Kinh nghiệm quốc tế về liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ trong sản xuất nông nghiệp

ThS. Nguyễn Thanh Phương - Trung tâm Phát triển Nông thôn Tây Nguyên

Liên kết kinh tế có thể tạo ra nhiều tác động đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trên thế giới, đã có nhiều hình thức liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và nông hộ, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, tuy nhiên, hoạt động này không phải luôn thành công ở mọi quốc gia. Chính vì vậy, việc học hỏi, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và nông hộ là cần thiết.

Liên kết kinh tế có thể tạo ra nhiều tác động đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nguồn: internet
Liên kết kinh tế có thể tạo ra nhiều tác động đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nguồn: internet

Kinh nghiệm liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và nông hộ ở một số nước

Thái Lan (liên kết tiêu thụ mía đường)

Mía đường là loại cây công nghiệp dài ngày, một trong những cây trồng chủ yếu của Thái Lan, góp phần đưa nước này đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất mía đường, sau Brazil, Ấn Độ, Mexico và Trung Quốc. Ở Thái Lan, sản xuất mía đường chủ yếu theo hợp đồng, bởi hầu hết các nhà máy chế biến đường không tự trồng mía mà ký kết hợp đồng với nông dân trồng mía. Cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, mối quan hệ giữa các nhà máy chế biến đường và người trồng mía không phải lúc nào cũng suôn sẻ mà thường xuyên có sự bất đồng liên quan đến giá mía.

Để tăng quyền lực trong thương thảo với nông hộ, 47 nhà máy đường ở Thái Lan đã tổ chức thành 3 hiệp hội các nhà máy chế biến đường, phục vụ cho lợi ích của 3 nhóm chế biến đường lớn. Ba hiệp hội này hợp tác về các vấn đề lợi ích kinh tế sau: Làm cho giá mía thấp hơn, giá đường trong nước cao hơn và thuế thấp hơn. Nhằm tăng cường sức mạnh thương lượng với các nhà máy chế biến đường, năm 1964, Hiệp hội những người trồng mía ở Thái Lan vùng 7 đã được thành lập ở Amphoe Thamaka, Kachanaburi. Đây là tổ chức đầu tiên của nông dân trồng mía và số nông dân trồng mía trải dài 4 tỉnh Kachanaburi, Ratchanaburi, Nakhon Pathon và Suphanburi. Năm 1971, tổ chức này đã đăng ký thành Hiệp hội chính thức. Thành công của Hiệp hội trên đã thổi luồng gió mới vào những nông dân trồng mía, đến năm 1969, vùng phía Đông cũng đã hình thành Hiệp hội nông dân Chonburi. Giai đoạn năm 1971 - 1972, 2 hiệp hội này liên kết với nhau để thương lượng giá với các nhà máy chế biến đường.

Đến nay, ở Thái Lan có tất cả 26 hội hỗ trợ nông dân trồng mía và 1 hợp tác xã của người trồng mía, với nhiệm vụ đại diện cho nông dân kiểm tra, giám sát giá cả, chất lượng, trọng lượng mía cây (Bảo Trung, 2012). Các hiệp hội đã trở thành nhân tố quan trọng giúp tạo nên một cơ chế liên kết khá bền vững trong ngành Mía đường của Thái Lan và bảo vệ quyền lợi của nông dân trồng mía.

Hoa Kỳ (liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản)

Từ những năm 60 của thế kỷ XX, liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp (DN) và nông hộ đã phát triển khá mạnh ở nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ở Hoa Kỳ, với những mặt hàng ban đầu là lúa mỳ và bắp. Năm 1969, liên kết kinh tế giữa DN và nông hộ được thực hiện theo hình thức hợp đồng, chiếm được 11% tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp Hoa Kỳ (Bảo Trung, 2009). Mặc dù, Chính phủ Hoa Kỳ không có chính sách hỗ trợ thúc đẩy liên kết người mua và người bán, tuy nhiên, dưới các động lực của cơ chế thị trường, liên kết kinh tế giữa DN và nông hộ tại Hoa Kỳ ngày càng được phát triển theo chiều sâu. Năm 1991, liên kết kinh tế giữa DN và nông hộ theo hình thức hợp đồng đã tăng lên mức 28%, đến năm 2001 là 36% và năm 2003 là 39%, tăng gần 4 lần so với năm 1969 (Bảo Trung, 2009).

Hình thức liên kết kinh tế phổ biến giữa DN và nông hộ tại Hoa Kỳ là hình thức trực tiếp giữa trang trại và nhà chế biến, đặc biệt là giữa các trang trại lớn và các hợp tác xã chế biến trực tiếp. Đối với trang trại lớn sản xuất hàng hóa, tỷ trọng trang trại ký hợp đồng trên tổng số trang trại năm 2001 chiếm 41,7% và năm 2003 chiếm 46,7%. Đối với những trang trại có quy mô doanh số hơn 1 triệu USD, năm 2013, tỷ trọng trang trại ký hợp đồng là 64,2% (Bảo Trung, 2009).

