Ngành thép Hàn Quốc chuẩn bị đối phó với thuế carbon của EU

Theo Kim Ngân/nhdautu.vn/The Korea Times

Thuế carbon của EU, dự kiến áp lên hàng nhập khẩu vào khối này từ năm 2023, được dự báo sẽ gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp thép và hóa dầu của Hàn Quốc.

 Các cuộn thép tấm của POSCO ở nhà máy thép Gwangyang, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap
Các cuộn thép tấm của POSCO ở nhà máy thép Gwangyang, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Chính phủ Hàn Quốc hiện đang gấp rút tìm kiếm các biện pháp đối phó với loại thuế này.

Thuế carbon nhằm tăng thuế đối với hàng nhập khẩu vào EU dựa trên mức độ phát thải carbon, giúp giảm lượng phát thải và tác động đối với biến đổi khí hậu.

Đây sẽ là loạt thuế lần đầu tiên được áp dụng trên thế giới đối với hàng hóa thương mại. Mức thuế cao sẽ được áp dụng đối với thép, ngành có phát thải lớn so với các ngành khác.

Quá trình sản xuất thép - nung quặng sắt với carbon - tạo ra carbon dioxide, một sản phẩm phụ. Sản xuất một tấn thép phát thải gần hai tấn carbon dioxide.

“Thuế carbon của EU sẽ ảnh hưởng đến tất cả các ngành công nghiệp Hàn Quốc có phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, ngành thép sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cần có một chiến lược quốc gia, và ngành cũng như Chính phủ cần hợp tác để giảm thiểu tác động tiêu cực từ loại thuế này”, một quan chức cấp cao trong ngành nói.

Hôm Chủ nhật, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc khởi xướng một nghiên cứu về tác động của thuế carbon đối với ngành thép trong nước, trong khi đưa ra chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bộ này cho biết: “Thuế carbon sẽ thiết lập các rào cản thương mại mới, có tác động mạnh đến toàn ngành công nghiệp vì đất nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu”.

“Nếu chúng ta không chuẩn bị trước, khả năng cạnh tranh của thép xuất khẩu sẽ giảm đáng kể do bản chất của ngành này là phát thải nhiều”.Chính phủ có kế hoạch sử dụng kết quả nghiên cứu tại nhiều diễn đàn, bao gồm cuộc họp sắp tới của Ủy ban thép OECD, Diễn đàn toàn cầu về công suất dư thừa thép (GFSEC) vào tháng 9, cuộc họp thượng đỉnh G20 vào tháng 10, và các kênh khác nhau của EU và Mỹ để truyền tải tốt hơn lập trường của Hàn Quốc về vấn đề này.

Thuế carbon sẽ được áp dụng đối với các sản phẩm thép phát thải nhiều hơn so với các sản phẩm được sản xuất tại các nước thành viên EU.

EU có kế hoạch công bố dự thảo luật ngày 14 tháng 7, đồng thời áp dụng thuế theo từng giai đoạn, bắt đầu từ năm 2023, đối với các sản phẩm có lượng phát thải cao, trong đó có thép, nhôm và xi măng.

“Chúng tôi sẽ phân tích dự thảo luật và xem xét tác động đối với ngành thép. Sau đó, sẽ đưa ra quan điểm về vấn đề này và các biện pháp đối phó cho các ngành bị ảnh hưởng”, Bộ Thương mại tuyên bố.

Chính phủ Hàn Quốc đã công bố tầm nhìn đạt được mức trung hòa carbon năm 2050 và tìm cách lập kế hoạch hành động để thực hiện tốt hơn mục tiêu này.

POSCO, tập đoàn chiếm 70% lượng khí thải carbon của ngành thép Hàn Quốc, là doanh nghiệp thép đầu tiên ở châu Á cam kết đạt mức trung hòa carbon năm 2050.

Tập đoàn thép hàng đầu này của Hàn Quốc có kế hoạch cắt giảm 20% lượng khí thải carbon vào năm 2030 và 50% vào năm 2040 nhờ sản xuất thép với nhiên liệu hydro.

POSCO cũng đặt mục tiêu phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường, bao gồm thép cường độ cao và thép điện hiệu quả cao.

Kim Hak-dong, người đứng đầu bộ phận kinh doanh thép của POSCO, cho biết tại một sự kiện gần đây: “Các biện pháp trung hòa carbon tạo ra một mô hình mới trong ngành. Uớc khoảng 68,5 nghìn tỷ won (59,6 tỷ USD) sẽ được chi cho mục tiêu trung hòa carbon và các nỗ lực thân thiện với môi trường khác”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ khả năng đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của Hàn Quốc.

“Các doanh nghiệp trong nước đã công bố các biện pháp để đạt được trung hòa carbon đầu tiên mà chưa có phương tiện để thực hiện, nhằm làm hài lòng chính phủ. Tuy nhiên, mục tiêu trung hòa carbon trong khung thời gian đó gần như không khả thi,” một nguồn tin trong ngành nói.

“Không chỉ các công ty, chính phủ và các nhà lập pháp cũng cần tham gia thực hiện mục tiêu này. Họ cần hợp tác để thông qua các luật mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nỗ lực này, để họ có cơ hội đạt được mục tiêu vào năm 2050”.