Loạt yếu tố bất lợi tiếp tục đẩy giá dầu tăng mạnh

Theo Trung Mến/bizlive.vn

Nhà đầu tư phản ứng với thông tin gián đoạn nguồn cung dầu tại Libya, sản lượng dầu tại Libya giảm hơn 500.000 thùng dầu/ngày do tình trạng sản xuất hạn chế tại nhiều mỏ dầu lớn, các khu vực xuất khẩu.

Ảnh: GettyImages
Ảnh: GettyImages

Phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu tăng bởi những nỗi lo về khả năng nguồn cung sẽ trở nên hạn chế khi mà Liên minh châu Âu (EU) tính đến khả năng cấm dầu của Nga, điều này sẽ làm hạn chế giao dịch dầu trên khắp thế giới hơn nữa.

Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai trên thị trường London tăng 1,53USD/thùng lên 108,33USD/thùng, trong phiên đã có lúc giá dầu Brent chạm mốc 109,8USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI trên thị trường New York đóng cửa phiên tăng 1,6USD/thùng tương đương 1,6% lên 103,79USD/thùng. Trong phiên đã có lúc giá dầu chạm mốc 105,42USD/thùng.

Nhà đầu tư phản ứng với thông tin gián đoạn nguồn cung dầu tại Libya, sản lượng dầu tại Libya giảm ước tính khoảng hơn 500.000 thùng dầu/ngày do tình trạng sản xuất hạn chế tại nhiều mỏ dầu lớn và các khu vực xuất khẩu.

Giá dầu Brent đã tăng gần 8% trong vòng 7 phiên giao dịch gần nhất, tuy nhiên quá trình tăng này cũng diễn ra chậm chạp, không giống những phiên tăng mạnh vào cuối tháng 2/2022 và giữa tháng 3/2022 khi mà căng thẳng Nga – Ukraine bắt đầu thực sự bùng phát.

Chuyên gia phân tích cao cấp tại Price Futures Group, ông Phil Flynn, nói: “Giao dịch giờ đây không hề dễ dàng như cách đây vài tuần. Bạn phải chấp nhận rủi ro nhiều hơn và nó cũng có thể đồng nghĩa rằng các quỹ đầu cơ sẽ giao dịch mạnh hơn”.

Thị trường chứng kiến một số đợt bán sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vào ngày thứ Năm nói rằng EU sẽ cần phải cẩn thận với khả năng năng lượng của Nga bị cấm hoàn toàn bởi nhiều khả năng nó khiến cho giá dầu tăng vọt.

EU hiện đang cân nhắc về quy định cấm liên quan đến việc Nga – Ukraine đối đầu, Nga tự gọi những gì họ đang làm là “nhiệm vụ đặc biệt” liên quan đến việc loại bỏ vũ khí tại nước láng giềng.

Cũng theo ông Flynn, thị trường đang cân nhắc đến khả năng tăng trưởng kinh tế chững lại hoặc nguồn cung bổ sung sẽ có thể gây tổn hại đến dầu. Trong lúc đó, nguồn cung thị trường hiện vẫn đang chịu nhiều hạn chế, theo công bố của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào ngày thứ Tư.

Nhà đầu tư đồng thời quan tâm đến tuyên bố từ các quan chức của Fed cho thấy rằng hoàn toàn có khả năng Fed sẽ nâng lãi suất rất mạnh trong những tháng tới. Thực tế này sẽ gây tổn hại lên tăng trưởng kinh tế, làm giảm nhu cầu các sản phẩm năng lượng.

Xuất khẩu dầu thô của Mỹ ước tính khoảng 4 triệu thùng/ngày trong tuần trước, mức xuất khẩu cao hơn này giúp bù đắp cho việc sản lượng dầu của Nga trên thị trường thế giới hao hụt do các biện pháp trừng phạt từ Mỹ hay các nước châu Âu.

Thị trường dầu hiện vẫn đang đương đầu với những yếu tố hạn chế nguồn cung, trong đó phải kể đến Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh dẫn đầu bởi Nga vốn được biết đến với cái tên OPEC+ đã chật vật trong việc đáp ứng mục tiêu sản xuất, dự trữ dầu thô Mỹ giảm chóng mặt trong tuần kết thúc ngày 15/4/2022.

Khi mà chỉ có duy nhất 2 nước trong OPEC+ có khả năng tăng sản lượng bao gồm Saudi Arabia và UAE, nhóm này đang tiếp tục với cách tiếp cận đầy thận trọng về vấn đề sản lượng, ngân hàng UBS phân tích.

Triển vọng nhu cầu đi xuống tại Trung Quốc tiếp tục gây sức ép lên thị trường bởi nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới dần dần nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn COVID-19, nhóm các biện pháp này đã gây tổn hại đến năng lực sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.