Liên kết kinh tế giữa DN và nông hộ tại Hoa Kỳ cũng có sự khác biệt giữa các loại sản phẩm. Chẳng hạn như: Năm 2012, liên kết kinh tế theo hình thức hợp đồng ở ngành Chăn nuôi gia cầm chiếm 88% tổng giá trị sản xuất của Ngành; chỉ số này đối với một số cây dài ngày như cây mía là 96% và cây ăn quả là 60% (Business Innovation, 2012). Bên cạnh đó, sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông, sự hình thành và phát triển của các tập đoàn bán lẻ, mở rộng quy mô các trang trại và nhà máy chế biến vẫn tiếp tục tạo ra động lực thúc đẩy liên kết kinh tế giữa DN và nông hộ, đặc biệt là liên kết theo hình thức hợp đồng.

Trung Quốc (liên kết theo hình thức hợp đồng)

Liên kết kinh tế giữa DN và nông hộ ở Trung Quốc được tái lập lại từ khi nước này thực hiện đổi mới vào năm 1978. Nhận thức được vai trò của liên kết kinh tế, trong chương trình hiện đại hóa nông nghiệp, Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển liên kết, đặc biệt là liên kết theo hợp đồng nhằm giúp cho ngành sản xuất nông nghiệp thu được nhiều lợi nhuận và có sức cạnh tranh.

Từ năm 1990, để thúc đẩy liên kết kinh tế, đặc biệt là liên kết theo hình thức hợp đồng, Trung Quốc đã lựa chọn và chỉ định các DN có tiềm lực kinh tế, quy mô lớn, có kỹ thuật và công nghệ ký kết hợp đồng trực tiếp với nông dân ở những ngành hàng có đủ điều kiện thực hiện liên kết. Ủy ban Phối hợp phát triển công nghiệp hóa nông nghiệp quốc gia đưa ra tiêu chuẩn và giám sát việc thực hiện của các DN này. Chính quyền địa phương thực hiện nhiều chính sách khuyến khích như hỗ trợ tín dụng, giảm thuế nếu thực hiện liên kết sản xuất theo hợp đồng. Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của liên kết sản xuất theo hợp đồng, nên ngày càng có nhiều DN và nông dân tham gia sản xuất theo hình thức liên kết. Từ năm 1996 đến 2002, số lượng các công ty kinh doanh nông sản tham gia hợp đồng bao tiêu nông sản đã tăng 5 lần, từ 8.377 đến 46.060 công ty. Số lượng những hộ nông dân đã ký hợp đồng với DN tăng lên gần 72.650.000 vào năm 2002. Từ giữa năm 1996 đến năm 2002, tỷ lệ các hộ nông dân tham gia vào hợp đồng bao tiêu nông sản tăng lên từ 10% đến 30% (Hồ Quế Hậu, 2013).

Có thể nói, Trung Quốc thành công với phát triển liên kết kinh tế theo hình thức hợp đồng bao tiêu nông sản, trong khi thiếu vắng các cơ chế pháp luật thực thi hợp đồng hiệu quả. Ở Trung Quốc, liên kết kinh tế phổ biến được thực hiện theo các hình thức sau: Hợp đồng trực tiếp giữa nông dân và DN đầu rồng; hợp đồng giữa nông dân và người mua gom; hợp đồng giữa nông dân và chính quyền địa phương; hợp đồng giữa nông dân và hợp tác xã và một số hình thức khác. Giá cả thỏa thuận trong các liên kết kinh tế ở Trung Quốc được triển khai theo 3 hình thức sau: giá cố định, giá sàn và giá theo thị trường.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc, cơ chế pháp lý ít được coi trọng trong việc cải thiện thực thi liên kết kinh tế theo hình thức hợp đồng. Các công ty được khảo sát cho biết, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng thường gặp khó khăn, khoảng 53% công ty không có cách nào để giải quyết xung đột (Hồ Quế Hậu, 2013). Nguyên nhân khiến nhiều hợp đồng thất bại là do nông dân cung ứng với chất lượng thấp và bán sản phẩm cho các công ty khác với một mức giá cao hơn. Trong khi đó, các cơ chế thực thi hợp đồng tư nhân đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến quyết định của nông hộ để hoàn thành hoặc vi phạm hợp đồng. Các thỏa thuận hợp đồng chẳng hạn như giá sàn, hoặc các yêu cầu kỹ thuật đặc biệt tạo thuận lợi cho việc tự thực thi và cải thiện đáng kể tỷ lệ hoàn thành hợp đồng của các nông hộ.

