Liệu Trung Quốc có cứu được ngành xuất khẩu năng lượng của Nga?

Theo Hoàng An/nhadautu.vn/Fortune

Với việc Nga tấn công Ukraine và làn sóng trừng phạt của phương Tây sau đó, nguy cơ các hoạt động thương mại năng lượng của Nga bị gián đoạn nghiêm trọng đã hiện hữu, thậm chí còn là vĩnh viễn cắt đứt với thị trường lớn nhất là châu Âu.

Công nhân xây dựng đường ống dẫn dầu của Nga. Ảnh ANDREY RUDAKOV—BLOOMBERG VIA GETTY IMAGES
Công nhân xây dựng đường ống dẫn dầu của Nga. Ảnh ANDREY RUDAKOV—BLOOMBERG VIA GETTY IMAGES

Vào năm 2019, năm 'bình thường' cuối cùng trước COVID, hầu hết 260 tỷ USD xuất khẩu năng lượng của Nga là đến các nước láng giềng phía Tây.

Bây giờ Nga có thể chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc không? Câu trả lời là: không nhiều.

Trên thực tế, chiến lược năng lượng của Nga đã 'xoay trục sang châu Á' trong hơn một thập kỷ qua, với việc đầu tư vào các đường ống dẫn dầu và khí đốt mới, mở rộng năng lực đường sắt và đẩy mạnh vận chuyển LNG để cung cấp cho thị trường Trung Quốc. Vì vậy, câu hỏi chính xác hơn là: nỗ lực đó có thể được tăng tốc nhanh đến mức nào?

Đánh giá từng loại nhiên liệu xuất khẩu của Nga cho thấy rằng Trung Quốc sẽ không sớm là cứu tinh của Nga: xuất khẩu năng lượng của Nga sang phía đông phải đối mặt với những hạn chế lớn về tài nguyên, tắc nghẽn hậu cần và các vấn đề chính trị.

Hãy bắt đầu với dầu. Con đường xuất khẩu chính của Nga sang Trung Quốc là đường ống Đông Siberi (ESPO), vận chuyển khoảng 700.000 thùng dầu mỗi ngày vào năm 2021. Thêm vào đó, 900.000 thùng dầu mỗi ngày được vận chuyển bằng tàu chở dầu.

Có rất ít cơ hội để mở rộng ngay lập tức, do những hạn chế về cả năng lực đường ống và các bến hàng hải. Trên thực tế, việc gửi dầu bằng tàu chở dầu có thể gặp nhiều khó khăn do các thương nhân và chủ hàng né tránh dầu của Nga. Với bất cứ lý do gì, xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc có thể giảm trong năm tới.

Xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc có nhiều dư địa để tăng trưởng. Công suất chưa được sử dụng trong đường ống Power of Siberia 1 hiện tại có thể giúp Gazprom tăng vận chuyển khí đốt đến vùng đông bắc Trung Quốc trong vài năm tới.

Nhưng vấn đề là ở chỗ gốc rễ: tài nguyên khí đốt của Đông Siberia rất khiêm tốn so với Tây Siberia. Hơn nữa, Gazprom sẽ không thể phát triển đầy đủ cùng lúc khu vực lớn ở Đông Siberi, Chayanda và Kovykta, ít nhất là vào giữa thập kỷ này.

Một nguồn bổ sung nhỏ có thể đến từ Đảo Sakhalin. Tại hội nghị thượng đỉnh “hữu nghị không giới hạn” diễn ra hôm 4 tháng 2. Hai nhà lãnh đạo Putin và Tập Cận Bình đã thông báo về việc mở rộng đường ống dẫn dầu Sakhalin-Vladivostok hiện có, nhưng cả hai bên vẫn cần nhất trí về nơi đường ống sẽ đi qua ở Trung Quốc.

Một lựa chọn sẽ là một điểm nằm giữa Komsomolsk và Vladivostok, nơi chỉ cần một thời gian ngắn để xây dựng đường ống vào vào Trung Quốc. Phương án khác, để nối với điểm giao nhau hiện có của PoS-1 tại Blagoveshchensk, cần phải xây dựng gần 600 km đường ống mới và có lẽ điều này sẽ không khả dụng cho đến giữa những năm 2020. Tất nhiên, tất cả giả định rằng sản xuất có thể nhanh chóng được mở rộng tại Sakhalin. Nhưng phương án này cũng đòi hỏi thêm các khoản đầu tư mới.

