Mỹ tiến gần hơn đến việc bắt buộc hơn 200 doanh nghiệp Trung Quốc hủy niêm yết cổ phiếu sàn Mỹ

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Động thái chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực đến những nhà đầu tư đã rót tiền vào cổ phiếu của hơn 200 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn hóa thị trường ước tính khoảng 2 nghìn tỷ USD.

Ảnh: GettyImages
Ảnh: GettyImages

Các cơ quan quản lý ngành chứng khoán Mỹ đã bắt đầu tiến gần hơn đến việc buộc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải rời khỏi các sàn chứng khoán Mỹ sau khi Washington và Bắc Kinh ngày một mâu thuẫn nhiều hơn về cách tiếp cận với các hồ sơ kiểm toán của doanh nghiệp.

Theo Wall Street Journal, động thái trên nếu xảy ra sẽ chỉ khiến cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên tách rời hơn với nhau, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến những nhà đầu tư đã rót tiền vào cổ phiếu của hơn 200 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn hóa thị trường ước tính khoảng 2 nghìn tỷ USD.

Cuối năm 2020, Tổng thống Donald Trump khi còn đương nhiệm đã ký thông qua luật cấm doanh nghiệp nước ngoài niêm yết cổ phiếu tại Mỹ nếu hồ sơ kiểm toán 3 năm gần nhất của doanh nghiệp đó không được cơ quan quản lý Mỹ xem xét kỹ lưỡng.

Việc thông qua luật yêu cầu trách nhiệm giải trình với doanh nghiệp nước ngoài (HFCAA) sau gần 1 thập kỷ thất bại cho thấy giới chức quản lý Mỹ và Trung Quốc đã không thể trung hòa được những kỳ vọng khác biệt liên quan đến việc hoạt động kiểm toán sẽ được tiến hành như thế nào.

Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) hiện đang lên kế hoạch chi tiết về việc liệu luật sẽ được thực thi như thế nào cũng như đang chốt về các quy định liên quan cuối cùng. Chủ tịch SEC, ông Gary Gensler, khẳng định thời điểm yêu cầu hủy niêm yết bắt buộc đang đến gần hơn.

SEC cho rằng giới chức Mỹ sẽ bắt buộc doanh nghiệp Trung Quốc hủy niêm yết từ năm 2022 nếu họ không thể nộp ra sổ sách kế toán cho các kiểm toán viên Mỹ, theo nguồn tin gần gũi với các nhà quản lý.

Từ khi tập đoàn Alibaba niêm yết bổ sung cổ phiếu trên sàn Hồng Kông vào cuối năm 2019, đã có thêm 15 doanh nghiệp Trung Quốc khác niêm yết cổ phiếu song song trên sàn Mỹ và sàn Hồng Kông, nơi vốn được coi như trung tâm tài chính châu Á, theo số liệu của sàn chứng khoán Hồng Kông.

Đã nhiều năm nay, cơ quan quản lý Mỹ không ngừng phàn nàn rằng họ không bao giờ có được sự minh bạch cần thiết liên quan đến việc kiểm toán các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn Mỹ bởi phía Trung Quốc không thường xuyên nộp giấy tờ sổ sách cần thiết.

Phía Trung Quốc trong nhiều lần lại cho biết họ phản đối việc chính trị hóa các quy định chứng khoán vầ rằng họ muốn hướng đến đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp.

Trong nhóm các doanh nghiệp Mỹ niêm yết trên sàn Trung Quốc, phần đông trong đó là những doanh nghiệp công nghệ vốn sở hữu rất nhiều dữ liệu. Các hồ sơ mà phía Mỹ yêu cầu được kiểm toán có thể bao gồm nhiều dữ liệu thô ví như lịch sử cá cuộc họp, thông tin người dùng, trao đổi email giữa doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ cũng như nhiều thông tin khác.

Tại Mỹ, hoạt động kiểm tra được thực hiện bởi Ban giám sát kế toán các công ty đại chúng trực thuộc SEC.

Phía Trung Quốc khẳng định rằng việc để một chính phủ nước ngoài tiếp cận với các dư liệu như vậy sẽ gây tổn hại đến an ninh nhà nước. Vào đầu năm nay, giới chức Trung Quốc đã muốn công ty sở hữu ứng dụng gọi xe Didi Global trì hoãn việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ cho đến khi giới chức hai nước có thể giải quyết được vấn đề giấy tờ.