Mỹ: Lạm phát vẫn là mối họa cần dè chừng

Huyền Nhung

Lợi suất trái phiếu của Mỹ đã ổn định trở lại, song lạm phát vẫn là một nỗi lo lớn đối với giới đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Rủi ro lạm phát tăng cao

Nền kinh tế Mỹ đang phục hồi nhờ các chính sách tài khóa và việc triển khai vắc xin Covid-19. Doanh số bán lẻ tăng vọt trong tháng 3, thị trường nhà đất sôi động trở lại và số người nộp đơn xin thất nghiệp giảm mạnh. Sự tăng trưởng này có thể sẽ dẫn đến lạm phát và gia tăng lãi suất trong tương lai.

Katy Kaminski - Trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược của Tập đoàn AlphaSimplex cho biết: “Kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi nhưng nỗi lo về lạm phát vẫn luôn thường trực."

Rủi ro lạm phát không phải là "nhất thời" như cách Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cố gắng trấn an giới đầu tư. Sẽ có sự tác động mạnh đến giá thực phẩm, nhà ở, quần áo và các mặt hàng bán lẻ khác.

Brian Henderson - Giám đốc đầu tư của BOK Financial đồng tình rằng lạm phát là mối quan ngại hàng đầu đối với thị trường hiện tại.

"Với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế, sẽ có sự tăng vọt về giá ở một số khu vực kinh tế nhạy cảm. Ví dụ như giá vé máy bay sẽ tăng do nhu cầu bị kìm hãm trong thời gian dài", chuyên gia này cho biết.

Thách thức đối với thế hệ tiêu dùng trẻ

Các chuyên gia cũng bộc lộ nỗi lo rằng sự gia tăng đột ngột về lạm phát sẽ là một thách thức đối với những người tiêu dùng trẻ.

Karissa McDonough - Chiến lược gia thu nhập cố định của People's United Advisors cho biết: "Thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh những năm 1970 và 1980 đã vượt qua cú sốc lạm phát, nhưng nó sẽ là một thách thức đối với những người trẻ để thực hiện điều tương tự ở thời điểm hiện tại – vốn tồn tại khác biệt lớn so với những năm 1970.”

Thứ nhất, Fed không có khả năng tăng mạnh lãi suất trừ khi lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đạt mức đáng kể trên 2% một cách nhanh chóng và không gây rối loạn. Chỉ khi đó, lạm phát sẽ được kiểm soát.

Thứ hai, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân cao - dao động quanh mức 14% và hơn hết là việc các “ông trùm” như Apple, Microsoft, Google đang nắm giữ khối tiền mặt khổng lồ là những yếu tố dẫn đến rủi ro lạm phát lớn.

Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến hai yếu tố trên, Liz Ann Sonders - Chiến lược gia đầu tư của Charles Schwab cho biết  “Tỷ lệ tiết kiệm có xu hướng tăng do mọi người trì hoãn chi tiêu để đề phòng trường hợp nền kinh tế xấu đi và các doanh nghiệp không sẵn sàng đổ nhiều tiền vào đầu tư vốn dài hạn.”