Mỹ: Thị trường chứng khoán vẫn tăng mạnh dù kinh tế ảm đạm

Theo H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Sự “lệch nhịp” giữa thị trường tài chính và nền kinh tế là quá rõ ràng, khi các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn COVID-19 đã đẩy kinh tế Mỹ vào tình trạng suy thoái chưa từng có.

Vào thời điểm Phố Wall hoạt động sôi nổi, thị trường tài chính ở các khu vực khác trên thế giới cũng có màn trình diễn khá tốt.
Vào thời điểm Phố Wall hoạt động sôi nổi, thị trường tài chính ở các khu vực khác trên thế giới cũng có màn trình diễn khá tốt.

Theo giới quan sát, việc Phố Wall đạt được những mức cao kỷ lục mới vào tuần vừa qua có thể là tin mừng đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng sự “bùng nổ” của thị trường chứng khoán lại trái ngược hẳn với tình hình ảm đạm của nền kinh tế Mỹ, vốn đang lún sâu vào suy thoái vì tác động của đại dịch COVID-19.

Sự “lệch nhịp” giữa chứng khoán và nền kinh tế

Mới đây trên mạng xã hội Twitter, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đăng dòng trạng thái “Đây là sự trở lại tuyệt vời của người Mỹ!”, sau khi chỉ số chứng khoán S&P 500 tăng vọt lên mức cao lịch sử mới, còn chỉ số công nghệ NASDAQ liên tiếp xô đổ các kỷ lục trong những tuần gần đây.

Tuy nhiên, sự “lệch nhịp” giữa thị trường tài chính và nền kinh tế thực là quá rõ ràng, khi các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 đã lấy đi vô số việc làm và đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ rơi vào cuộc suy thoái chưa từng có. Tính riêng trong quý 2/2020, kinh tế Mỹ đã suy giảm tới 32,9% so với cùng kỳ năm trước.

Chuyên gia kinh tế Christopher Dembik của ngân hàng đầu tư Saxo Banque cho biết, đối với nhiều người, đà tăng rực rỡ của thị trường chứng khoán có vẻ "không hợp thời" khi đặt trong bối cảnh kinh tế hiện tại. Nhưng theo ông, đó là một "sự hiểu lầm" vì công việc của nhà đầu tư là đặt cược vào triển vọng kinh tế dài hạn.

Ngoài ra, với việc các chính phủ và ngân hàng trung ương hiện đang bơm một lượng tiền rất lớn vào hệ thống tài chính để ngăn chặn khủng hoảng, trong khi một số công ty thuộc nhóm chỉ số S&P 500 nâng cấp dự báo lợi nhuận cho năm 2020 thậm chí cả năm 2021, triển vọng có thể thực sự tốt hơn so với những gì mà các số liệu kinh tế hiện tại đưa ra.

Cổ phiếu công nghệ “bay cao”

Vào thời điểm khi làm việc tại nhà, hoạt động truyền phát video trực tuyến (online streaming) và mạng xã hội ngày càng trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống thường nhật, các công ty công nghệ hiện đang “tỏa sáng” trong lúc nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi từ cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19.

Ví dụ điển hình nhất có thể kể đến "quả táo cắn dở" Apple. Tập đoàn công nghệ này đã ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 11 tỷ USD trong quý vừa qua. Giá cổ phiếu của Apple cũng tăng gấp đôi kể từ tháng 3/2020 và đưa giá trị thị trường của tập đoàn lên ngưỡng hơn 2.000 tỷ USD, mức cao chưa từng thấy trên Phố Wall.

người đồng sáng lập công ty nghiên cứu thị trường DataTrek Research, chuyên gia Nicholas Colas lưu ý cổ phiếu của các công ty công nghệ chỉ chiếm 20% trong nhóm chỉ số S&P vào năm 2016. Nhưng kể từ đó tới nay, con số trên đã tăng lên hơn 30%. 

Chuyên gia phân tích Patrick O'Hare tại trang thông tin tài chính Briefing.com nhận định cổ phiếu công nghệ vẫn còn khả năng tăng cao hơn nữa. Theo ông O’Hare, thị trường chứng khoán vẫn tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không bao giờ để thị trường này rơi vào những kịch bản tồi tệ nhất. Bằng cách cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0 và triển khai các chương trình mua trái phiếu khổng lồ, các ngân hàng trung ương như Fed đang nỗ lực “che chở” cho hệ thống tài chính của họ.

Đặt cược vào các kênh đầu tư nhiều rủi ro hơn

Hồi tháng 3/2020, Quốc hội Mỹ đã thông qua một gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá 2.200 tỷ USD. Một gói hỗ trợ khác trị giá gần 500 tỷ USD được đưa ra vào một tháng sau đó, trong khi một gói kích thích nữa vẫn đang trong quá trình thảo luận. Điều này đang khuyến khích các nhà đầu tư đặt cược vào những tài sản rủi ro hơn để tìm kiếm lợi nhuận, với cổ phiếu là một món đầu tư hấp dẫn.

Vào thời điểm Phố Wall hoạt động sôi nổi, thị trường tài chính ở các khu vực khác trên thế giới cũng có màn trình diễn khá tốt. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản và chỉ số DAX của Đức cũng đang ở quanh mức cao nhất mọi thời đại - ngay cả khi nhà đầu tư tại đây không tỏ ra quá phấn chấn.

Cuối tháng 8/2020 thường là giai đoạn giao dịch khá chậm chạp và điều này đồng nghĩa giá cổ phiếu sẽ dao động mạnh dù chỉ có chút ít tin tức. Nhưng một nghiên cứu của Fed mới đây cho thấy chỉ hơn một nửa số người dân Mỹ có sở hữu cổ phiếu, do đó vẫn cần theo dõi xem liệu sự hưng phấn hiện tại ở Phố Wall có kéo dài đến tháng 11 và xoay chuyển cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho Tổng thống Trump hay không.