Cân bằng được thị trường dầu mỏ?

Theo daibieunhandan.vn/Foreign Policy

Các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể sẽ tham gia kéo dài thỏa thuận giới hạn sản lượng khai thác dầu sau quý I/2018 nếu phù hợp. Thỏa thuận trên đã giảm khoảng 350 triệu thùng đưa ra thị trường, giúp giá dầu tăng lên 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo, Libya, Nigeria và Mỹ đang gia tăng sản xuất và đe dọa kế hoạch cân bằng thị trường này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bên ủng hộ

Ủy ban giám sát của OPEC+ (gồm các thành viên của OPEC, Nga và 10 quốc gia khác) tuyên bố sẵn sàng kéo dài thỏa thuận về giới hạn sản lượng khai thác vào quý II/2018 nếu điều này là cần thiết để cân bằng thị trường dầu mỏ thế giới.

Thỏa thuận về cắt giảm sản xuất 1,8 triệu thùng/ngày đạt được vào cuối năm 2016 và được gia hạn tới cuối quý I/2018. Trong cuộc họp mới nhất của ủy ban tại Saint-Peterburg, cả Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksandr Novak lẫn Bộ trưởng Năng lượng Ảrập Xêút Khalid al-Falih đều lên tiếng ủng hộ việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu.

Các quan chức hy vọng, chiều hướng giảm trữ lượng dầu sẽ tăng hơn nữa và điều đó sẽ ảnh hưởng tích cực, làm tăng nhu cầu và ổn định giá dầu trong quý III/2017. Theo ông Khalid, nhu cầu trong giai đoạn tháng 7-9 năm nay sẽ tăng lên khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, so với mức 1 triệu thùng/ngày trong quý I vừa qua.

Những quốc gia đóng góp chính vào khoản tăng nhu cầu đó là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Ông cũng thông báo rằng vào tháng 8/2017, Ảrập Xêút sẽ nghiêm túc cắt giảm sản lượng, xuất khẩu sẽ vào khoảng 6,6 triệu thùng, góp phần gia tăng nhu cầu để cải thiện tình hình.

Theo các Bộ trưởng Năng lượng Nga, Kuwait, Ảrập Xêút và lãnh đạo OPEC, các biện pháp được thông qua trước đây trong khuôn khổ thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác dầu khí đã cho thấy “những thành công đáng kể”.

Các bộ trưởng nhận định, mức độ thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng trước đó là khoảng 98%. Đồng thời, OPEC+ cũng hy vọng rằng trong quý III.2017 thị trường sẽ tiếp tục khởi sắc.

Phía Nga cho rằng nhờ có thỏa thuận của OPEC+ mà giá dầu trong nửa đầu năm 2017 đã tăng khoảng 1/3 so với nửa đầu năm 2016. Ông Novak cũng cho biết, một vài quốc gia đã thực hiện thỏa thuận nêu trên một cách đầy đủ và một số khác thậm chí còn cắt giảm sản lượng quá mức đề ra trong thỏa thuận.

Bên chống

Tuy nhiên, nỗ lực xây dựng sự cân bằng trên thị trường dầu mỏ cũng khá phức tạp do Libya, Nigeria đang tăng sản lượng khai thác. Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), so với tháng 10.2016, tổng sản lượng dầu của Libya và Nigeria trong tháng 6 vừa qua đã tăng lên khoảng 450.000 thùng/ngày.

Như vậy, theo IEA, sản lượng khai thác mà 2 quốc gia này đạt được lần lượt là 510.000 và 1,45 triệu thùng/ngày. Đây cũng là hai quốc gia được miễn thực thi quyết định cắt giảm sản lượng do những vấn đề liên quan địa chính trị.

IEA cũng nhận định, việc tăng sản lượng khai thác của các quốc gia này, từ bỏ thỏa thuận cắt giảm sản lượng do tình hình trong nước không ổn định, đã làm giảm hiệu quả các biện pháp của OPEC trong tháng 6.

Trong khi đó, đại diện của Nigeria tuyên bố, nước này sẵn sàng tham gia các thỏa thuận của OPEC+ sau khi ổn định mức khai thác mong muốn là 1,8 triệu thùng.  

Nhưng mối đe dọa chính đối với OPEC+ và thị trường dầu mỏ thế giới lại là Mỹ - quốc gia không phải là thành viên của thỏa thuận trên và đang ngày càng tăng cường sản xuất.

Theo Tổng Thư ký OPEC Mohammed Barkindo, không thể không quan tâm tới sự gia tăng khối lượng dầu khí đá phiến mà Mỹ bán ra thị trường trong nửa đầu năm 2017 và xu hướng đó sẽ còn tiếp tục tới cuối năm nay. Sự tăng trưởng trên kèm theo tình hình bất ổn chính trị đang nổi lên giữa các quốc gia vùng Vịnh có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với thị trường dầu mỏ.

Do khối lượng dầu khai thác của Mỹ mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ mức dự báo giá dầu thế giới năm 2017 và năm 2018 xuống khoảng 3 USD - tức là dầu Brent biển Bắc sẽ vào khoảng 51,9 USD và 52 USD/thùng.

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump đã đề xuất bán một nửa kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ để cân bằng ngân sách. Điều này cho thấy thị trường năng lượng toàn cầu đang nằm dưới sự thống trị ngày một tăng của Chính quyền Trump. Và cùng với các hoạt động khai thác của Libya, Nigeria, kế hoạch cân bằng thị trường của OPEC+ đang bị đe dọa.