Các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách

Theo thoibaonganhang.vn

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang có xu hướng gia tăng, giá cả hàng hóa cũng đang trong đà tăng giá, và tăng trưởng tại các nền kinh tế đầu tàu đang cho thấy những tín hiệu phục hồi rõ nét, đã khiến định hướng điều hành chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế chủ chốt có những tín hiệu thắt chặt trở lại.

Từ đầu năm 2017 đến nay đã có 7 quốc gia trên thế giới tiến hành tăng lãi suất trước các áp lực về lạm phát và sự sụt giảm giá trị đồng nội tệ.. Nguồn: Internet
Từ đầu năm 2017 đến nay đã có 7 quốc gia trên thế giới tiến hành tăng lãi suất trước các áp lực về lạm phát và sự sụt giảm giá trị đồng nội tệ.. Nguồn: Internet

Tại Mỹ, sau lần tăng lãi suất gần đây nhất vào cuối năm 2016, Cục Dự trữ liên bang vẫn chưa có động thái điều chỉnh thêm mức lãi suất điều hành tuy nhiên cũng đã phát đi những tín hiệu về khả năng sẽ thắt chặt thêm chính sách trong những tháng tới.

Cụ thể, Fed đã phát đi tín hiệu sẽ nâng lãi suất 3 lần với mức tăng 25 điểm mỗi lần trong năm 2017 thay vì 2 lần như đã cống bố trong cuộc họp hồi tháng 9. Tốc độ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến này phần nào phản ánh kỳ vọng về những chính sách tài khoá nới lỏng mà ông Donald Trump sẽ thi hành và điều này có thể sẽ xảy ra vào cuộc họp tháng 3/2017 nếu Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật cắt giảm thuế tại thời điểm đó.

Trong khi đó, tại khu vực châu Âu, lạm phát đang gia tăng tiến gần đến mức mục tiêu 2% và sức ép lạm phát đến từ một số nước thành viên, đặc biệt là Đức đang khiến ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có sự cân nhắc lại định hướng điều hành chính sách tiền tệ. Mặc dù chủ tịch ECB vẫn cam kết sẽ không kết thúc sớm chương trình nới lỏng chính sách tiền tệ và vẫn gia hạn chương trình mua trái phiếu chính phủ từ tháng 3/2017 đến tháng 12/2017, tuy nhiên quy mô của chương trình này cũng đã cắt giảm từ mức 80 tỷ EUR xuống còn 60 tỷ EUR kể từ tháng 4 tới.

Ở khu vực châu Á, xu hướng thắt chặt chính sách được nhìn thấy rõ nhất tại Trung Quốc. Theo đó, NHTW Trung Quốc (PBoC) đã tiến hành điều chỉnh tăng các mức lãi suất cho vay ngắn hạn và lãi suất cho vay trung dài hạn.

Cụ thể, PBoC đã tăng lãi suất đối với các thỏa thuận bán và mua lại giấy tờ có giá (repo) đảo ngược thời hạn 7 ngày từ 2,25% lên 2,35%; lãi suất qua đêm đối với các khoản vay ngắn hạn thuộc cơ chế cho vay thường trực (SLF) từ 2,75% lên 3,1% và tăng lãi suất cho vay trung hạn (MLF) thêm 0,1% lên mức 2,95% đối với khoản vay 6 tháng và 3,1% đối với khoản vay 1 năm.

Động thái trên của PBoC nhằm mục đích chặn dòng vốn chảy ra và những rủi ro đối với hệ thống tài chính trong nước do tình trạng đầu tư ồ ạt dựa trên nguồn vốn vay trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, việc thắt chặt lãi suất cho thấy PBoC mong muốn kiểm soát mức độ linh hoạt của chính sách trong khi cố gắng giữ đà tăng trưởng kinh tế không giảm tốc trở lại.

Ngoài ra, theo thống kê của trang web centralbanknews.com từ đầu năm 2017 đến nay đã có 7 quốc gia trên thế giới tiến hành tăng lãi suất trước các áp lực về lạm phát và sự sụt giảm giá trị đồng nội tệ.

Mặc dù những động thái thắt chặt chính sách này mới chỉ là bước khởi đầu, chưa hình thành một xu hướng rõ ràng, do đó cũng khó có thể đánh giá được những tác động cụ thể đối với thị trường vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy những diễn biến trên thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu trong năm 2017 sẽ nhiều điểm khác biệt so với những năm trước đây.