Kinh tế Hong Kong điêu đứng

Theo Ngọc Lan/antg.cand.com.vn

Các cuộc biểu tình biến thành bạo động đã khiến nền kinh tế Hong Kong dường như rơi vào suy thoái. Ga tàu điện ngầm đóng cửa sớm. Nhà hàng, cửa hiệu bị cản đường kinh doanh vào buổi tối, đường sá bị phong tỏa, các hộ bán lẻ lo sợ kinh doanh thua lỗ, các chủ nhà hàng lo ngại việc giao hàng bị chậm trễ do tắc nghẽn giao thông sẽ phải đền tiền và họ buộc phải thay đổi phương thức kinh doanh...

Lượng du khách đến Hong Kong đã giảm hơn 3,78 triệu lượt do sân bay quốc tế bị phong tỏa.
Lượng du khách đến Hong Kong đã giảm hơn 3,78 triệu lượt do sân bay quốc tế bị phong tỏa.

Tình hình trên khiến ngành thương mại xuất nhập khẩu nghiêm trọng, trong khi ngành du lịch còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Theo số liệu thống kê chính thức của ngành du lịch, bán lẻ, dịch vụ và thương mại xuất nhập khẩu từ tháng 6 đến tháng 9/2019, lợi nhuận của 4 ngành nghề chính đã giảm hơn 300 tỷ HKD (tương đương 38,5 tỷ USD) so với kế hoạch ban đầu. Nếu tính gộp cả tháng 10, ước tính lợi nhuận kinh tế của 4 ngành này trong 5 tháng qua sẽ giảm tới 400 tỷ HKD (51,3 tỷ USD).

Ngành bán lẻ của đặc khu Hong Kong hiện đã bước vào giai đoạn “đóng băng”. Giá trị tiêu thụ trong ngành bán lẻ từ tháng 6 đến tháng 9-2019 chỉ đạt 128,9 tỷ HKD (16,52 tỷ USD), giảm 22,4 tỷ HKD (2,9 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng điều nguy hại là ở chỗ các phần tử bạo lực sẵn sàng đốt phá những cửa hàng phản đối bạo lực. Điều này không chỉ làm hư hại và chặn đường kinh doanh của các cửa hàng này mà còn tạo tâm lý lo sợ và gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế chung.

Trong những ngày đầu của phong trào biểu tình, khi các phần tử bạo lực chưa có những hành động quá khích, giới kinh doanh vẫn có thể tiếp tục hoạt động cầm chừng. Thế nhưng đến giai đoạn sau của cuộc biểu tình, không những việc kinh doanh của họ bị đe dọa mà ngay cả tính mạng và tài sản của họ cũng không được đảm bảo.

Giá cổ phiếu của chuỗi cửa hàng bị phá hoại giảm mạnh. Ông chủ của chuỗi cửa hàng Best Mart 360 tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn của truyền thông rằng ít nhất 50 chi nhánh (chiếm gần 70% tổng số cửa hàng) của thương hiệu này bị đập phá. Giá cổ phiếu đang ở mức 4,6HKD/cổ phiếu hồi tháng 5 đã giảm còn khoảng 1,6 HKD/cổ phiếu gần đây. Như vậy, so với trước thời điểm hỗn loạn, thương hiệu này đã bị bốc hơi khoảng 2 tỷ HKD (tương đương 256 triệu USD).

Trong bối cảnh bạo lực ấy, hoạt động bán lẻ trong mùa Giáng sinh cũng hết sức ảm đạm. Ngành dịch vụ ăn uống gắn liền với du lịch cũng phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Số liệu của Cục Thống kê Hong Kong cho thấy từ tháng 6 đến tháng 9, tổng lợi nhuận của các nhà hàng tại Hong Kong là 35,9 tỷ HKD, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương 39,5 tỷ HKD), thiệt hại 3,6 tỷ HKD (tương đương 461 triệu USD) so với kế hoạch đề ra.

