Fed thận trọng, giá vàng sẽ bứt phá?

Theo Ngọc Anh/enternews.vn

Fed đã quyết định tăng lãi suất cơ bản, nhưng lại cảnh báo lãi suất sắp tới mức ổn định. Sự thận trọng của Fed cộng với căng thẳng thương mại giữa Mỹ và một số quốc gia đang hỗ trợ cho giá vàng.

Những phiên giao dịch đầu tuần này, giá vàng miếng SJC đã tăng từ mức 36,82- 36,90 triệu đồng/lượng lên mức 36,95- 37,05 triệu đồng/lượng. Nguồn: Internet
Những phiên giao dịch đầu tuần này, giá vàng miếng SJC đã tăng từ mức 36,82- 36,90 triệu đồng/lượng lên mức 36,95- 37,05 triệu đồng/lượng. Nguồn: Internet

Trong tuần này sau khi mở cửa ở mức 1.299USD/oz, giá vàng đã dao động trong biên độ 1.292-1.302USD/oz. Nhìn chung giá vàng vẫn có xu hướng đi ngang, bởi tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều, kết quả đạt được khá mơ hồ, chưa cho thấy cam kết rõ ràng của Triều Tiên về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Nhưng dù sao, đây cũng là tín hiệu tích cực nhất từ trước đến nay, khiến nhu cầu mua vàng làm nơi trú ẩn an toàn đã giảm bớt phần nào.

Tại cuộc họp ngày 13/6, Fed đã quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 1,75% lên mức 2% và bật tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay.

Trong khi đó, cơ quan này cho biết lạm phát đang tiến tới 2% và để ngỏ khả năng lạm phát sẽ vượt ngưỡng 2% trong thời gian tới. Tuy nhiên, với việc OPEC và Nga đang xem xét gia tăng sản lượng khai thác dầu mỏ, trong khi lượng dầu đá phiến của Mỹ cũng đang ở mức dồi dào, thì giá dầu thô sẽ khó tăng mạnh trong trung và dài hạn.

Điều này cộng với việc lãi suất của Mỹ đang ở mức khá cao so với EU và một số quốc gia có nền kinh tế phát triển, sẽ khiến lạm phát của Mỹ khó vượt xa 2%. Xét mối tương quan giữa lãi suất và lạm phát, thì mức lãi suất cơ bản của Mỹ dự kiến vào cuối năm nay ở mức 2,5% được cho là mức mà nền kinh tế Mỹ có thể chịu đựng được để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định.

Bởi vậy, việc tăng thêm lãi suất trong năm 2019 sẽ được Fed cân nhắc rất thận trọng, thậm chí ngừng tăng lãi suất, nếu lạm phát vẫn chỉ quanh quẩn ở mức 2%. Đó là lý do tại sao giá vàng đã giảm mạnh sau khi Fed công bố quyết định tăng lãi suất, nhưng sau đó lại bật tăng trở lại.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ với EU, Canada đã trở nên nghiêm trọng hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G7.

Trong khi đó, xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang âm ỉ nguy cơ bùng phát khi Mỹ vẫn đang để ngỏ khả năng sẽ áp thuế trị giá 50 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu của Bắc Kinh vào Mỹ. Đây được xem là yếu tố đang hậu thuẫn cho đà tăng của giá vàng ngắn hạn.

Mặc dù vậy, trạng thái mua vàng của các quỹ đầu tư đã liên tục giảm trong những tuần vừa qua, cộng với nhu cầu vàng vật chất ở châu Á, đặc biệt ở Trung Quốc và Ấn Độ đang ở mức khá thấp, sẽ khó đẩy giá vàng bứt phá mạnh mẽ.

Các chỉ số phân tích kỹ thuật, như MACD, ADX, RSI, Stochastic, Aroon,… vẫn tiếp tục cho thấy tín hiệu điều chỉnh, củng cố của giá vàng. Theo đó, nếu vượt qua mức 1.307USD/oz, thì giá vàng có thể sẽ lên vùng 1.320USD/oz.

Ngược lại, giá vàng sẽ tiếp tục xoay quanh mức 1.300USD/oz cho đến khi các yếu tố tác động trở nên rõ ràng hơn. Vùng hỗ trợ quan trọng của giá vàng vẫn đang ở 1.277- 1.284USD/oz, kế tiếp là mức 1.234USD/oz.

Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC đã tăng từ mức 36,82- 36,90 triệu đồng/lượng lên mức 36,95- 37,05 triệu đồng/lượng, tăng 130.000đ/lượng ở chiều mua vào và 105.000đ/lượng ở chiều bán ra trong 2 phiên giao dịch đầu tuần.

Tuy nhiên sáng ngày 14/6, giá vàng miếng SJC lại giảm nhẹ xuống mức 36,84- 36,94 triệu đồng/lượng, trái ngược với đà tăng của giá vàng quốc tế sau cuộc họp của Fed. Mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế quy đổi cũng đã tăng lên mức 1,27 triệu đồng/lượng.

Theo ghi nhận của các doanh nghiệp, nhu cầu giao dịch vàng trong nước vẫn ở mức khá thấp, chủ yếu là các giao dịch nhỏ lẻ.