Ngân hàng trung ương các nước và “bài toán hóc búa” thời kỳ hậu đại dịch COVID-19

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

NHTW đang phải chật vật điều chỉnh nền kinh tế khỏi các biện pháp kích thích chưa từng có tiền lệ bao gồm lãi suất thấp kỷ lục, các chương trình mua trái phiếu được triển khai nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế.

Ảnh: WSJ
Ảnh: WSJ

Việc kinh tế toàn cầu hồi phục trở lại sau khoảng thời gian suy giảm mạnh vào năm ngoái đang diễn biến dần đến giai đoạn quan trọng khi mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế và các nhà điều hành doanh nghiệp chật vật với quá trình dịch chuyển từ việc mở cửa thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 sang khoảng thời gian có tốc độ tăng trưởng bình thường hơn.

Theo Wall Street Journal, ngân hàng trung ương tại Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới đang cố gắng tính đến cách điều chỉnh chính sách để giúp hạn chế lạm phát tuy nhiên không gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Họ đang phải chật vật điều chỉnh nền kinh tế khỏi các biện pháp kích thích chưa từng có tiền lệ bao gồm lãi suất thấp kỷ lục, các chương trình mua trái phiếu được triển khai nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế.

Việc tiêu dùng của người Mỹ tăng mạnh trong năm vừa qua, nhờ vào hàng nghìn tỷ USD kích cầu, đã gây ra nhiều ảnh hưởng lên chuỗi cung ứng khắp toàn cầu. Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng hiện đang ngày một tệ hơn và nhiều khả năng sẽ kéo dài sang năm 2022.
Kết quả, giá cả tăng cao và cuộc chạy đua giành nguồn cung hàng hóa nguyên liệu cũng như lao động đang gây ra nhiều áp lực lên các doanh nghiệp, đồng thời gây tổn hại đến nhiều nền kinh tế như Đức.

Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực cải tổ kinh tế nước này, cụ thể, Trung Quốc cố gắng hạn chế nợ của các hộ gia đình và nợ doanh nghiệp, đặc biệt cải tổ hệ thống nhà đất ở nước này, hạn chế ngành công nghệ phát triển quá nóng cũng như theo đuổi nhiều mục tiêu khí hậu – tất cả các tham vọng này sẽ có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và nhiều nơi khác.
Kết quả, quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu, dù vẫn mạnh nhưng đang ở giai đoạn quan trọng, khả năng sai lầm chính sách hoàn toàn có thể xảy ra.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics ở London, ông Neil Shearing, nhận xét: “Đây thực sự là giai đoạn khó của quá trình phục hồi kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách cần phải tính toán được điều gì vĩnh viễn và điều gì trong ngắn hạn”.

Nếu các ngân hàng trung ương hành động quá chậm chạp, lạm phát có thể sẽ tiếp tục tăng, giá cả tăng cao và mức lương cao ảnh hưởng lẫn nhau. Tuy nhiên nếu lãi suất được điều chỉnh tăng quá nhanh, điều này sẽ tác động đến quá trình phục hồi kinh tế và đồng thời khiến cho mọi chuyện khó khăn hơn bởi nợ tại nhiều nước hiện đã ở mức quá cao.

“Thực tế quá khó để dự đoán và không hề dễ đưa ra chính sách”, chủ tịch Fed Jerome Powell nói với phóng viên vào ngày thứ Tư sau khi công bố kế hoạch thu hẹp chương trình mua trái phiếu quy mô 120 tỷ USD/tháng.

“Lạm phát đã tăng cao hơn kỳ vọng, các điểm nghẽn tồn tại dai dẳng hơn. Có thể thấy chúng ta sẽ phải chuẩn bị cho khả năng lạm phát sẽ vẫn cao ngay cả sang năm sau”, ông nói thêm.
Vào ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Anh đã quyết định không nâng lãi suất cơ bản đồng USD, quyết định này không khỏi khiến cho giới chuyên gia và các thành viên thị trường “sốc”. Trong cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Séc đã nâng lãi suất lên mức cao hơn kỳ vọng, lên 2,75% từ mức 1,5% trước đó.

Oxford Economics mới đây đã tiến hành phỏng vấn hàng loạt doanh nghiệp lớn, kết quả cho thấy chỉ khoảng 20% doanh nghiệp dự báo rằng thời kỳ tệ hại nhất của chuỗi cung ứng đã qua đi. Khoảng 30% người trả lời nói rằng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ vẫn kéo dài đến cuối năm sau hoặc sau đó nữa.