Doanh nghiệp Đức: Nạn nhân của "cuộc chiến" Nga - EU

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Miễn cưỡng phải cùng Mỹ và các đồng minh châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, nước Đức giờ đây đang đối mặt với sự chia rẽ nội bộ sâu sắc liên quan tới quan hệ với Moscow. Trong khi đó, các công ty, tập đoàn của Berlin đang nếm những trái đắng đầu tiên của lệnh cấm.

Nhiều công ty Đức lo ngại các tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt Nga. Nguồn: Internet
Nhiều công ty Đức lo ngại các tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt Nga. Nguồn: Internet
Tháng 7 vừa qua, bà Merkel đã nhất trí triển khai gói trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) chống Nga nhằm thể hiện phản ứng sau thảm kịch máy bay MH17 của Malaysia rơi xuống miền Đông Ukraine, khiến 298 người thiệt mạng. Quyết định này cũng đặt dấu chấm hết cho cách tiếp cận ôn hòa và hợp tác mà Berlin theo đuổi nhiều năm qua với Moscow.

Chính phủ liên hiệp của Đức đã có những bất đồng về quyết định này. Trước đó, bà Merkel là người đối thoại chính của phương Tây với ông Putin trong cuộc khủng hoảng MH17. Khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine leo thang từ đầu năm nay, bà Merkel đã cố gắng tìm cách cân bằng giữa Mỹ, Ba Lan và gần đây nhất là Anh đề nghị trừng phạt Nga và các nước có quan điểm ôn hòa hơn như Italy và Pháp. Tuy nhiên, quan điểm của Berlin bắt đầu cứng rắn hơn, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea. Đây là nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn giữa bà Merkel với Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier - một nhân vật cao cấp trong đảng Dân chủ Xã hội (SPD) tham gia liên minh cầm quyền.

Sự thay đổi quan điểm của bà Merkel cũng khiến cho giới doanh nghiệp Đức và Bộ Ngoại giao nước này tức giận bởi lâu nay họ có truyền thống hợp tác với Moscow. Quan điểm chủ yếu trong giới ngoại giao Đức là mặc dù người Nga đôi khi cứng rắn nhưng lại “biết giữ lời hứa”. Một số nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết, sự chia rẽ này thể hiện rõ trong các cuộc họp thảo luận các biện pháp trừng phạt ở Brussels.

Trong khi đó, các công ty Đức bắt đầu cảm nhận các tác động tiêu cực bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine liên quan tới các lệnh trừng phạt Nga và trả đũa của Moscow, trở thành những nạn nhân của cuộc chơi giữa các nước lớn.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong EU. Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Nga lên tới 36 tỷ euro (tương đương 48 tỷ USD), bằng gần 1/3 tổng kim ngạch của cả châu Âu. Khoảng 6.200 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tích cực tại Nga với số vốn đầu tư vào khoảng 20 tỷ euro. Ủy ban quan hệ kinh tế Đông Âu của Đức cho biết, 300.000 việc làm ở Đức phụ thuộc vào giao dịch thương mại với Nga, đối tác thương mại lớn thứ 11 của nước này.

Còn quá sớm để sự tác động từ những biện pháp trừng phạt Nga ảnh hưởng tới nền kinh tế Đức được thể hiện trên những con số thống kê. Tuy nhiên, nhiều công ty đã đưa ra những bản báo cáo tài chính cho thấy doanh thu giảm mạnh, đồng thời cảnh báo những hậu quả còn tồi tệ hơn nữa nếu tình hình không được cải thiện. Rheinmetall, một công ty trong lĩnh vực an ninh quốc phòng của Đức, đã giảm dự báo lợi nhuận trong năm, đồng thời cho biết họ sẽ đòi bồi thường thiệt hại từ việc chính phủ Đức thu hồi giấy phép xuất khẩu quân trang cho Nga, một động thái nằm trong các biện pháp trừng phạt của EU nhằm ngăn chặn các thỏa thuận mua bán vũ khí của Nga trong tương lai.

Fraport, hãng điều hành sân bay Frankfurt cảnh báo sẽ có một tác động rất lớn tới cơ sở của các hãng hàng không tại sân bay St. Petersburg nếu Nga trả đũa bằng những biện pháp trừng phạt trực tiếp đối với các nhà đầu tư Đức. Hãng dược phẩm Stada có lượng sản phẩm bán tại thị trường Nga chiếm tới 16% doanh thu nói rằng lợi nhuận của hãng này đã không thể tăng lên được và bị ảnh hưởng bởi doanh số giảm và đồng rúp mất giá.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng Nga, lấy đi một phần doanh thu của Adidas và Volkswagen. Adidas đã thông báo việc lợi nhuận sụt giảm đồng thời tạm ngừng kế hoạch mở rộng thị trường ở Nga vì lo ngại những rủi ro do sức mua của người tiêu dùng nhạy cảm với các tác động từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Chi nhánh của hãng xe hạng sang VW Audi tại Nga cho biết doanh số bán của họ trong tháng 7 đã giảm 12%. Việc Nga không cho các hãng hàng không EU bay qua nước này đến châu Á cũng có thể làm giảm  doanh thu của ngành du lịch và các hãng hàng không như Lufthansa, hãng hàng không lớn nhất châu Âu. 

Diễn biến căng thẳng của tình hình đang đặt ra nhiều câu hỏi khó về tương lai mối quan hệ giữa Đức - Nga trong tương quan mối quan hệ với các đồng minh phương Tây khác. Vấn đề hóc búa nhất đó là: liệu Đức còn cơ hội triển khai cách tiếp cận mềm mỏng trong chính sách đối ngoại của mình hay không để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế nước này trong quan hệ làm ăn với Nga. Sau khi đã ủng hộ gói trừng phạt của EU, bước đi tiếp theo của bà Merkel sẽ là gì? Theo đánh giá của dư luận, dù căng thẳng leo thang, nhưng nữ chính khách này vẫn giành ưu tiên cho đàm phán. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bà Merkel sẽ đoạn tuyệt với các biện pháp cứng rắn. Ngược lại, nữ Thủ tướng Đức sẽ từng bước thử nghiệm cách tiếp cận mới trong chính sách đối với Nga, theo hướng cứng rắn và quyết đoán hơn.