Đông Nam Á: Nam châm hút đầu tư rời khỏi Trung Quốc

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Trung Quốc đang nhận ra khả năng bị thua thiệt. Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC, nước này đã để cho đồng nhân dân tệ (NDT) tăng giá 0,37% so với các đồng tiền khác. Đây được coi như một động thái gửi tới các đối tác thương mại của Trung Quốc. Trung Quốc, với tư cách là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, hiện là quốc gia hưởng lợi chính từ các quy tắc thương mại và đầu tư tự do của WTO.

Đông Nam Á: Nam châm hút đầu tư rời khỏi Trung Quốc
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tờ The Diplomat vừa đăng bài phân tích của tác giả Thomas Jandl, giảng viên một trường đại học ở thủ đô Washington, cho rằng nếu các cơ quan chức năng của Trung Quốc tiếp tục gây khó dễ cho các tập đoàn đa quốc gia thì ASEAN có thể là người được hưởng lợi thông qua quá trình chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN.

Theo bài viết, Bắc Kinh gần đây đã thực hiện một cách tiếp cận mang tính “đối đầu” với các nhà đầu tư nước ngoài. Đáp lại điều này, một số công ty nước ngoài đã chuyển các cơ sở sản xuất của họ đến Đông Nam Á. Động thái này diễn ra khi Việt Nam, quốc gia đã nhận được vô số các dự án lớn của các công ty trên toàn thế giới, nhấn mạnh tiềm năng là một điểm thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong những tháng gần đây, nhà chức trách Trung Quốc đã phạt các công ty phương Tây nhiều triệu USD. Các hãng sản xuất xe hơi Volkswagen và Chrysler, nhà sản xuất đồ điện tử hàng đầu Samsung của Hàn Quốc, các công ty đa quốc gia của Mỹ như GlaxoSmithKline và Johnson & Johnson đã phải chịu các khoản tiền phạt lớn vì những gì mà Trung Quốc gọi là “hành vi độc quyền”. Một số hãng khác như Microsoft, Qualcomm và Daimler-Benz hiện đang bị điều tra.

Các cáo buộc như vậy dường như là sự bảo hộ “sân sau” trong một thị trường mở, nơi hàng chục các hãng sản xuất xe hơi hay nhà sản xuất hàng gia dụng cạnh tranh giành khách hàng. Sự cạnh tranh này là “một mất một còn”. Đây có thể không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi các lệnh phạt này được áp dụng cho các ngành công nghiệp mà Trung Quốc có kế hoạch tạo ra các sản phẩm riêng của họ.

Tại Trung Quốc, việc thực thi các quy định kinh doanh thường được giao phó cho các cán bộ địa phương, những người thiếu kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết cho một cuộc điều tra phức tạp đối với các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, các khoản tiền phạt được công bố, đôi khi chỉ vài tuần sau chiến dịch “bố ráp” thanh kiểm tra. Trong khi đó, các công ty có rất ít cơ hội để phản ứng và được giải đáp trước các cáo buộc.

Trước tình hình trên cộng với một số vấn đề khác, một số công ty đã chuyển cơ sở sản xuất đến địa bàn mới, chủ yếu là sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam -  quốc gia đã nhận được các dự án đầu tư quan trọng. Riêng Samsung đã mở rộng cơ sở sản xuất đầu tiên tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD, đồng thời đang xây dựng thêm hai cơ sở sản xuất với tổng vốn đầu tư được công bố là 3,4 tỷ USD. Tất cả các cơ sở sản xuất này đều được xây dựng kể từ mùa Hè năm 2013.

Trung Quốc đang nhận ra khả năng bị thua thiệt. Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC, nước này đã để cho đồng nhân dân tệ (NDT), vốn được kiểm soát chặt chẽ, tăng giá 0,37% so với các đồng tiền khác. Đây được coi như một động thái gửi tới các đối tác thương mại của Trung Quốc, những nước đã lớn tiếng phàn nàn từ lâu rằng tỷ giá hối đoái thấp giả tạo (giữa đồng NDT với các đồng tiền khác) đang gây tổn thương cho hoạt động xuất khẩu của các nước này, trong khi lại hỗ trợ cho các sản phẩm của Trung Quốc tại các thị trường nước họ.

Trung Quốc, với tư cách là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, hiện là quốc gia hưởng lợi chính từ các quy tắc thương mại và đầu tư tự do của WTO. Tuy nhiên, thị trường trong nước của Trung Quốc vẫn còn khép kín với một số ngành công nghiệp nước ngoài, đồng thời các DNNN Trung Quốc tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ, dẫn tới làm thiên lệch sân chơi theo hướng bất lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Quốc gia này vẫn là một thị trường lớn và là nơi có các kết cấu chuỗi cung ứng toàn diện nhất. Tuy nhiên, một khi thị trường chung khu vực Đông Nam Á có hiệu lực vào năm 2015, ASEAN có thể nhanh chóng nổi lên như một đối trọng với Trung Quốc. Với sự hội nhập của 10 nền kinh tế có các trình độ kỹ năng và cấu trúc chi phí lao động đa dạng, các chuỗi cung có thể được xây dựng lại trong ASEAN và sức cạnh tranh có thể sẽ được nâng cao.

Hiện lĩnh vực chế tạo và lắp ráp đã và đang được dịch chuyển đến Việt Nam và Indonesia. Campuchia cũng đang trở thành một “người chơi” nghiêm túc trong lĩnh vực sản xuất hàng dệt may cấp thấp. Myanmar đã sẵn sàng nổi lên trở thành nơi có nguồn lao động giá rẻ, nếu các cải cách được thực hiện theo kế hoạch. Với các ngành công nghiệp cao cấp hơn của Malaysia và Thái Lan, chủ yếu trong lĩnh vực thiết bị điện tử và phụ tùng ô tô, toàn bộ các chuỗi cung có thể dịch chuyển vào các nước ASEAN, nếu Trung Quốc ngày càng bị xem là không thân thiện, thậm chí có rủi ro cao đối với các công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua, khi đó Trung Quốc sẽ cảm thấy có nguy cơ bị cô lập nhiều hơn.

Thương mại hàng hóa trung gian, tức các nguyên liệu đầu vào trong quá trình tạo ra một sản phẩm cuối cùng, hiện đang bị chi phối bởi Trung Quốc. Theo quy định của TPP hiện đang được đề xuất, chỉ có các sản phẩm được sản xuất bởi các nguyên liệu đầu vào đến từ các nước TPP mới đủ điều kiện để được miễn thuế nhập khẩu vào các thị trường lớn của Bắc Mỹ, Nhật Bản, Australia và New Zealand.

Các ngoại lệ có thể được thương lượng, ví dụ như các quy tắc về “cắt may” mà Việt Nam mong muốn. Tuy nhiên, nếu các quy tắc xuất xứ hiện nay thắng thế, các nước TPP sẽ cho các nhà đầu tư thêm ưu đãi nhằm lập các nhà máy sản xuất phục vụ cho chuỗi cung toàn cầu tại chính các nước TPP hơn là ở Trung Quốc.