Bài học từ một chính sách sai lầm

Hải An

(Tài chính) Năm 2011, chính sách trợ giá lúa gạo phần nào đã giúp bà Yingluck thu hút sự ủng hộ của các cử tri thuộc các vùng nông thôn nghèo của Thái Lan, qua đó giành được chiếc ghế Thủ tướng. Tuy nhiên, 2 năm sau đó, chương trình này đã gây ra những hậu quả đáng tiếc, góp phần để đưa bà Yingluck cùng đảng Puea Thai (Vì nước Thái) đi xuống.

Nông dân Thái lái máy cày đi đòi nợ Chính phủ. Nguồn: Internet
Nông dân Thái lái máy cày đi đòi nợ Chính phủ. Nguồn: Internet

Quyết sách không đúng thời điểm

Hơn 2 năm trước, Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra khởi động chương trình hỗ trợ thu nhập cho khu vực nông thôn bằng cách thua mua thóc gạo từ nông dân với giá 18.000 Baht, tương đương 550 USD/tấn, cao hơn 50% so với giá thị trường.

Bà Yingluck cùng các cố vấn của bà tính toán rằng, bằng cách tích trữ gạo, sự thiếu hụt nguồn cung bất ngờ từ nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này sẽ đẩy giá gạo tăng đột biến trên toàn cầu, sau đó, nước này bán ra với mức giá cao hơn bình thường, nông dân và Chính phủ Thái Lan hưởng lợi, chỉ có người tiêu dùng thế giới bị thiệt.

Công bằng mà nói, đây là một chương trình có ý đồ tốt vì nó sẽ làm thay đổi cơ bản mức sống của người nông dân. Tuy nhiên, việc tính toán thời điểm áp dụng chính sách trợ giá lúa gạo của Thái Lan lại là một sai lầm lớn.

Năm 2008 (khủng hoảng lương thực) khi một số nước như Việt Nam và Ấn Độ lo ngại về tình trạng giá lương thực trong nước tăng và tạm thời hạn chế xuất khẩu gạo, giá gạo toàn cầu đã tăng vọt từ mức 300 USD/tấn lên 1.200 USD/tấn. Nếu chính sách thu mua gạo được Thái Lan áp dụng thời gian này thì có thể đã có kết quả tốt.

Tuy nhiên, năm 2011, ngay khi Thái Lan bắt đầu găm hàng lúa gạo, Ấn Độ nối lại xuất khẩu mặt hàng này sau một thời gian dài tạm ngưng. Các nước nhập khẩu gạo lớn như Philippines do lo ngại về biến động giá gạo đã bắt đầu sản xuất nhiều gạo hơn. Kết quả là, giá gạo thế giới lại giảm từ mức đỉnh cao năm 2008 xuống ngưỡng hiện nay vào khoảng 390 USD/tấn.

 “Ôm” một kho gạo tạm trữ khổng lồ, Chính phủ Thái Lan không thể bán được với mức giá nào gần sát với mức giá mua vào. Đây là điều Chính phủ Thái Lan đã không tính trước được và các chuyên gia cho rằng chương trình trợ giá lúa gạo là một “triệu chứng” cho thấy sự bất cẩn trong chính sách lấy lòng dân của nhà Shinawatra.

Lợi bất cập hại

Tờ Time phân tích, đứng về mặt thu phục lòng dân và giành phiếu cử tri, chương trình này khá hữu hiệu. Tuy nhiên, thực tế Chính phủ Thái Lan không lường được đúng mức chi phí thực hiện, khoản thua lỗ rất lớn. Theo số liệu tính toán sơ bộ từ các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, mỗi kg gạo được thu mua với giá 32,32 baht, trong khi chỉ bán được với giá trung bình 10,20 baht/kg. Điều này có nghĩa cứ mỗi kg gạo trong chương trình trợ giá được bán ra, Thái Lan sẽ lỗ 22,12 baht. Với số liệu này, các nhà xuất khẩu cho rằng số tiền lỗ cho chương trình trợ giá sẽ vào khoảng 500 - 700 tỷ baht trong cả nhiệm kỳ của chính phủ. Còn theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì kể từ khi Chính phủ Yingluck thực thi chính sách thu mua gạo vào năm 2011 đến nay, tổng cộng đã gây tổn thất 4,46  tỷ USD cho Thái Lan.

Bên cạnh đó, các nhà phê bình cho rằng chương trình trợ giá gạo đã dung túng cho những vụ tham nhũng khổng lồ, làm kiệt quệ ngân sách, khiến lượng gạo tồn kho lên tới 18 triệu tấn trong khi chất lượng gạo dự trữ ngày càng xấu đi, giá trị tính ra giảm bớt 20% mỗi năm và khiến Thái Lan mất vị thế quốc gia xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới.

Quan chức Bộ Tài chính Thái Lan đặc trách kế toán của chương trình trợ giá gạo cũng đã công nhận rằng kế hoạch bị tham nhũng đục khoét một cách dễ dàng ở mọi khâu, trong đó có việc những người trung gian nhập gạo với giá thấp từ Campuchia, rồi bán lại cho Chính phủ Thái Lan với giá rất cao. Danh sách nông dân tham gia chương trình trợ giá lại do những người trung gian nói trên (phần đông là người Thái gốc Hoa) lập ra, vì thế rất dễ bị thao túng.