Cộng dồn mọi thứ, Gazprom có ​​thể cung cấp thêm 28 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc vào năm 2025, tức là chỉ bằng một phần nhỏ trong số 155 tỷ mét khối mà Nga cung cấp cho châu Âu vào năm 2021.

Đường ống Power of Siberia 2 được đề xuất có thể thúc đẩy xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc, nhưng chỉ trong dài hạn. Gazprom đã xúc tiến dự án này trong gần một thập kỷ, nhưng vẫn chưa có thỏa thuận về việc khí đốt sẽ đến từ đâu và làm thế nào để đến Trung Quốc.

Bắc Kinh tỏ ra không hào hứng với đề xuất của Nga về việc vận chuyển khí đốt từ Tây Siberia qua Mông Cổ. Trung Quốc đã nhập khẩu khí đốt từ Trung Á qua đường ống Tây-Đông chạy từ biên giới phía Tây của Trung Quốc đến bờ biển miền Trung — nơi hiện giờ đã chạy hết tốc lực.

Nguồn cung từ Tây Siberia sẽ cho phép Gazprom liên thông thị trường Tây Âu và Trung Quốc với nhau. Tuy nhiên, việc tấn công của Nga vào Ukraine có thể thay đổi dự định đó.

Những hạn chế về giao thông vận tải cũng hạn chế hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga, vốn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu khác của Nga và là cốt lõi của chiến lược 'Xoay vòng sang châu Á' của nước này.

Nga muốn vận chuyển LNG đến châu Á qua Tuyến đường biển phía Bắc, trên đỉnh Tây Siberia của Nga đến Trung Quốc qua Bắc Băng Dương. Điện Kremlin đã ủng hộ hết mình cho một công ty tư nhân mới có tên Novatek làm tiên phong trong việc phát triển LNG từ Bán đảo Yamal.

Về dài hạn, tương lai có vẻ tươi sáng cho Novatek, do Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào LNG nhập khẩu. Tuy nhiên, một lần nữa, hạn chế ngắn hạn là giao thông vận tải.

Tuyến đường biển phía Bắc vẫn yêu cầu các tàu chở dầu có khả năng phá băng mà Novatek phải mua từ Hàn Quốc, và những tàu này có khả năng không khả dụng do các lệnh trừng phạt. Thay vào đó, Novatek sẽ phải dựa vào thế hệ tàu phá băng hạt nhân mới từ các nhà máy đóng tàu của Nga. Nhưng chúng chủ yếu được cấu hình để vận chuyển quân sự và giao hàng chậm.

Sự lựa chọn nhiên liệu cuối cùng là than đá, mà Nga đã hướng tới xuất khẩu - chủ yếu là sang châu Âu - kể từ khi Liên Xô kết thúc.

Hy vọng của ngành này là chuyển thị trường xuất khẩu chính của mình sang khu vực Thái Bình Dương và trước hết là Trung Quốc. Một lệnh cấm mới của châu Âu đối với than của Nga chỉ khiến Moscow đẩy nhanh tiến trình xoay trục này.

Nhưng hạn chế chính, một lần nữa, lại vẫn là giao thông vận tải. Than chiếm một nửa tổng lưu lượng vận chuyển hàng hóa trên hệ thống đường sắt của Nga, nhưng giao thông hướng về phía tây chứ không phải hướng đông.

Nga đã cố gắng mở rộng hai tuyến đường sắt chính của mình đến Thái Bình Dương (BAM và Xuyên Siberi), nhưng việc thiếu các nguồn vốn tài chính khiến mọi việc đang diễn ra rất chậm chạp. Than xuất khẩu dành cho phía Đông đang chất đống ở Kuzbass, khu vực sản xuất than chính của Nga.

Do đó, cơ hội ngắn hạn cho sự chuyển dịch nhanh chóng của xuất khẩu năng lượng sang phía Đông là rất hạn chế. Đối với mỗi loại nhiên liệu, các vấn đề hậu cần và hạn chế vận tải đều cản trở việc mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc. Sẽ cần mất một thập kỷ, nếu không muốn nói là hơn, để khắc phục những trở ngại này.

Cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga được xây dựng để cung cấp cho các thị trường ở châu Âu và cần nửa thế kỷ để xây dựng. Khi châu Âu quay lưng lại với nhiên liệu hóa thạch của Nga, cả vì lý do khí hậu và an ninh, hệ thống rộng lớn này giờ đây sẽ phải hướng về phía Đông. Nhưng mục tiêu đó chỉ có thể đạt được với chi phí lớn về vốn và thời gian. Nó sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều.