Châu Âu tìm lại mình

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Nhanh, gọn và tập trung, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) dưới sự chủ trì của ban lãnh đạo mới là một sự đoạn tuyệt với quá khứ. Tân Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã thể hiện quan điểm cứng rắn khi khoanh vùng chương trình nghị sự, rút ngắn thời gian hội nghị sau khi tập trung vào tình đoàn kết và tính mục tiêu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong những năm gần đây, hiếm có hội nghị thượng đỉnh nào mà EU đạt được nhiều đồng thuận như tại hội nghị vừa qua. Lãnh đạo 28 nước thành viên đã nhất trí về nhiều vấn đề lớn như đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và thảo luận về tình hình Ukraine.

Các nước đã thông qua Kế hoạch đầu tư vì châu Âu, ủng hộ thành lập Quỹ Đầu tư chiến lược châu Âu  trị giá 315 tỷ euro (387 tỷ USD) để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế trong EU vốn đang ở mức gần 0%.

Ngoài ra, hội nghị cũng đã nhất trí thúc đẩy việc ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ mang tên Hiệp định Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương vào cuối năm 2015.

Phần còn lại của hội nghị là về cuộc khủng hoảng tại Ukraine và quan hệ với Nga. Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo EU đã đạt thống nhất trong việc kêu gọi Tổng thống Nga Vladimia Putin thay đổi mạnh mẽ lập trường đối với vấn đề Ukraine. Chủ tịch EC Donald Tusk cho rằng EU cần một chiến lược lâu dài đối với Nga.

Ông nhấn mạnh: “Cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine và tình hình phức tạp hiện nay giữa Nga và Ukraine, cũng như các nước láng giềng phía Đông châu Âu, đòi hỏi một kế sách đối ứng tính bằng năm thay vì chỉ vài tuần hay vài tháng”. EU cũng thống nhất sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Ukraine trong khuôn khổ ngân sách của khối.

Giới phân tích quốc tế đánh giá với một hội nghị gọn gàng và hiệu quả như vậy, ban lãnh đạo mới, đặc biệt là Chủ tịch Tusk đã cho thấy một phong cách làm việc mới, thể hiện quyết tâm khôi phục sự đoàn kết và tự tin trong nội bộ châu Âu vốn khá chia rẽ trong những năm gần đây. Điều này là khá dễ hiểu khi ban lãnh đạo mới của châu Âu nhậm chức với ba nhiệm vụ khó khăn. Đó là cuộc xung đột tại Ukraine, vị trí của Anh trong thành phần EU và khởi động kinh tế châu Âu vốn chưa hồi phục sau cuộc khủng hoảng. Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhà lãnh đạo quyền lực nhất EU và được coi là người bảo trợ của ông Tusk, đã đánh giá cao hội nghị đầu tiên của Chủ tịch EC.

Ngay trong tháng đầu tiên nhậm chức, ông Tusk đã không che giấu ý định trở thành một nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của châu Âu, dẫn dắt một chương trình nghị sự Đại Tây Dương về tự do hóa thương mại với Mỹ, thúc đẩy quan hệ đối tác với NATO, có lập trường cứng rắn với Nga và hợp tác thận trọng với Trung Quốc.

Hoàn toàn khác biệt với phong cách mờ nhạt và có phần dĩ hòa vi quý của người tiền nhiệm Herman Van Rompuy, Chủ tịch Tusk thẳng thừng bộc lộ ý định duy trì các lệnh trừng phạt kinh tế Nga mà ông gọi là “rắc rối chiến lược của châu Âu”. Theo ông, những người châu Âu cần phải lấy lại sự tự tin và ý thức được sức mạnh của mình. 

Giới chức châu Âu đã đánh giá cao sự quyết đoán của tân Chủ tịch Tusk trong mục tiêu đưa EC trở lại vai trò ban đầu là định hướng chiến lược hành động của EU trong các vấn đề quan trọng, thay vì chỉ là đưa ra một danh sách các vấn đề cần giải quyết. Một quan chức EU đã so sánh sự khác biệt giữa ông Van Rompuy và Tusk với hình ảnh “một trường học già nua đối đầu với một trường kinh doanh đầy năng động”.

Chính khách này đã xóa lằn ranh giữa những nước diều hâu - muốn duy trì hoặc gia tăng các lệnh trừng phạt  Nga - với những nước bồ câu - như Pháp và Italy. Chủ tịch Tusk cũng tỏ ra khá thận trọng với các sáng kiến khuyến khích đầu tư vào nền kinh tế già nua của châu Âu theo đề xuất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, khi nói rằng “không có viên đạn bạc” nhưng là bước đầu tiên hướng tới khôi phục sự tự tin của châu lục.

Theo giới phân tích, ban lãnh đạo mới của châu Âu đang đứng trước bài sát hạch về khả năng đồng thuận cao trong các quyết định của mình. Cuộc khủng hoảng 2010-2013 tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu đã thay đổi cán cân quyền lực tại EU, theo đó các Chính phủ ngày càng tách rời ban lãnh đạo tại Brussels, trong khi vai trò của Ủy ban châu Âu - cơ quan hành pháp - khá mờ nhạt.

Hai người đứng đầu hai cơ quan đầu não của châu Âu này đã giành được sự hoan nghênh trong những tuần đầu tiên tại vị, song giới phân tích cảnh báo thách thức thật sự vẫn đang ở phía trước.