BIS: Kinh tế lạc quan nhưng rủi ro cũng tăng cao

Theo thoibaonganhang.vn

17/9 vừa qua, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) công bố báo cáo đánh giá hàng quý với nhận định, lạm phát thấp đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng làm gia tăng rủi ro, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương (NHTW) lại trở thành tâm điểm trên thị trường tài chính toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Báo cáo cho biết, cuối tháng 6/2017, các thành viên tham gia thị trường đã diễn giải ý kiến phát biểu của Chủ tịch NHTW châu Âu (ECB) và Thống đốc NHTW Vương quốc Anh (BoE) về khả năng bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ tại một số nước phát triển hàng đầu hơn là tại Mỹ. Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài tăng nhanh, nhưng sau đó giảm trở lại do lạm phát yếu ớt và các NHTW chưa thể tăng lãi suất, nhất là tại Mỹ.

Những tin tức tốt lành về triển vọng kinh tế vĩ mô và kỳ vọng về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lùi thời điểm tăng lãi suất đã hỗ trợ các thị trường toàn cầu, thị trường chứng khoán tại Mỹ tăng kỷ lục trong tháng 8/2017, kéo theo xu hướng tăng giá cổ phiếu tại các nước mới nổi, tăng trưởng tín dụng dành cho khu vực doanh nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2008.

Giá cả các loại tài sản chủ chốt, nhất là trái phiếu Chính phủ chỉ biến động ở mức thấp. Trong đó, giá cả trái phiếu kho bạc Mỹ ghi nhận mức độ chao đảo thấp nhất trong lịch sử. Giữa tháng 8/2017, giá cổ phiếu biến động mạnh do rủi ro chính trị tăng cao tại Mỹ và căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng ổn định trở lại từ đầu tháng 9/2017.

Những thay đổi về triển vọng chính sách tiền tệ trong tương lai và bất định chính sách tại Mỹ đã làm gia tăng nỗi thất vọng về nền kinh tế Mỹ, giá USD giảm sâu. Trái với bức tranh ảm đạm về nền kinh tế Mỹ, tình hình kinh tế vĩ mô tại các nước mới nổi chủ chốt tiến triển lạc quan hơn so với kỳ vọng.

Đáng chú ý, USD ghi nhận mức giảm giá sâu nhất so với Euro, do triển vọng kinh tế lạc quan và những dấu hiệu tích cực về tiền tệ tại khu vực đồng euro. Tuy nhiên, giá tài sản ổn định hơn và USD giảm giá đã hỗ trợ hình thành xu hướng phát triển mới với nhiều rủi ro, khi các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào các nước mới nổi nhằm trục lợi lãi suất. Đòn bẩy đầu tư tăng cao, bất chấp những cảnh báo về nguy cơ giá cổ phiếu sẽ tăng bong bóng như đã xảy ra trong lịch sử.

Báo cáo nêu rõ, lợi suất trái phiếu dài hạn gia tăng trên toàn cầu do kỳ vọng về khả năng chấm dứt thời kỳ nới lỏng tiền tệ tại các nền kinh tế phát triển chủ chốt hơn là tại Mỹ. Tuy nhiên, đà tăng này đã bị kìm hãm sau những thông báo tiếp theo của các NHTW và lạm phát tăng thấp.

Thị trường lao động thắt chặt, nhưng áp lực tăng lương vẫn trầm lắng, chủ yếu do lạm phát cơ bản trong tháng 7/2017 tại Mỹ và tại khu vực đồng euro chỉ lần lượt tăng 1,7% và 1,3%. Xu hướng lạm phát thấp sẽ tiếp tục kéo dài, nhất là tại Mỹ, khi triển vọng về kế hoạch mở rộng tài khóa phai nhạt dần.

Tại Nhật Bản, lạm phát tiếp tục ở mức gần bằng 0%, và những kỳ vọng lạm phát sau ngày 20/7/2017 thay đổi rất ít, khi NHTW Nhật Bản (BoJ) tuyên bố lùi thời hạn có thể đạt được mức lạm phát như mục tiêu đề ra. Sau khi tăng cao vào tháng 11/2016, lợi suất trái phiếu tại Mỹ có dấu hiệu suy giảm dần.

Bất chấp lạm phát trầm lắng tại các nước phát triển, tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu có triển vọng tích cực, nhưng rất khiêm tốn (không tăng nóng, nhưng cũng không nguội lạnh). Chỉ số quản lý sức mua (PMI) - một chỉ tiêu dẫn dắt các hoạt động kinh tế, phát tín hiệu cho thấy, kinh tế các nước phát triển tiếp tục mở rộng. Tại Nhật Bản, lợi nhuận cận biên tăng nhanh, GDP quý II/2017 tăng tới 4,0% - mức tăng cao nhất trong hai năm qua, vượt xa kỳ vọng (nhờ lợi nhuận cận biên mở rộng).

Khu vực đồng euro cũng có triển vọng kinh tế tích cực, chỉ số PMI trong công nghiệp chế tạo tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011, niềm tin kinh tế thậm chí đã tăng trở lại mức trước khủng hoảng. Lợi nhuận cận biên của các doanh nghiệp châu Âu cũng tăng vững, mặc dù vẫn thấp hơn tại Mỹ và tại các nước mới nổi. Triển vọng tích cực này cũng nhận được sự đóng góp của khu vực ngân hàng, bảng cân đối kế toán cải thiện một bước, bất định chính sách giảm dần sau các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội tại Pháp.

