Kinh tế Nhật chính thức suy thoái

.

Các số liệu thống kê công bố ngày hôm nay (17/11) cho thấy, kinh tế Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và lớn nhất ở châu Á - đã chính thức rơi vào suy thoái. Đây là lần suy thoái đầu tiên của nền kinh tế này trong 7 năm trở lại đây.

 Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, trong quý 3 vừa qua, GDP của Nhật tăng trưởng âm 0,1% so với quý trước, sau khi đã tăng trưởng âm 0,3% trong quý 2. Từ đầu năm tới nay, GDP của Nhật đã sụt giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo định nghĩa mang tính kỹ thuật, một nền kinh tế bị coi là suy thoái khi tăng trưởng âm hai quý liên tiếp.

Theo giới quan sát, việc kinh tế Nhật rơi vào suy thoái không phải là một sự kiện gây bất ngờ. Trước đó, khủng hoảng tài chính đã “lái” kinh tế Nhật tới bờ vực suy thoái.

Sự chao đảo của thị trường tài chính quốc tế đã khiến giới đầu tư “carry trade” ồ ạt rút vốn khỏi những thị trường có lãi suất cao để chuyển về các đồng tiền có lãi suất thấp mà họ vay trước đó để đầu tư. Trong hoạt động đầu tư “carry trade”, các nhà đầu tư vay tiền ở một nước có mức lãi suất thấp hơn để đầu tư vào các loại tài sản ở các quốc gia có mức lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch.

Mặt khác, những đồng tiền có lãi suất thấp cũng được giới đầu tư coi là các “vịnh tránh bão” an toàn trong thời điểm khủng hoảng.

Điều này khiến các đồng tiền có lãi suất thấp - trong đó có Yên Nhật và USD - tăng giá mạnh.

Sự lên giá của Yên Nhật, cùng với sự sụt giảm nhu cầu của thế giới, đã làm khó các nhà xuất khẩu như Canon, Toyota… - vốn là đầu tàu chính của kinh tế Nhật Bản. Các công ty Nhật gặp khó, kéo theo việc cắt giảm đầu tư, sa thải nhân công và sự chao đảo mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Nhật, khiến tình hình kinh tế nước này thêm tồi tệ.

Để đối phó với tình hình, tháng trước, ngày 30/10, Chính phủ của Thủ tướng Taro Aso đã công bố một kế hoạch kích thích kinh tế trọn gói trị giá 51 tỷ USD để giảm thiểu tác động của sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và sự lên giá mạnh của đồng Yên. Ngày 31/10, Nhật Bản tiến hành cắt giảm lãi suất lần đầu sau 7 năm, đưa lãi suất đồng tiền này từ mức 0,5% xuống còn 0,3%.

Tới thời điểm này, đã hai trong số các đầu tàu của kinh tế thế giới là Nhật Bản và khu vực 15 nước sử dụng đồng Euro (Eurozone) rơi vào suy thoái. Cuối tuần trước, EU công bố số liệu cho thấy, GDP của Euro sụt 0,2% trong quý 3, sau khi đã tăng trưởng âm 0,2% trong quý 2, đồng nghĩa với việc nền kinh tế này đã suy thoái.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, kinh tế Nhật sẽ tăng trưởng âm 0,1% trong năm 2009, so với các mức tăng trưởng âm 0,9% và âm 0,5% ở Mỹ và châu Âu.

Trong cuộc họp thượng đỉnh cuối tuần qua tại Washington, lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G-20) đã đi tới một tuyên bố chung kêu gọi thế giới tiếp tục hợp sức để chống khủng hoảng. Trong đó, một biện pháp được đề xuất là cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu, cắt giảm thêm lãi suất và tăng cường kích thích kinh tế.

Tuy nhiên, tuyên bố của G-20 phần nào khiến giới quan sát thất vọng vì không có một biện pháp hành động cụ thể nào được đưa ra.

Theo số liệu của Bloomberg, khủng hoảng tài chính đã khiến các tổ chức tài chính toàn cầu thua lỗ và thâm hụt tài sản tổng số tiền 964,6 tỷ USD vì những khoản đầu tư liên quan tới thị trường cho vay dưới chuẩn ở Mỹ. Thua lỗ này đẩy lãi suất cho vay tín dụng tăng cao, khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng rất khó vay vốn, làm các hoạt động kinh tế co lại.

Đối với Nhật Bản nói riêng, việc vực dậy nền kinh tế lúc này xem ra rất khó khăn, vì lãi suất đồng Yên hiện đã ở mức thấp (0,3%). Đồng thời, nợ Chính phủ của Nhật đã vượt quá 180% GDP của nước này, khiến việc tăng cường thêm chi tiêu của Chính phủ là việc khó thực hiện.
Tổng hợp từ VnEconomy va Cafef