Mỹ - Nhật sẽ sớm có thỏa thuận thương mại?

Theo Lê Phan/doanhnhansaigon.vn

Mỹ khó lòng gây chiến cùng lúc với nhiều đối tác thương mại; vì vậy, trong bối cảnh thương chiến với Trung Quốc ngày càng quyết liệt, việc sớm đạt được thỏa thuận thương mại với Nhật là điều chính quyền Trump cần có lúc này.

Mỹ khó lòng gây chiến cùng lúc với nhiều đối tác thương mại. Nguồn: internet
Mỹ khó lòng gây chiến cùng lúc với nhiều đối tác thương mại. Nguồn: internet

Căng thẳng giữa hai bên

Ngày 28/5, Tổng thống Trump đã kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản kéo dài bốn ngày với golf, sumo, bữa tối cùng Nhật hoàng Naruhito và các cuộc kiểm tra tàu chiến Mỹ - Nhật nhằm thể hiện quan hệ liên minh.

Ông Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hội đàm về một loạt chủ đề, như quan hệ thương mại song phương, chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, sự trỗi dậy về quân sự và kinh tế của Trung Quốc, giữa lúc Washington đang tiến hành chiến tranh thương mại với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, cuộc viếng thăm phần nào bị phủ bóng bởi ác cảm về khoảng cách thương mại hai chiều, giữa lúc hai nước đang tranh cãi về lời đe dọa đánh thuế ô tô nhập khẩu từ Nhật của Washington, cũng như việc ông Trump thúc đẩy Tokyo cắt giảm thặng dư thương mại. 

Ông chủ Nhà Trắng từng bày tỏ sự không hài lòng với mức thặng dư thương mại trị giá 68 tỷ USD của Nhật với Mỹ, phần lớn đến từ xuất khẩu xe hơi, và muốn đạt thỏa thuận song phương để giải quyết chuyện này.

Cụ thể, Nhật Bản hiện là nước xuất khẩu lớn thứ 4 vào Mỹ, với tổng kim ngạch đạt gần 142,6 tỷ USD trong năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu quý I vừa qua đạt 36 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, và nếu tiếp tục duy trì với tốc độ này thì sẽ đạt xấp xỉ 146,7 tỷ USD trong năm 2019. Thâm hụt thương mại trong tháng 1 của Mỹ với Nhật lên tới 17,7 tỷ USD (năm 2018 thâm hụt hơn 67,6 tỷ USD). 

Trước thềm chuyến thăm, ông Trump đã tuyên bố xe hơi và linh kiện xe nhập khẩu vào Mỹ là mối đe dọa với an ninh quốc gia nhưng hoãn đưa ra quyết định về việc đánh thuế thêm 6 tháng, cho phép Washington có  thời gian đàm phán với Nhật và Liên minh Châu Âu. Dù vậy, giới chức Nhật - Mỹ và một số chuyên gia đã giảm nhẹ khả năng hai bên đạt được kết quả đột phá trong chuyến thăm lần này.

Chính phủ Trump đang cố gắng đàm phán lại thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế lớn, gồm cả Nhật Bản, để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và giải quyết những gì được coi là thương mại không công bằng.

Sau khi ông Trump gặp Thủ tướng Shinzo Abe vào ngày 27/5, ông nói với phóng viên rằng, dự kiến “hai nước sẽ công bố một số điều, có thể là vào tháng 8 tới, điều đó sẽ rất tốt cho cả hai quốc gia về thương mại”.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi - người phụ trách các cuộc đàm phán thương mại - cho biết cuộc gặp tại Tokyo vào tuần trước với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer đã nói rõ rằng có những khác biệt về quan điểm cần được giải quyết trong các cuộc đàm phán tới.

Ông Motegi nói: “Chúng tôi đã đồng ý hai bên sẽ cố gắng thu hẹp khoảng cách, bao gồm cả việc có thể tổ chức các cuộc đàm phán ở các cấp độ làm việc, tuy nhiên vẫn chưa có thời gian biểu nào được đặt ra cho các cuộc đàm phán trong tương lai”.

Vì sao Trump muốn có thỏa thuận thương mại với Nhật?

Thứ nhất, Hoa Kỳ đang ở giữa chiến tranh thương mại với Trung Quốc, và căng thẳng cũng đang sôi sục với Nhật Bản và Liên minh Châu Âu. Vì vậy, chính quyền Trump ắt muốn hạn chế “chiến đấu” trên quá nhiều mặt trận và khả năng bị cô lập trước các đối tác thương mại chính.

Dù tuyên bố tự tin Trung Quốc mới là nước trả giá cho các hàng rào thuế quan, nhưng rõ ràng cuộc chiến thương mại đang ít nhiều gây thiệt hại lên người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ, cũng như tác động xấu đến các thị trường tài chính.

Thứ hai, trong tình hình khó có thể sớm đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, ông Trump có thể phải sớm tìm một thỏa thuận khác đảm bảo thành công, nhằm “ghi điểm” khi chuẩn bị bước vào giai đoạn tái tranh cử tổng thống trong kỳ bầu cử vào năm 2020. Nếu châm ngòi cho quá nhiều cuộc thương chiến khiến Mỹ phải mắc kẹt, cử tri có thể nổi giận và ảnh hưởng lên lá phiếu dành cho ông.

Thứ ba, mối quan hệ với Nhật không chỉ đơn thuần về thương mại, mà còn là đồng minh chính trị gần gũi đã kéo dài 70 năm qua. Hoa Kỳ cũng không muốn gây chiến thương mại dẫn đến việc các đồng minh ngày càng rời xa và liên kết thương mại với Trung Quốc để hạn chế những thiệt hại từ các hàng rào thuế của Mỹ; khi đó, vai trò, vị trí của Mỹ ít nhiều bị suy yếu. Mỹ cũng buộc phải tìm kiếm và đảm bảo các thị trường khác thay thế cho hàng hóa Trung Quốc hoạt động thuận lợi.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã luôn nỗ lực thắt chặt mối quan hệ với Trump ngay từ khi ông đắc cử Tổng thống, cũng như cố gắng tránh bị lôi kéo vào cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nhật Bản đã trải thảm đỏ đón Tổng thống Trump trong chuyến thăm vừa qua, giúp Tokyo có thời gian “nghỉ ngơi” ngắn ngủi giữa những tranh cãi với Washington, nhưng Thủ tướng Shinzo Abe có thể đối mặt với áp lực phải nhượng bộ sau cuộc bầu cử mùa hè tại nước này.

Washington hiện muốn Tokyo cắt giảm thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ để khôi phục khả năng cạnh tranh. Dù vậy, Nhật Bản báo hiệu khả năng chỉ có thể cắt giảm thuế xuống ngang mức trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đã rút lui.

Nhật Bản cũng phản đối bất kỳ giới hạn nào đối với hàng xuất khẩu của họ, điều này sẽ vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới.