Hồng Kông - “Công cụ” mới của Donald Trump

Theo Lê Phan/doanhnhansaigon.vn

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông (HKHRDA) vào ngày 27/11/2019 vừa qua được cho là sẽ khiến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc đổ vỡ, khi Bắc Kinh đe dọa sẽ có những biện pháp trả đũa.

Hồng Kông là một cửa ngõ quan trọng cho nền kinh tế đại lục. Nguồn: internet
Hồng Kông là một cửa ngõ quan trọng cho nền kinh tế đại lục. Nguồn: internet

Cửa ngõ Hồng Kông

HKHRDA có hai nội dung quan trọng. Thứ nhất dự luật này yêu cầu Chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Trung Quốc và Hồng Kông nào có các hành vi vi phạm quyền con người ở Hồng Kông. Quy định này được cho là sẽ khiến các lực lượng chấp pháp ở cả Trung Quốc và Hồng Kông có thể phải chùn tay khi trấn áp người biểu tình. Trong khi đó, cư dân Hồng Kông được cấp visa vào Mỹ ngay cả khi họ đã bị bắt vì tham gia biểu tình bất bạo động.

Nội dung thứ hai là đáng lưu ý nhất, khi Bộ Ngoại giao Mỹ phải xác nhận ít nhất mỗi năm một lần liệu Hồng Kông đủ quyền tự trị về mặt chính trị (trong quan hệ với Trung Quốc đại lục), để tiếp tục được hưởng các ưu đãi thương mại mà Mỹ dành cho đặc khu này hay không, nhằm giúp nơi đây giữ vững vị trí là trung tâm tài chính thế giới.

Cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump triển khai trong hơn một năm qua đã đánh thuế cao lên phần lớn hàng hóa của Trung Quốc nhập vào Mỹ, và có khả năng đánh thuế lên toàn bộ lượng hàng hóa của nước này nhập khẩu vào Mỹ. Dù các cuộc đàm phán thương mại vẫn được duy trì, nhưng cho đến nay một thỏa thuận thương mại vẫn là điều gì đó rất đỗi xa vời.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp Trung Quốc đã chuyển hàng hóa sang các quốc gia khác không bị đánh thuế cao để tìm đường vào Mỹ, mà Hồng Kông là một cửa ngõ quan trọng cho nền kinh tế đại lục. Do Hồng Kông được cấp quy chế thương mại đặc biệt theo Đạo luật Chính sách Mỹ - Hồng Kông vào năm 1992, theo đó, Hồng Kông dù vẫn là một phần của Trung Quốc nhưng có một hệ thống kinh tế và pháp lý đa phần riêng biệt, do đó sẽ tiếp tục được đối đãi như một vùng lãnh thổ tách biệt với Trung Quốc đại lục về các vấn đề kinh tế và thương mại.

Với vị thế là trung tâm tài chính lớn trong khu vực, Hồng Kông đã trở thành đầu mối thu hút vốn đầu tư lớn vào đại lục, khi nhiều doanh nghiệp đại lục đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông và đạt được những thành quả tích cực. Nếu bị Mỹ trừng phạt, vị trí dẫn đầu của Hồng Kông sẽ bị đe dọa.

Vị trí này cũng đồng nghĩa dù căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, các mặt hàng xuất khẩu của Hồng Kông vẫn được miễn trừ thuế quan của Mỹ. Chính vì vậy, thương chiến Mỹ - Trung thời gian qua không ảnh hưởng nhiều lên nền kinh tế của đặc khu.

Thế kẹt của Trung Quốc

Với việc ký thông qua HKHRDA, dù luôn tỏ vẻ ở thế bất khả kháng, nhưng dường như chính quyền Trump đã sử dụng Hồng Kông như một “công cụ” mới trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, đồng thời giăng bẫy sẵn để có thêm lý do trừng phạt Trung Quốc về thương mại nếu Bắc Kinh có thêm hành động nào được cho là không phù hợp với tình hình Hồng Kông.

Nếu Trung Quốc “tảng lờ” đạo luật HKHRDA và vẫn đàn áp các cuộc biểu tình tại Hồng Kông, Mỹ sẽ rút lại những đặc quyền về giao thương của Hồng Kông với Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa từ Hồng Kông vào Mỹ sẽ bị đánh thuế tương tự hàng hóa từ đại lục, khiến cửa ngõ Hồng Kông dành cho  doanh nghiệp đại lục bị khép lại.

Nếu Trung Quốc “tảng lờ” đạo luật HKHRDA và vẫn đàn áp các cuộc biểu tình tại Hồng Kông, Mỹ sẽ rút lại những đặc quyền về giao thương của Hồng Kông với Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa từ Hồng Kông vào Mỹ sẽ bị đánh thuế tương tự hàng hóa từ đại lục, khiến cửa ngõ Hồng Kông dành cho  doanh nghiệp đại lục bị khép lại.

Chẳng những vậy, với vị thế là trung tâm tài chính lớn trong khu vực, Hồng Kông đã trở thành đầu mối thu hút vốn đầu tư lớn vào đại lục, khi nhiều doanh nghiệp đại lục đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông và đạt được những thành quả tích cực. Nếu bị Mỹ trừng phạt, vị trí dẫn đầu của Hồng Kông sẽ bị đe dọa, nhất là trong bối cảnh nhiều trung tâm tài chính trong khu vực đang nổi lên để cạnh tranh và tìm cách thu hút vốn từ Hồng Kông trong giai đoạn bất ổn thời gian qua.

Như vậy, dòng vốn đầu tư sau khi tháo lui khỏi Trung Quốc suốt thời gian dài thì có thể tháo chạy khỏi thị trường Hồng Kông nếu Bắc Kinh vi phạm các đạo HKHRDA. Điều này sẽ làm tổn hại nền kinh tế đặc khu nói riêng đang rơi vào tình trạng suy thoái và nền kinh tế Trung Quốc nói chung. Rõ ràng với việc bị đánh thuế tương tự như hàng hóa  Trung Quốc, các tập đoàn đa quốc gia khó có thể tiếp tục chọn Hồng Kông như là điểm đến đầu tư hấp dẫn như trước đây.

Trong trường hợp ngược lại, nếu Trung Quốc buộc phải chấp nhận thỏa hiệp với Mỹ về vấn đề Hồng Kông, điều này chẳng khác nào thừa nhận sự nhượng bộ và để cho Hồng Kông độc lập trong các quyết định về chính sách kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ mất dần quyền kiểm soát Hồng Kông - việc mà Bắc Kinh khó có thể chấp nhận.

Chính vì vậy, dù lên tiếng sẽ có biện pháp trả đũa, nhưng rõ ràng Hồng Kông đang trở thành bài toán khó giải đối với Bắc Kinh. Có vẻ như Mỹ đã đưa được Trung Quốc vào thế khó tránh khỏi việc vi phạm đạo luật HKHRDA để có cớ cắt đứt đặc quyền của Hồng Kông nhằm chặn hàng của Trung Quốc ngay tại cửa ngõ này, hoặc Bắc Kinh bị ép phải ngồi vào bàn đàm phán để nhượng bộ thêm các điều khoản thỏa thuận thương mại mà Mỹ đưa ra.