Huawei tìm mọi cách thoát khỏi tính phụ thuộc vào Mỹ

Theo Bảo Nhi/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Từng nhận những đòn "chí mạng" từ Mỹ suốt thời gian qua, hãng Huawei đang tìm mọi cách để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc đối với quốc gia này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tập đoàn Trung Quốc từng bước xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn không có yếu tố Mỹ, tích cực hợp tác quốc tế và tham gia mạnh vào các hoạt động cộng đồng.

Tự xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất chip  

Nhà phát triển chip lớn nhất Trung Quốc HiSilicon Technologies thuộc tập đoàn Huawei vừa có thoả thuận quan trọng với nhà cung cấp trang thiết bị phục vụ sản xuất chip Shenzhen JT Automation Equipment có thời hạn 5 năm. Theo nguồn tin từ báo chí Trung Quốc, Huawei HiSilicon đang đẩy mạnh nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng đóng gói và thử nghiệm chip.

Đại diện Shenzhen JT Automation Equipment tuyên bố: “Cả hai đều hướng đến việc mở rộng hợp tác, cùng phát triển công cụ đóng gói bán dẫn hướng đến 1 ngành công nghiệp tự cung tự cấp, có thể tự kiểm soát”.

Shenzhen JT Automation Equipment thành lập năm 2004 tại Thâm Quyến là công ty cung cấp dây chuyền sản xuất điện tử tiêu dùng, điện tử ô tô, vũ trụ và hàng không. Các khách hàng lớn của Shenzhen JT Automation Equipment là nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất Trung Quốc Gree, hãng Haier hay công ty lắp ráp thiết bị điện tử Flex.

Từ tháng 5/2019, lệnh cấm của Mỹ ngăn nhiều nhà cung cấp hợp tác với HiSilicon Technologies. Công ty đúc chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC, nhà cung cấp dịch vụ đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới ASE Technology Holding buộc phải “nghỉ chơi” với Huawei. Ngoài ra, tập đoàn Trung Quốc cũng không thể tiếp cận các công cụ sản xuất và phần mềm thiết kế chip bị chi phối bởi công ty Mỹ bao gồm Applied Materials, Lam Research, KLA, Synopsys và Cadence Design Systems. 

Thoả thuận với Shenzhen JT Automation Equipment là động thái mới nhất của Huawei để tự chủ trong việc sản xuất chip, không phụ thuộc vào chuỗi cung ứng có liên quan đến Mỹ. Trước đó, Huawei đầu tư vào hơn 30 công ty liên quan đến chip tại Trung Quốc trong vòng chưa đầy 2 năm. 6 tháng đầu năm nay, tập đoàn Trung Quốc mua lại cổ phần của 10 công ty trong nước liên quan đến bán dẫn. Huawei cũng tăng cường tuyển dụng toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu, trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, phần mềm và công nghệ xe tự vận hành.

Tăng cường hợp tác với các “ông lớn”

Huawei vừa thông báo đạt được thỏa thuận cấp phép với nhà cung cấp của tập đoàn Volkswagen. Thỏa thuận bao gồm giấy phép sử dụng các bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn 4G của Huawei (SEP), giúp các xe Volkswagen có thể được trang bị kết nối không dây. Thỏa thuận này đánh dấu thỏa thuận cấp phép lớn nhất của Huawei trong ngành ô tô.

Huawei dự báo có hơn 30 triệu phương tiện được cấp phép các bằng sáng chế của công ty dựa trên các thỏa thuận cấp phép hiện có.

Trong hơn 20 năm qua, Huawei ký kết hơn 100 thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế với các công ty toàn cầu lớn ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Tham gia các hoạt động xã hội

Huawei vừa công bố kế hoạch đầu tư 150 triệu USD vào phát triển tài năng kỹ thuật số trong 5 năm. Công ty cam kết hỗ trợ phát triển tài năng số ở các quốc gia đang hoạt động. Được khởi xướng vào năm 2008 tại Thái Lan, chương trình được thiết kế để truyền cảm hứng cho các tài năng địa phương giải quyết các thách thức kỹ thuật số. Chương trình mang lại lợi ích cho hơn 5.000 sinh viên ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, Huawei xây dựng hệ sinh thái nhân tài toàn diện. Học viện Huawei ASEAN ra mắt tại Thái Lan, Malaysia và Indonesia từ năm 2019 và ươm mầm cho hơn 100.000 tài năng. Theo Jay Chen, Phó chủ tịch Huawei Châu Á - Thái Bình Dương, Huawei xây dựng mối quan hệ hợp tác với khoảng 200 trường đại học ở các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.

Biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường đang trở thành thách thức toàn cầu. Từ tháng 12/2020, các sản phẩm và giải pháp điện kỹ thuật số của Huawei tạo ra 325 tỷ kWh điện từ các nguồn tái tạo và tiết kiệm tổng cộng 10 tỷ kWh điện. Nỗ lực này giúp giảm 160 triệu tấn khí thải CO2. 

Ở Singapore, Huawei FusionSolar Solution hỗ trợ tập đoàn Sunseap, nhà cung cấp giải pháp năng lượng mặt trời, xây dựng các trang trại điện mặt trời nổi ngoài khơi lớn nhất thế giới. Với 13.312 tấm pin mặt trời, 40 biến tần và hơn 30.000 phao nổi, nhà máy năng lượng mặt trời rộng 5 ha trên biển này ước tính sản xuất tới 6.022.500 kWh năng lượng mỗi năm, cung cấp đủ năng lượng cho 1.250 căn hộ nhà ở công cộng 4 phòng trên đảo và bù đắp ước tính khoảng 4.258 tấn carbon dioxide.