Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu "lạm phát đình trệ"

Theo Kim Ngân/nhadautu.vn

Các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang có những dấu hiệu của lạm phát đình trệ, khi giá cả tiếp tục tăng cao trong khi sản xuất chậm lại nhiều.

Ảnh: Getty Images
Ảnh: Getty Images

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tháng 10 giảm sâu hơn so với dự báo, theo số liệu và khảo sát chính thức, CNBC đưa tin. Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong ngành sản xuất là 49,2, thấp hơn mức 50 - ngưỡng giữa “mở rộng” và “thu hẹp”.

Zhang Zhiwei, kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết chỉ số sản xuất đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ra mắt năm 2005, trừ thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và tháng 2 năm ngoái khi dịch COVID-19 bùng phát. Ngược lại, chỉ số giá đầu ra tăng lên mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được công bố lần đầu tiên năm 2016.

“Những tín hiệu này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể đang trải qua tình trạng lạm phát đình trệ”, ông Zhang viết trong một báo cáo nhanh hôm Chủ nhật.

Lạm phát đình trệ là tình trạng hoạt động kinh tế đình trệ trong khi lạm phát tăng tốc. Hiện tượng này lần đầu tiên được ghi nhận vào những năm 1970 khi một cú sốc dầu mỏ dẫn tới giai đoạn kéo dài giá cả tăng cao nhưng tăng trưởng kinh tế giảm mạnh.

“Một dấu hiệu đáng lo ngại là lạm phát chuyển từ giá đầu vào sang giá đầu ra. Lạm phát giá đầu vào ở mức cao trong nhiều tháng, do giá hàng hóa tăng cao. Nhưng sự tăng vọt của chỉ số giá đầu ra trong tháng 10 là đáng báo động”.

Ông Zhang nói áp lực lạm phát đang truyền từ các công ty “thượng nguồn” sang các doanh nghiệp “hạ nguồn”. “Thượng nguồn” chỉ nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng hóa, “hạ nguồn” là những hoạt động gần hơn với khách hàng, nơi sản phẩm được tạo ra và phân phối.

“Chúng ta có thể thấy rõ lạm phát đình trệ công nghiệp ở Trung Quốc. Ngành công nghiệp rõ ràng đang ở trong tình trạng rất khó khăn”, Raymond Yeung, kinh tế trưởng về Trung Quốc, Hong Kong, Ma Cao và Đài Loan, nói với CNBC.

Theo Capital Economics, những người tham gia cuộc khảo sát PMI cho biết sản lượng nhà máy bị kìm hãm bởi nguồn cung điện giảm, thiếu nguyên liệu và chi phí đầu vào cao. Trung Quốc hiện đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, vì nước này đang “vật lộn” với tình trạng thiếu than.

“Đáng chú ý, sự thiếu hụt này và giá nguyên liệu thô tăng cao dẫn tới giá đầu ra cao hơn”, Sheana Yue, trợ lý kinh tế tại Capital Economics, cho biết.

GDP quý III của Trung Quốc chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái do hoạt động công nghiệp tháng 9 chỉ tăng 3,1%, thấp hơn mức 4,5% các nhà phân tích dự báo trước đó, theo khảo sát của Reuters. Quý I, GDP Trung Quốc tăng 18,3% so với quý I/2020, giai đoạn dịch bệnh căng thẳng. Con số quý 2 là 7,9%.

Thứ Sáu tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ cho biết lạm phát tháng 9 của Mỹ cao nhất trong hơn 30 năm qua dù thu nhập cá nhân giảm.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9, trong đó có thực phẩm và năng lượng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 1/1991. Lạm phát tiếp tục tăng vọt, trong khi thu nhập cá nhân giảm 1%, giảm nhiều hơn mức dự báo, 0,4%. Chi tiêu của người tiêu dùng tăng 0,6%.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang đối mặt với tình trạng giá cả tăng cao hơn và tăng trưởng thấp đi. GDP Mỹ chỉ tăng 2% trong quý III, mức thấp nhất kể từ khi phục hồi kinh tế bắt đầu vào tháng 4/2020 - sự phục hồi từ đợt suy thoái ngắn nhất nhưng sâu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng và sự giảm tốc rõ rệt trong chi tiêu của người tiêu dùng được cho là các lý do chính.