Lý do khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ cao kỷ lục

Theo Việt An/baoquocte.vn

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, thâm hụt ngân sách của nước này đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay là 3.000 tỷ USD trong 11 tháng kể từ đầu năm tài khóa 2019-2020 (kết thúc vào 30/9/2020).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhân tố chủ yếu dẫn tới mức thâm hụt ngân sách “khổng lồ” này là các khoản chi tiêu mạnh tay của Chính phủ trong nỗ lực ngăn chặn những tác động của cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, khiến hàng triệu việc làm bị mất.

Mức thâm hụt ngân sách của Mỹ từ tháng 10/2019 đến tháng 8/2020 cao hơn gấp đôi so với mức kỷ lục ghi nhận vào cùng kỳ năm 2009 là 1.370 tỷ USD. Vào thời điểm đó, Chính phủ phải chi một khoản tiền lớn để đưa nền kinh tế thoát khỏi cuộc suy thoái do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 gây ra.

ly do khien tham hut ngan sach cua my cao ky luc
Tòa nhà Bộ Tài chính Mỹ ở Washington, DC.

Chỉ còn gần một tháng nữa trước khi tài khóa 2019-2020 của Mỹ kết thúc, mức thâm hụt ngân sách có thể còn tiếp tục tăng cao hơn. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo, thâm hụt ngân sách của nước này trong tài khóa hiện nay sẽ đạt mức cao kỷ lục 3.300 tỷ USD.

Mặc dù Chính phủ Mỹ nghiêng về khả năng ngân sách nước này sẽ đạt thặng dư vào tháng 9 này, song theo chuyên gia kinh tế Nancy Vanden Houten tại Oxford Economist dự đoán, mức thâm hụt ngân sách tháng 9 của Mỹ sẽ đạt 200 tỷ USD, khiến tổng mức thâm hụt cả tài khóa của nền kinh tế lớn nhất thế giới lên 3.200 tỷ USD. Con số này cao hơn nhiều so với mức thâm hụt ngân sách 984 tỷ USD của tài khóa trước.

Quốc hội Mỹ đã thông qua một loạt dự luật cứu trợ tài chính với tổng trị giá gần 3.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp vốn chịu tổn hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19 như tăng 600 USD tiền trợ cấp thất nghiệp mỗi tuần, đồng thời hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ đang cố gắng giữ nhân viên.

Tuy nhiên, nhiều chương trình hỗ trợ tài chính của Mỹ đã kết thúc vào đầu tháng 8 và những nỗ lực thông qua gói cứu trợ khác để khôi phục các chương trình đã hết hạn cho đến nay vẫn rơi vào bế tắc do bất đồng giữa Nhà Trắng và Quốc hội. Điều đó đã khiến giới chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, giữa bối cảnh nhiều người Mỹ vẫn chưa có việc làm và rất nhiều doanh nghiệp đang phải “vật lộn” để mở cửa trở lại, sự phục hồi kinh tế Mỹ có thể chững lại vào cuối năm nay.

Mức thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tháng 8/2020 là 200 tỷ USD, bằng với mức thâm hụt của tháng 8/2019 và phản ánh thực tế là khi các chương trình cứu trợ sắp hết hạn, mức tăng chi tiêu hàng tháng của Chính phủ có xu hướng chậm lại.

CBO dự báo tới cuối năm nay, nợ công của Mỹ sẽ tương đương 98% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tỷ lệ này sẽ vượt 100% GDP trong năm tới. Đó là mức nợ công lớn chưa từng thấy kể từ khi Chính phủ Mỹ “gánh” một “núi” nợ khổng lồ vào những năm 1940 để chi trả cho những chi phí của Thế chiến II.

Tính đến tháng 8 của tài khóa hiện nay, tổng thu nhập từ thuế của Chính phủ Mỹ đạt 3.050 tỷ USD, thấp hơn 1,3% so với cùng kỳ tài khóa trước. Chi tiêu của Chính phủ trong 11 tháng của đầu tài khóa này là 6.050 tỷ USD, tăng từ mức 4.160 tỷ USD của cùng kỳ tài khóa trước.