Chọn "cây gậy" hay "củ cà rốt"?

Theo doanhnhansaigon.vn

(Tài chính) Với một loạt chuyến thăm tới các quốc gia Đông Nam Á, các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tỏ rõ ý muốn thu phục khu vực này bằng cả cây gậy và củ cà rốt.

 Chọn "cây gậy" hay "củ cà rốt"?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á. Nguồn: internet
Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Indonesia và Malaysia, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng tham dự cuộc họp với các nhà lãnh đạo Đông Á trước khi tới thăm Brunei, Thái Lan và Việt Nam.

Tờ China Daily phải nhận định "Trong lịch sử ngoại giao Trung Quốc, hiếm khi chủ tịch và thủ tướng cùng tới thăm một khu vực trong thời gian ngắn như vậy". Điều gì đã khiến giới lãnh đạo đại lục tỏ ra vồn vã với các nước láng giềng Đông Nam Á đến vậy, trái ngược hoàn toàn với cách hành xử hung hăng trước đó về các tranh chấp Biển Đông?

Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc phô bày sức mạnh kinh tế của siêu cường Trung Quốc trước các nước láng giềng Đông Nam Á. Trong chuyến thăm Indonesia và Malaysia, Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất đưa mối quan hệ song phương với hai quốc gia này lên tầm "đối tác chiến lược toàn diện". Đặc biệt, ông Tập đề xuất ý tưởng thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á, trong đó, Trung Quốc là nhà đầu tư chính.

Trong khi đó, Thủ tướng Lý thúc đẩy "Khung hành động hợp tác 2+7" tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế, đặc biệt là các cuộc thương lượng nhằm mở rộng Khu vực Tự do thương mại Trung Quốc - ASEAN. Tại Brunei và Thái Lan, ông Lý đã chứng kiến ký kết các thỏa thuận thúc đẩy hợp tác về năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), từ 2010- 2020, các quốc gia châu Á cần tổng cộng 8 nghìn tỷ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng nội địa và 260 tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia.

Trung Quốc cho đây là cơ hội của mình khi sở hữu hàng ngàn tỷ USD dự trữ ngoại hối. Tại Brunei, ông Lý đã không ngần ngại phát biểu về tầm nhìn "Thập kỷ kim cương" trong mối quan hệ với Bắc Kinh...

Tận dụng sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bali, ông Tập đã giành được các thỏa thuận thương mại trị giá hàng chục tỷ USD tại Indonesia và Malaysia, hai nước mà ông Obama lẽ ra đã đi thăm. Trung Quốc đã chính thức tiếp nhận vai trò Chủ tịch APEC năm 2014, tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 22 và các hội nghị liên quan.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang ra sức mở rộng tầm ảnh hưởng với Đông Nam Á để tránh bị cô lập trong bối cảnh Mỹ rốt ráo thúc đẩy chiến lược "Trục châu Á" và Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) với mục tiêu tạo dựng một khu vực tự do thương mại cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng lo ngại sẽ mất Đông Nam Á vào tay Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gần đây đã có những chuyến ngoại giao con thoi tại Đông Nam Á để giải quyết các tranh chấp Biển Đông và lần đầu tiên, thông báo chung của Hội nghị ASEAN - Nhật Bản đề cập tới tầm quan trọng của tự do đi lại trên vùng biển này. Nhật Bản đứng về phía các quốc gia có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc bằng cách đề xuất sẽ cung cấp tàu chiến cho Philippines đồng thời tiến hành các cuộc tập trận với mục tiêu "chống khủng bố” với Indonesia

Lối hành xử hung hăng và bạo ngược của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ đẩy các quốc gia Đông Nam Á xích gần hơn với Mỹ và Nhật Bản cũng như các mối liên kết thương mại như TPP, đồng thời khiến họ từ chối tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) mà Bắc Kinh khởi xướng. "Khi đó Trung Quốc sẽ bị cô lập", Trần Quang Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn, nhận định.

Kishore Mahbubani, một nhà cựu ngoại giao Singapore, cho rằng trong cuộc đua giành ảnh hưởng với Đông Nam Á, Trung Quốc có lợi thế vì sở hữu lượng dự trữ ngoại tệ lớn hơn và đang là đối tác thương mại lớn nhất của phần lớn các nước ASEAN.

Một bài bình luận trong báo Jakarta Post còn không ngại lập luận rằng "Trung Quốc chứ không phải Mỹ sẽ trở thành lãnh đạo của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI". Hãng thông tấn Tân Hoa Xã Trung Quốc nhanh chóng có một bài bình luận cảnh báo về một thế giới bị "Mỹ hóa". Bài bình luận này cho rằng "Đáng để báo động khi số phận của nhiều quốc gia nằm trong tay của một quốc gia đạo đức giả” và tình trạng này "phải được chấm dứt".

Tờ The Economist đặt vấn đề: "Liệu các nước Đông Nam Á thực sự muốn thay thế một trật tự quốc tế do Mỹ đứng đầu để nhường đường cho sự nổi lên của Trung Quốc?".

Zhang Mingliang, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Jinan Trung Quốc, cho rằng, không nên đánh giá quá mức tác động của các chuyến thăm cấp cao, đặc biệt là khi các quốc gia ASEAN không hưởng ứng nhiệt tình lắm lời kêu gọi của ông Lý Khắc Cường về việc ký kết hiệp ước hữu nghị với Bắc Kinh. Bởi vì họ vẫn cảnh giác về những mong muốn của giới lãnh đạo Bắc Kinh.

Trong khi các nước ASEAN mong muốn đàm phán thì Bắc Kinh lại không sẵn sàng thỏa hiệp về tuyên bố chủ quyền thái quá của nước này ở Biển Đông. Tại thủ đô Darussalam của Brunei, ngoài những lời hứa về kinh tế, ngài Thủ tướng Lý không chỉ khẳng định "chủ quyền không thể chối cãi" của Trung Quốc trong "bản đồ đường 9 đoạn", mà còn cảnh báo các nước như Úc và Nhật Bản nên đứng ngoài các cuộc tranh chấp.

Củ cà rốt và cây gậy Trung Quốc đã không thuyết phục được các nước Đông Nam Á về "thiện chí” của Bắc Kinh. Một vài tuần hoạt động ngoại giao tích cực của lãnh đạo Trung Quốc không thay đổi cơ bản thực tế rằng Đông Nam Á nhìn Trung Quốc như đối tác thương mại chính và Mỹ như người bảo vệ cho khu vực trước sự tham lam của Trung Quốc.