Bên cạnh đó, nông dân thực sự nghèo khó ở Thái Lan lại không được tham gia vào chương trình trợ giá gạo vì điều kiện được hưởng chế độ trợ giá là phải canh tác một diện tích lớn. Hệ quả là các khoản chi phí lớn cho chương trình trợ giá lại góp phần giúp giới nông dân khá giả sở hữu nhiều ruộng đất.

Mặt khác, chính sách của bà Yingluck đã khiến nhiều ngôi làng của Thái Lan bất ngờ được “bơm” đầy tiền mặt. Tin vào sự hỗ trợ của Chính phủ, người nông dân nước này mạnh tay mua sắm, thậm chí là vay nợ để mua sắm và hy vọng sẽ có tiền bán lúa gạo giá cao để trả sau. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, nợ của các hộ gia đình nước này vì thế đã vượt ngưỡng cao nguy hiểm là 80% GDP.

Người dân tự tin vay tiền vì có vẻ chương trình của Chính phủ Thái sẽ đem đến thu nhập đều đặn, tuy nhiên, thực tế không như những gì họ nghĩ. Thực tế, từ 6 tháng trước, chính quyền Thái Lan đã cho cắt giảm giá thu mua để giảm áp cho ngân sách. Song người nông dân vẫn yên trí rằng họ sẽ nhận được tiền cho sản phẩm của họ nhưng tiền đã không đến, các khoản thanh toán bị trì hoãn đẩy hơn 1 triệu nông dân vào cảnh khốn quẫn.

Thực trạng này đã khiến nông dân các tỉnh xuống đường biểu tình phản đối Chính phủ của bà Yingluck. Nhiều nông dân Thái Lan thậm chí đang đòi lại gạo đã bán cho Chính phủ để có thể bán trên thị trường tự do và nhận tiền ngay. Một số khác chặn đường đòi tiền Chính phủ.

Khủng hoảng chính trị nổ ra đã khiến chính quyền Thủ tướng Yingluck không thể vay tiền từ ngân hàng hay bán trái phiếu để có tiền trả nợ cho người nông dân. Chương trình trợ giá lúa gạo của Thái Lan đã lâm vào tình trạng cạn tiền. Ngày 11/2/2014, Chính phủ Thái Lan đã phải tuyên bố sẽ kết thúc chương trình trợ giá lúa gạo gây tranh cãi của nước này

Trong khi đó, Cơ quan chống tham nhũng của Thái Lan hiện đang thức đẩy một cuộc điều tra trong đó bà Yingluck có thể bị buộc tội phớt lờ mức độ thua lỗ mà chương trình trợ giá lúa gạo gây ra. Khi đó, bà có thể xét xử ở Thượng viện Thái Lan, thậm chí là bị cách chức Thủ tướng.

Những ảnh hưởng đối với thị trường gạo thế giới

Trong 2 năm qua, thị trường gạo thế giới đã phải chứng kiến sự cạnh tranh hết sức quyết liệt do tình trạng dư cung toàn cầu. Ấn Độ và Việt Nam với mức giá gạo thấp hơn đã tận dụng cơ hội này để cạnh tranh với Thái Lan. Kết quả là Thái Lan đã mất vị trí xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới vào Ấn Độ.

Năm 2013, giá gạo trắng 5% tấm mới thu hoạch của Thái Lan đã sụt giảm 23%. Năm 2014, giá gạo thế giới sẽ tiếp tục bị chi phối bởi giá gạo của Thái Lan. Giá gạo thế giới được cho là sẽ tiếp tục giảm do Thái Lan buộc phải bán tháo số gạo tồn kho mà Chính phủ nước này đã mua theo chương trình trợ giá lúa gạo để giải phóng kho chứa và trả tiền cho nông dân.

Ngày 5/2, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) Chareon Laothamatas dự báo sẽ mất khoảng 5 năm để nước này bán hết được số gạo tồn trong kho dự trữ quốc gia và rất có thể giá gạo sẽ sụt giảm khi có thêm gạo tồn kho được bán ra.

Với những diễn tiến ở Thái Lan, cùng với nạn buôn lậu gạo hoành hành ở Philippines, có thể thấy, ở Đông Nam Á, gạo không chỉ đơn thuần là một thực phẩm thiết yếu, mà còn là mặt hàng chính trị quan trọng có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử và sự ổn định của cả quốc gia.

Đối với Việt Nam

Năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu 6,68 triệu tấn gạo, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Năm 2014, Việt Nam có thể xuất khẩu từ 6,5-7 triệu tấn.

Các chuyên gia dự báo lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và châu Phi sẽ giảm trong năm nay do sự cạnh tranh từ Thái Lan cũng như Ấn Độ và Pakistan đều tăng trong lúc thị trường gạo toàn cầu đang rơi vào tình trạng dư cung.

Lượng gạo xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc có thể sẽ giảm 9,1% xuống còn 2 triệu tấn trong năm nay. Xuất khẩu tiểu ngạch cũng sẽ giảm xuống còn 1,1 triệu tấn so với con số ước từ 1,4-1,5 triệu tấn trong năm ngoái.

Để đối phó với sự cạnh tranh quyết liệt đó, Ông Trương Thanh Phong Chủ tịch VFA cho biết: “Chúng tôi sẽ nỗ lực xúc tiến thương mại tại Trung Quốc bởi đó là khách hàng lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, chắc chắn Trung Quốc sẽ yêu cầu chúng tôi phải giảm giá do những áp lực từ việc bán gạo của Thái Lan”.