Nối tiếp những sự kiện trên đây, tình hình ổn định hơn có vẻ đã hỗ trợ nâng triển vọng về những ngân hàng khác tại châu Âu. Vài ngày sau tuyên bố mua lại và sáp nhập Ngân hàng Đại chúng (Banco Popular) vào Ngân hàng Santander, cổ phiếu của các ngân hàng Tây Ban Nha ghi nhận mức tăng giá nhẹ.

Tại Italia, cổ phiếu ngân hàng tăng giá đáng kể sau khi thanh lý Ngân hàng Veneto và Ngân hàng PVI. Tính chung trong thời gian từ đầu tháng 6/2017 đến cuối tháng 7/2017, chỉ số chứng khoán FTSE của các ngân hàng Italia tăng khoảng 10%, gấp đôi kết quả tăng gần 5% của chỉ số chứng khoán STOXX Europe về 600 ngân hàng châu Âu.

Tại Mỹ, dữ liệu kinh tế vĩ mô bền vững, nhưng GDP tăng thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường. Trong tháng 7/2017, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2001. Điều này cho thấy, lợi nhuận cận biên tăng cao hơn kỳ vọng đã hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Các nhà đầu tư cũng không khỏi ngạc nhiên về những thông tin vĩ mô từ các nước mới nổi, lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng cao. Mặc dù không lạc quan như tại các nước phát triển, chỉ số PMI cho thấy hoạt động kinh tế mở rộng tại các nền kinh tế mới nổi hàng đầu.

Trong quý II/2017, GDP tại Trung Quốc tăng khoảng 7%, góp phần củng cố niềm tin của thị trường và đẩy lùi những lo ngại về nguy cơ bất ổn tài chính tại nền kinh tế này. Đáng chú ý, dòng vốn vào Trung Quốc có dấu hiệu tăng trở lại, dự trữ ngoại hối ổn định ở mức cao.

Cùng với dấu hiệu bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ tại Mỹ trong thời gian qua, các biện pháp kinh tế vĩ mô thận trọng tại nhiều nước mới nổi châu Á dường như đã góp phần kiềm chế tăng trưởng tín dụng tại những nền kinh tế này trong năm 2016. Tuy nhiên, giá cả tài sản vẫn ở mức cao, giá nhà đất tại Trung Quốc và khu vực Hồng Kông tiếp tục tăng cao.

Triển vọng tích cực về kinh tế toàn cầu và kỳ vọng Fed sẽ lùi thời điểm tăng lãi suất đã hỗ trợ các thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu tại Mỹ lập những kỷ lục mới trong tháng 8/2017, giá cổ phiếu tại các nước mới nổi cũng tăng tốc. Mặc dù giảm nhẹ trong những tháng gần đây, chỉ số chứng khoán tại châu Âu và Nhật Bản ghi nhận mức tăng điểm khá ấn tượng.

Tính từ đầu tháng 9/2016 đến nay, chỉ số chứng khoán tại hai thị trường này lần lượt tăng 11,0% và 14,0%. Từ giữa tháng 8/2017 đến nay, các sự kiện chính trị tại Mỹ và bán đảo Triều Tiên đã phần nào nhấn chìm tâm trạng lạc quan trên thị trường, nhưng chỉ gây tác động ngắn hạn.

Từ giữa tháng 6/2017 đến nay, USD mất giá khoảng 7% so với euro, đồng thời giảm nhẹ nhưng tương đối ổn định so với phần lớn các đồng bản tệ của các nước mới nổi. Với sự khác biệt triền miên về các mức lãi suất và USD mất giá, dòng vốn đầu tư vào các nước mới nổi có xu hướng tăng cao, chủ yếu là đầu tư ngắn hạn và nhằm mục tiêu trục lợi lãi suất, nổi bật là từ năm 2016 đến nay.

Trong khi điều kiện mở rộng tín dụng ngày càng khó khăn, bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp có vẻ xấu đi. Trong những năm qua, đòn bẩy của các doanh nghiệp phi tài chính tại Mỹ và VQ Anh có xu hướng giảm, nhưng tiếp tục tăng tại châu Âu.

Mặc dù lãi suất vay vốn ở mức thấp, nhưng nhu cầu giảm thấp, ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trang trải lãi vay, mặc dù mức lãi suất vay vốn có khi chỉ nhỉnh hơn 3,0% một chút. Những doanh nghiệp loại này được xếp vào nhóm doanh nghiệp “xác sống - zombie” với tốc độ tăng khá nhanh tại khu vực đồng tiền chung euro và VQ Anh, mức xếp hạng của các doanh nghiệp ghi nhận xu hướng thụt lùi. 

Trong giai đoạn 2000-2017, tỷ trọng các doanh nghiệp xếp vào hạng đáng đầu tư (hạng A và B) giảm tới 10% tại Mỹ, giảm 20% tại khu vực đồng euro, và giảm 30% tại VQ Anh. Đáng chú ý, tỷ trọng các doanh nghiệp hạng A trở lên giảm mạnh, trong khi tỷ trọng doanh nghiệp xếp hạng C tăng nhanh. Nói ngắn gọn, điều này cho thấy, trong bối cảnh lãi suất thấp và nợ nần vẫn ở mức cao đang tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp, có thể cản trở tăng trưởng GDP.