Mỹ đang để mất nhân tài?

Theo CafeF

Báo cáo mới nhất cho thấy sinh viên nước ngoài theo học ngành khoa học và kỹ thuật đang rời Mỹ để khởi nghiệp tại quê hương.

Chính sách của Mỹ có giữ chân được lao động nước ngoài?

Báo cáo có tên "Losing the World's Best and Brightest" được công bố ngày 19/03 cảnh báo việc sinh viên ngành khoa học và kỹ thuật rời Mỹ với số lượng lớn sẽ gây tổn thất đến lực lượng lao động Mỹ. 3 thập kỷ qua, lao động nhập cư đóng vai trò ngày một lớn trong tăng trưởng kinh tế Mỹ những năm gần đây.

 

Ông Vivek Wadhwa, chuyên gia đại học Duke và là đồng tác giả báo cáo trên, nhận xét nước Mỹ nên có chính sách giữ chân sinh viên thuộc nhóm trên để họ có thể sáng lập ra các công ty : “Thay cho việc khuyến khích chủ nghĩa dân túy chống lại người nước ngoài và quan niệm quá coi trọng lao động địa phương, các nhà hoạch định chính sách kinh tế nên có chính sách hỗ trợ người nhập cư phát triển. Một biện pháp có thể kể đến là hỗ trợ những người mở công ty được cư trú lâu dài.”

 

Ông Wadhwa chỉ ra rằng người nhập cư đã giúp sáng lập nhiều công ty lớn của nước Mỹ ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ. Tên tuổi nổi tiếng nhất có thể kể đến Google, Intel, eBay và Yahoo.

 

Báo cáo này cũng kêu gọi nới lỏng hạn chế visa làm việc tạm thời giống như quy định mới liên quan đến H-1B visa của Mỹ hiện đang áp dụng với lao động tay nghề cao từ các nước khác.

 

Sức hấp dẫn của việc định cư lâu dài


Báo cáo trên gây nhiều tranh cãi. Một số chuyên gia cho rằng việc sinh viên nước ngoài rời Mỹ sau khi tốt nghiệp không liên quan quá nhiều đến chính sách nhập cư mà liên quan đến tính năng động của kinh tế toàn cầu.

Ông Ron Hira, giáo sư về chính sách công tại viện Rochester cho rằng sinh viên sẽ tìm đến những nơi có nhiều việc làm, và Trung Quốc và Ấn Độ là hai điểm đến hấp dẫn.

 

Ông Hira cho rằng sẽ tốt hơn nếu lao động trình độ cao được mở rộng cư trú lâu hơn. Tuy nhiên ông không đồng ý với quan điểm nên hỗ trợ thêm cho quy định visa H-1B hiện là visa làm việc tạm thời.

 

Theo ông Hira, công ty thuê gia công như Infosys và Wipro đã sử dụng visa tạm thời để có thể đào tạo lao động nước ngoài tại Mỹ và sau đó chuyển công việc gia công ra nước ngoài.

 

Việc nới lỏng quy định đối với visa H-1B sẽ là phản tác dụng. Khi đưa công việc gia công ra nước ngoài, các công ty Mỹ đã cắt đứt cơ hội việc làm tại Mỹ trong khi mang công ăn việc làm đến Trung Quốc và Ấn Độ.

 

Báo cáo này được tiến hành dựa trên khảo sát đối với 1.224 sinh viên nước ngoài tốt nghiệp tại Mỹ vào cuối năm học 2008. Khảo sát tiến hành với 229 sinh viên Trung Quốc, 117 sinh viên Tây Âu và 878 sinh viên Ấn Độ.

 

Sức hút của quê hương

 

Trước đây sau khi tốt nghiệp, nhiều sinh viên thường chọn ở lại Mỹ làm việc toàn thời gian hoặc theo học thạc sỹ, tiến sỹ. Tuy nhiên thực tế đó đang thay đổi. Người tham gia khảo sát cho biết rất ít trong số họ có ý định ở lại Mỹ lâu dài: 6% sinh viên Ấn Độ,  10% sinh viên Trung Quốc và 15% sinh viên châu Âu. Đa số người cho biết họ muốn trở về quê hương trong 5 năm; 45% sinh viên Ấn Độ, 40% sinh viên Trung Quốc và 30% sinh viên châu Âu chia sẻ ý kiến trên.

 

Sinh viên nước ngoài muốn về nước chủ yếu vì họ muốn sống gần gia đình và bạn bè. Lý do thứ hai là cơ hội việc làm ở quê hương tốt hơn. Sinh viên Trung Quốc hết sức tin tưởng vào cơ hội việc làm ở quê nhà. 52% sinh viên Trung Quốc cho rằng cơ hội việc làm tốt nhất tại chính Trung Quốc, con số này đối với sinh viên Ấn Độ và châu Âu lần lượt là 32% và 26%.

 

Vấn đề phân biệt chủng tộc chỉ là một rào cản nhỏ đối với sinh viên nước ngoài. Cản trở khác khiến họ muốn về nước là xin được visa ở Mỹ và cơ hội việc làm tại đây. Tuy nhiên 85% sinh viên Trung Quốc, Ấn Độ và 72% sinh viên châu Âu hết sức lo lắng về việc xin visa làm việc.

 

Anh Baris Guzel, sinh viên 25 tuổi tốt nghiệp ngành kỹ thuật tại viện Duke và cũng là một sinh viên của giáo sư Wadhwa, cho biết cản trở trong việc xin visa ở lại Mỹ vài năm chính là lý do buộc anh phải về nước. Anh đang cân nhắc sẽ mở công ty tại Đức: “Hiện nay kiếm việc làm tại Mỹ là điều rất khó. Ở Đức, việc xin được visa làm việc rất dễ dàng.”