Cuộc so găng mới ở Macedonia

Theo Minh Nguyễn/daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Sau Ukraine và Syria, dường như Macedonia đang trở thành tâm điểm cạnh tranh ảnh hưởng giữa phương Tây và Nga.

Phe đối lập Macedonia biểu tình bên ngoài trụ sở Chính phủ tại Skopje hôm 17.5 	Nguồn: AP
Phe đối lập Macedonia biểu tình bên ngoài trụ sở Chính phủ tại Skopje hôm 17.5 Nguồn: AP

Hôm 17.5, khoảng 20.000 người Macedonia ủng hộ phe đối lập đã tập trung tại trung tâm Thủ đô Skopje, đòi Chính phủ của Thủ tướng Nikola Gruevski từ chức, với cáo buộc các quan chức cấp cao lạm quyền, có âm mưu gian lận bầu cử và chỉ đạo “nghe lén” khoảng 20.000 người, trong đó có các chính khách, phóng viên và lãnh đạo tôn giáo.

Thủ lĩnh đảng Liên minh Dân chủ Xã hội đối lập Zoran Zaev khẳng định người biểu tình sẽ vẫn tụ tập trước tòa nhà Chính phủ cho đến khi Thủ tướng Gruevski và nội các của ông từ chức. Các cuộc biểu tình nổ ra sau khi 22 cảnh sát bố ráp một khu vực của người gốc Albania tại thị trấn miền Bắc Kumanovo, xảy ra đụng độ, khiến 22 người thiệt mạng, trong đó có 8 cảnh sát.

Tình hình ở Macedonia khiến người ta không khỏi liên tưởng tới những gì diễn ra ở Syria và Ukraine mà ở đó, Mỹ và phương Tây kích động các cuộc bạo động lật đổ các chế độ thân Nga.

Phương Tây đã tạo dựng lên một “công thức” thay đổi thể chế, đó là: khi xác định được đối tượng cần phải khuất phục bằng đòn tấn công bất đối xứng, một kịch bản cách mạng sắc màu sẽ được thúc đẩy đưa đến bất ổn mềm. Nếu bước đi này vẫn chưa lật đổ được một chính quyền hợp pháp do dân bầu, họ sẽ chuyển sang hình thái “Chiến tranh phi truyền thống” (khủng bố và bạo loạn) để gây sức ép, với hy vọng đủ khả năng đánh đổ thể chế hiện hành.

Khi hai phương thức trên không đem lại kết quả, chính quyền Washington sẽ viện đến kịch bản cuối cùng: Kích động can thiệp quân sự dưới vỏ bọc “can thiệp nhân đạo”, “trách nhiệm bảo vệ”, “chống khủng bố”.

Mỹ từng thành công với cuộc cách mạng sắc màu trong chính biến Maidan ở Ukraine (1.2014), khi phe đối lập lật đổ chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych.

Tuy nhiên, kịch bản này đã không mang lại hiệu quả khi áp dụng ở Syria, khi mà chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad vẫn trụ vững trước làn sóng Mùa xuân Ảrập. Vì thế Nhà Trắng đã thúc đẩy cuộc chiến tranh phi truyền thống nhằm vào Damascus - thông qua việc huấn luyện, trợ giúp cho lực lượng đối lập ở Syria, mà nòng cốt là Quân đội Syria tự do (SFA).

Đó cũng là những gì đang diễn ra ở Macedonia. Các cuộc bạo loạn mềm đang được kích động nhằm loại bỏ Chính phủ của Thủ tướng Nikola Gruevski, đồng thời sẵn sàng triển khai Chiến tranh phi truyền thống. Phương Tây đã làm sống lại một trong những tổ chức nguy hiểm nhất ở khu vực Balkan - Quân đội Giải phóng Kosovo, nhằm châm ngòi cho những chia rẽ sắc tộc giữa những người Macedonia gốc Albania thiểu số và người gốc Slave.

Nga đã chính thức cáo buộc can dự của Mỹ và phương Tây ở Macedonia. Dẫn lời truyền thông Serbia đề cập vụ một công dân Montenegro bị bắt giữ tại Macedonia vì tiếp tay cho các phần tử cực đoan người gốc Albania, Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo nêu rõ: “(Đây là) bằng chứng thuyết phục... về những âm mưu đẩy Macedonia rơi vào vực thẳm cách mạng sắc màu.

Đây cũng là bằng chứng cho thấy các nhà đạo diễn phương Tây muốn mượn tay người khác để thực hiện những kịch bản thảm khốc như vậy...”, đồng thời ngầm so sánh với những gì từng diễn ra ở Ukraine.

Thời điểm Nga từ bỏ dự án Dòng chảy phương Nam (cung cấp khí đốt cho châu Âu không qua Ukraine) để thay thế bằng dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ cũng là lúc bạo loạn ở Macedonia bắt đầu.

Diễn biến địa chính trị cho thấy, Macedonia là điểm then chốt cho bất kỳ kết nối năng lượng nào theo trục Nam - Bắc chạy qua Balkans. Nga muốn dùng Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ như là bàn đạp để đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các nước mà tuyến đường ống đi qua.

Đó không đơn giản chỉ là hạ tầng năng lượng, mà là một “thỏi nam châm” cuốn hút các nước khác thay vì chạy theo tiến trình hội nhập EU – một liên minh đang rối như tơ vò. Đó cũng là lý do giải thích cho hiệp đấu mới giữa Nga và phương Tây tại quốc gia này.

Cách tiếp cận mang tính đa cực của Moscow ở Á – Âu hiện nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cả Iran và Trung Quốc. Nếu như Nga có Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Liên minh kinh tế Á - Âu thì Iran (từng rất tâm huyết với đường ống Hữu nghị) giờ cũng muốn xây dựng tuyến đường ống khác tới Ấn Độ; còn Trung Quốc thì lại rất bận rộn với bản kế hoạch lớn mang tên Một vành đai, một con đường.

Nếu các dự án trên đây của bộ ba Nga - Trung Quốc - Iran hợp thành một thể thống nhất, sẽ chẳng còn khoảng trống ở siêu lục địa để Mỹ và phương Tây có thể chen chân vào.

Những vận động cho trật tự thế giới đơn cực và đa cực một lần nữa lại “va chạm” ở lục địa Á – Âu và lần này là tại đất nước nhỏ bé Macedonia. Một cuộc chiến ủy quyền ở quốc gia Balkans này đang được thúc đẩy, với mô thức lặp lại những gì từng diễn ra ở Syria và Ukraine.