Ông Trương Vũ Nhân, thành viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong cho biết đến nay đã có khoảng 300 nhà hàng phải đóng cửa. Chủ tịch Hiệp hội Quản lý dịch vụ ăn uống Hong Kong Dương Vị Tỉnh dự báo sau tết âm lịch sẽ xuất hiện “trào lưu sụp đổ”, dự tính có ít nhất 1.800 nhà hàng bị phá sản và hơn 20.000 lao động mất việc làm.

Người biểu tình đập phá mạng lưới cơ sở hạ tầng của các nhà ga tàu điện ngầm khiến nhiều nhà ga phải đóng cửa sớm trong những tháng gần đây. Người dân phải giảm bớt các hoạt động vui chơi về đêm - vốn được coi là nét độc đáo của Hong Kong - để tránh tình trạng không có phương tiện giao thông để về nhà, trong khi các quán bar, nhà hàng, tiệm ăn đêm đồng loạt rơi vào tình trạng ế ẩm, vắng khách. Chủ tịch Hiệp hội Ngành dịch vụ ăn uống Hong Kong Hoàng Gia Hòa cho rằng tình trạng ảm đạm của ngành dịch vụ ăn uống mới chỉ bắt đầu.

Bên cạnh ảnh hưởng đến việc kinh doanh, các nhà hàng gặp khó khăn nhất khi bị một số phần tử quá kích sử dụng thủ đoạn bôi bẩn thô bạo. Trong mấy tháng qua, những người này phân loại các nhà hàng theo màu vàng và màu xanh. Các nhà hàng không ủng hộ họ sẽ bị tấn công, đốt phá. Trong số đó, các nhà hàng thuộc tập đoàn Maxim vốn ủng hộ việc ngăn chặn bạo lực, đều không tránh khỏi việc bị bôi mực, vẽ bẩn, an toàn của nhân viên và khách hàng cũng bị đe dọa thường xuyên. Điển hình như thương hiệu bún Đàm Từ Vân Nam trước đó cũng trở thành “tấm bia đỡ đạn” bởi thái độ không ủng hộ biểu tình.

Sân bay quốc tế Hong Kong, xưa nay vẫn là cánh cửa của hòn đảo, đã bị những người biểu tình phong tỏa và ngăn chặn không cho hành khách lên máy bay, cao điểm là trong tháng 8. Theo thống kê của Cục Nhập cư Hong Kong, số lượng du khách đến Hong Kong từ tháng 6 đến tháng 9 đã giảm hơn 3,78 triệu lượt người so với cùng kỳ năm ngoái. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới hơn 18,3 tỷ HKD (tương đương 2,34 tỷ USD).

Thời gian đầu của cuộc biểu tình không gây tác động tức thì cho ngành du lịch, du khách chỉ cần tránh đến những khu vực có biểu tình bạo lực thì họ vẫn có thể duy trì hành trình ban đầu. Nhưng từ tháng 7, tình hình đã chuyển hướng xấu, đặc biệt là các cuộc bạo loạn ở sân bay, điều này ảnh hưởng lớn đến hình ảnh du lịch quốc tế của Hong Kong.

Theo số liệu của Cục Thống kê Hong Kong, tổng giá trị thương mại xuất nhập khẩu của Hong Kong trong tháng 9 chỉ dừng ở mức 727 tỷ HKD, giảm gần 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kể từ khi nổ ra phong trào biểu tình, tổng giá trị thương mại xuất nhập khẩu lũy kế đã thiệt hại hơn 258,3 tỷ HKD so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 8,3%.

Ngành xuất nhập khẩu của Hong Kong vốn có xu hướng suy giảm do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, lại tiếp tục bị ảnh hưởng bởi phong trào biểu tình. Tổng giá trị xuất nhập khẩu sau tháng 6 giảm mạnh, đơn cử như mức giảm 7,31% trong tháng 7, lớn hơn nhiều so với mức giảm từ 0,59% đến 5,25% trong 6 tháng đầu năm khi phong trào biểu tình chưa nổ ra.