỹ đón nhận, nó khiến nhiều người nghĩ đến chiến lược tổng thể của ông Biden với châu Á”.

Mục tiêu của cuộc gặp vừa qua không phải để đàm phán mà để duy trì các kênh đối thoại cao cấp, theo các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ. Phái đoàn Mỹ ban đầu sẽ có cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, sau đó đến Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Các nhà lãnh đạo cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đang hướng tới cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhiều khả năng diễn ra trong dịp hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng 10/2021.