Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama:

Chương mới cho tương lai

Theo daibieunhandan.vn

Sự kiện Tổng thống Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23 - 25/5 trở thành tâm điểm của báo giới và giới truyền thông nước này trong những ngày qua, trong đó nhiều bài viết nêu bật xu thế ấm lên của mối quan hệ giữa hai quốc gia từng có nhiều “duyên nợ”.

Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Với tựa đề Obama đặt mục tiêu làm sâu sắc các mối quan hệ tại châu Á, tờ The Wall Street Journal lưu ý đến khoảng thời gian khác thường ông Obama lưu lại Việt Nam: “Hiếm khi một Tổng thống Mỹ dành tới 3 ngày để thăm một quốc gia. Điều này chứng tỏ Washington đang rất quan tâm đến việc mở rộng các mối quan hệ với Hà Nội”. Theo bài viết, cả Việt Nam và Nhật Bản đều là những quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Là một trong những ưu tiên lớn nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama, song thỏa thuận này đang bị trì hoãn tại Quốc hội, chí ít là cho tới sau cuộc bầu cử Tổng thống và bầu cử lập pháp tại Mỹ tháng 11 tới. Trong khi đó, chiến lược tái cân bằng sang châu Á của ông Obama phần nào phụ thuộc vào việc TPP có thành công hay không, do đó ông cần phải thuyết phục các đối tác rằng hiệp định này có thể vượt qua những trở ngại chính trị trong nội bộ nước Mỹ trước khi ông rời nhiệm sở. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ông trong chuyến thăm hai đối tác châu Á lần này.

Tờ báo nhận định, ông Obama là Tổng thống Mỹ thứ ba tới thăm Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Trong thời gian lưu lại đây, ông sẽ được chứng kiến một quốc gia đã tạm khép lại hầu hết những đau thương của chiến tranh, hướng tới tương lai trong quan hệ với Mỹ. Từ một thành phố bị tàn phá sau chiến tranh, thủ đô Hà Nội đã trở thành một trung tâm hành chính văn hóa, kinh tế, du lịch nổi bật của khu vực trong khi thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm của các công ty công nghệ. Năm ngoái, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,7%, một phần là nhờ chiến lược thu hút đầu tư mạnh mẽ từ các công ty nước ngoài, trong đó có Mỹ. Tờ báo trích lời Giáo sư Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Hong Kong, chuyến thăm của Tổng thống Obama là “bước cuối cùng của tiến trình hòa giải kéo dài hàng thập niên giữa hai cựu thù”.

Với tiêu đề Obama tới Việt Nam và Nhật Bản để đối diện với bóng ma của chiến tranh trong bối cảnh hỗn loạn của những cuộc chiến mới, bài viết trên tờ Los Angeles Times mở đầu bằng đoạn viết: “Trong gần 8 năm qua, Tổng thống Obama đã rất khó khăn để chấm dứt các cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iraq. Nhưng trong chuyến công du châu Á lần này, ông sẽ thành công trong việc khép lại những chương cuối cùng của hai cuộc chiến tranh khác - chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh Thế giới lần II”. Theo bài viết, ông Obama sẽ trở thành Tổng thống đương nhiệm đầu tiên tới thăm Hiroshima và sẽ gặp gỡ những người sống sót sau trận bom nguyên tử kết thúc Chiến tranh Thế giới lần II. Tại điểm dừng chân trước đó của ông là Việt Nam, bằng những cam kết về chính trị, kinh tế và có thể cả thương mại quân sự, người ta sẽ xem xét dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Mỹ - Việt đã tiến triển như thế nào trong những thập niên vừa qua. Đối với Tổng thống Obama, người đã cam kết kết thúc hai cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq song rốt cục lại phải chứng kiến chúng kéo dài dai dẳng, chuyến thăm Việt Nam và Nhật Bản có ý nghĩa như một thông điệp rằng: để đạt được hòa bình thực sự cần rất nhiều nỗ lực, sự dũng cảm và thời gian.

Bài viết trên mạng tin USnews lưu ý, khi tới Việt Nam, ông Obama sẽ chứng kiến một quốc gia đang thay đổi, không chỉ thay đổi về kinh tế - xã hội mà cả sự thay đổi trong cách nhìn nhận của người dân với nước Mỹ và mối quan hệ với Mỹ. Cả hai nước đều coi trọng mối quan hệ song phương. Ở Việt Nam, Mỹ nhìn thấy cơ hội của một thị trường xuất khẩu và đầu tư tiềm năng của nền kinh tế đang tăng trưởng, đồng thời là đối tác chiến lược tại khu vực. Về phần mình, Việt Nam nhìn nhận Mỹ như một đối tác tốt về kinh tế và an ninh.

Trong khi đó, mạng tin CNN có bài viết nhấn mạnh trong chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam trên cương vị Tổng thống, ông Obama sẽ chứng kiến một quốc gia đang chuyển mình nhanh chóng. Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng lớn trong kế hoạch gần đây của Lầu Năm Góc nhằm thiết lập một mạng lưới an ninh tại châu Á. Theo đó 4 liên minh song phương của Mỹ (cùng với Nhật Bản, Australia, Singapore và Philippines) sẽ được bổ trợ bằng một mạng lưới các mối liên kết giữa các đối tác và đồng minh. Bài viết kết luận, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của Mỹ bị hạn chế, Trung Quốc hành xử ngày càng cứng rắn, đầy thách thức, và dư luận hoài nghi về những xu hướng chính sách đối ngoại của Mỹ trong tương lai, nỗ lực kiên trì đưa Việt Nam từ cựu thù thành đối tác sẽ nói lên nhiều điều về những ưu tiên của Washington.

Chuyến viếng thăm của ông Obama sẽ là cơ hội để bắt đầu cho chương mới đầy ý nghĩa đó.