Một số gợi ý chính sách cho Việt Nam

Giống như Thái Lan, Hoa Kỳ và Trung Quốc, liên kết giữa DN và nông hộ cũng xuất hiện trong ngành Nông nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể, ở Việt Nam liên kết kinh tế giữa DN và nông hộ xuất hiện ở nhiều đối tượng sản xuất nông nghiệp như: Nuôi heo, trồng lúa, ngô, thuốc lá, mía, chè, bông vải, cà phê, hồ tiêu…

Tuy nhiên, mức độ phổ biến liên kết ở các đối tượng sản xuất nông nghiệp có sự khác nhau. Liên kết kinh tế giữa DN và nông hộ ở Việt Nam thường phổ biến ở cây bông vải, chè, lúa giống, thuốc lá, cà phê. Hình thức liên kết kinh tế khá đa dạng, có thể được thực hiện trực tiếp giữa DN và nông hộ, hoặc thực hiện thông qua một tác nhân trung gian với 5 mô hình liên kết là: Trang trại hạt nhân; Trung gian; Tập trung; Đa chủ thể và Phi chính thức.

Nhận thức được vai trò của hoạt động liên kết, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm định hướng, hỗ trợ và thúc đẩy như: Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều mô hình liên kết đã được hình thành hoặc củng cố phát triển, tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy hoạt động liên kết giữa DN và nông hộ. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, một số nội dung của chính sách khó áp dụng vào điều kiện thực tế cho nên hoạt động này vẫn chưa thật sự phổ biến và mang lại hiệu quả cao.

Trên cơ sở kinh nghiệm về liên kết kinh tế giữa DN và nông hộ trong sản xuất nông nghiệp ở một số nước trên thế giới, để thúc đẩy liên kết kinh tế giữa DN và nông hộ trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, thời gian tới, cần lưu ý một số giải pháp sau:

Một là, thành lập các hiệp hội nông dân để giúp tăng cường vị thế và khả năng thương lượng của nông dân trong quá trình liên kết. Đồng thời, đây cũng là nhân tố quan trọng bảo đảm lợi ích của nông dân trong quá trình thực hiện liên kết kinh tế với DN.

Hai là, cần đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hình thành và phát triển của các tập đoàn bán lẻ, mở rộng quy mô các trang trại và nhà máy chế biến để tạo động lực thúc đẩy liên kết kinh tế giữa DN và nông hộ, đặc biệt là liên kết theo hình thức hợp đồng. Bên cạnh đó, cần lưu ý liên kết kinh tế giữa DN và nông hộ có sự khác biệt giữa các đối tượng sản xuất nông nghiệp. Cùng một điều kiện như nhau, nhưng kết quả liên kết kinh tế sẽ không giống nhau giữa các loại cây trồng, vật nuôi. Do đó, việc liên kết kinh tế giữa DN và nông hộ, đặc biệt là liên kết theo chiều sâu sẽ không thành công ở tất cả các loại sản phẩm nông sản.

Ba là, để thúc đẩy liên kết kinh tế, Chính phủ thành lập các DN nhà nước để liên kết với nông hộ là hoạt động không cần thiết, vì nếu DN nhà nước hoạt động kém hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả liên kết và hiệu quả sản xuất của nông hộ.

Bốn là, chú trọng đến lợi ích của nông dân và DN nhận được trong quá trình liên kết. Vì đây là động lực quan trọng giúp duy trì, mở rộng và tạo tính bền vững trong liên kết kinh tế giữa DN và nông hộ.

Năm là, một địa phương vẫn có thể thành công với phát triển liên kết kinh tế giữa DN và nông hộ dù thiếu vắng các cơ chế pháp luật hỗ trợ thực thi liên kết hiệu quả. Tuy nhiên, sự định hướng, hỗ trợ đúng đắn của chính phủ sẽ tạo ra động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển liên kết kinh tế giữa DN và nông hộ.       

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg, ngày 24/06/2012 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng;
  2. Hồ Quế Hậu (2013), Liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp chế biến nông sản với nông dân ở Việt Nam, Luận án Tiến sỹ kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân;
  3. Bảo Trung (2009), Phát triển thể chễ giao dịch nông sản ở Việt Nam, Luận án Tiến sỹ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
  4. Bảo Trung (2012), Cơ chế liên kết sản xuất – tiêu thụ mía đường của Thái Lan và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Luận án Tiến sỹ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
  5. Bharat Ramaswami và Pratap Singh Birthal and P.K. Joshi (2009), Grower heterogeneity and the gains from contract farming, The case of Indian poultry, Indian Growth and Development Review Vol 2, No 1, 2009, pp 56-74.