IMF nghiên cứu về “Giải quyết tham nhũng trong Chính phủ”

Theo Hoài Phương/thanhtra.com.vn

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, biện pháp cải cách thực hiện chi trả tiền lương dựa trên hiệu suất công việc của các quan chức ngành Thuế ở Pakistan đã dẫn tới sự gia tăng đáng kể trong thu thuế, nhưng tỷ lệ tham nhũng cũng gia tăng là một vấn đề.

Nghiên cứu của IMF chỉ ra, việc trả lương các quan chức ngành Thuế ở Pakistan dựa trên hiệu suất công việc đã tăng doanh thu thuế, nhưng đồng thời cũng tăng tỷ lệ hối lộ. Nguồn: AFP
Nghiên cứu của IMF chỉ ra, việc trả lương các quan chức ngành Thuế ở Pakistan dựa trên hiệu suất công việc đã tăng doanh thu thuế, nhưng đồng thời cũng tăng tỷ lệ hối lộ. Nguồn: AFP

Cải cách về thuế

Một nghiên cứu có tên: “Giải quyết tham nhũng trong Chính phủ" vừa được công bố do IMF thực hiện đã phân tích hơn 180 quốc gia và thấy rằng, nhiều quốc gia tham nhũng đã thu về số thuế ít hơn. Lý do là người dân đã chi trả hối lộ để tránh phải nộp thuế. Trong đó, có cả những cách thức "lách" thuế, "né" thuế được tạo nên để đổi lấy các khoản lại quả.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khi người nộp thuế tin rằng chính phủ của họ tham nhũng, họ sẽ có nhiều khả năng trốn thuế.

Tuy nhiên, đối với Pakistan, quốc gia này đã thực hiện một cải cách, mà tại đó, các quan chức ngành Thuế được khuyến khích khi đạt được hiệu suất công việc cao. Cụ thể, cán bộ thuế sẽ nhận được lương cao nếu như thu được nhiều thuế và ngược lại. Theo IMF, động thái này mang lại cả kết quả mong muốn và những hậu quả không mong muốn.

“Việc thực hiện chi trả tiền lương dựa trên hiệu suất công việc của các quan chức thuế (ở Pakistan) đã dẫn tới sự gia tăng đáng kể trong thu thuế (tăng tới 50%), nhưng các yêu cầu hối lộ cũng đã tăng 30%", nghiên cứu chỉ rõ.

Trước thực trạng này, IMF đề xuất Pakistan cần kết hợp chặt chẽ việc chi lương cao hơn với giám sát và xử phạt để giải quyết vấn đề.

Theo IMF, biện pháp cải cách như trên cũng được thực hiện ở Georgia đã làm giảm đáng kể tham nhũng và tăng doanh thu thuế lên gấp đôi, tăng 13% GDP trong giai đoạn năm 2003 và 2008.

Cộng hòa Rwanda cũng đã áp dụng cải cách để chống tham nhũng từ giữa những năm 1990 và mang lại kết quả tốt, doanh thu thuế tăng 6% GDP.

Chống tham nhũng là một trong những mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đã đặt ra, với nhận thức rộng rãi rằng, việc giải quyết tham nhũng là rất quan trọng đối với hoạt động kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế.

Nghiên cứu của IMF cho thấy, nhìn chung, các chính phủ ít tham nhũng có doanh thu thuế cao hơn 4% GDP so với các quốc gia có cùng mức độ phát triển kinh tế nhưng tồn tại mức độ tham nhũng cao.

Tham nhũng làm biến dạng các ưu tiên của chính phủ

Cũng theo IMF, tham nhũng làm biến dạng những vấn đề ưu tiên của chính phủ các nước.

Lấy ví dụ, trong số các quốc gia có thu nhập thấp, tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục và y tế ở nước tham nhũng nhiều hơn chỉ bằng 1/3 (so với nước tham nhũng ít). Tham nhũng cũng tác động đến hiệu quả của chi tiêu xã hội. Ở các nước tham nhũng hơn, số học sinh trong độ tuổi đi học đạt kết quả kiểm tra thấp hơn.

IMF lưu ý, tham nhũng cũng ngăn cản con người được hưởng lợi hoàn toàn từ sự giàu có được tạo ra từ nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước họ. Bởi việc khai thác dầu khí hay những mỏ khoáng sản tạo ra lợi nhuận khổng lồ, là động lực mạnh mẽ cho tham nhũng. Nghiên cứu của IMF cho thấy, trung bình, các nước giàu tài nguyên có thể chế yếu hơn và tham nhũng cao hơn.

IMF cũng tiến hành thảo luận về mối liên hệ giữa tham nhũng, doanh thu và nhận định rằng, việc phân tích các thuộc toán kinh tế xuyên quốc gia khẳng định mối liên hệ này. Một sự cải thiện trong Chỉ số Kiểm soát Tham nhũng có liên quan đến việc tăng điểm phần trăm trong doanh thu của chính phủ như một phần của GDP.

Nghiên cứu cũng lập luận rằng, lợi nhuận mang lại sẽ lớn hơn khi tham nhũng thấp, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng doanh thu.

Bên cạnh đó, IMF cho rằng, thông qua việc bóp méo những ưu tiên, khuyến khích của các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ, công chức, tham nhũng làm suy yếu chất lượng và hiệu quả của các chính sách mà chính phủ đưa ra. Các dịch vụ công cơ bản như cung cấp cơ sở hạ tầng, giáo dục... có thể bị cản trở nghiêm trọng. Chính điều này quay trở lại có tác động tiêu cực đến khả năng của chính phủ trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.
Ở một khía cạnh khác, IMF cũng chỉ ra, các quốc gia có mức độ tham nhũng thấp có ít hơn đáng kể các dự án đầu tư công lãng phí.

Trong chương nói về tham nhũng trong các doanh nghiệp nhà nước, nghiên cứu cho thấy, các công ty dầu khí và các công ty điện, nước đều hoạt động kém hiệu quả ở các quốc gia có mức độ tham nhũng cao...

Ý chí chính trị

Nghiên cứu lập luận rằng, chống tham nhũng đòi hỏi phải có ý chí chính trị để tạo ra các thể chế tài chính mạnh mẽ, thúc đẩy tính liêm chính và trách nhiệm giải trình trong toàn bộ khu vực công.

Theo IMF, mức độ minh bạch cao và sự giám sát độc lập từ bên ngoài, như báo chí tự do, giúp cho cuộc chiến chống tham nhũng đạt kết quả cao.

Các biện pháp cải cách làm tăng cơ hội thành công cho chống tham nhũng. Và cơ hội này sẽ lớn hơn khi các quốc gia thực hiện cải cách để giải quyết vấn nạn tham nhũng từ mọi góc độ.

Xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp cũng rất cần thiết để kiềm chế tham nhũng, vì nó giúp tăng cường quản lý doanh thu và quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Nghiên cứu cho thấy, sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia sẽ khiến tham nhũng xuyên biên giới trở nên khó khăn hơn. IMF lưu ý, hơn 40 quốc gia đã khiến tham nhũng trở thành vấn nạn khi các công ty của họ phải trả hối lộ để được kinh doanh ở nước ngoài.

“Kiềm chế tham nhũng là một thách thức đòi hỏi sự kiên trì trên nhiều mặt... Nó bắt đầu với ý chí chính trị, liên tục củng cố hoàn thiện các thể chế để thúc đẩy tính liêm chính, trách nhiệm giải trình và hợp tác toàn cầu", nghiên cứu kết luận.