“Hố đen” trong luật thuế nước Mỹ

Theo Cẩm Anh/enternews.vn

Hiện nay, chính phủ Mỹ đang đánh thuế đối với doanh thu trên toàn cầu của doanh nghiệp, không cần quan tâm đến việc nguồn thu đó có từ đâu.

Công ty General Electric của Mỹ là DN có hóa đơn thuế thu nhập liên bang 0 USD trong suốt tám năm. Nguồn: Internet
Công ty General Electric của Mỹ là DN có hóa đơn thuế thu nhập liên bang 0 USD trong suốt tám năm. Nguồn: Internet
Tuy nhiên, dường như họ đã "bỏ quên" một điều, doanh nghiệp chưa phải đóng thuế với khoản lợi nhuận đó cho đến khi họ chuyển nó về công ty mẹ ở Mỹ. Chính điều này đã tạo ra một "hố đen" khổng lồ, làm thất thoát hàng tỷ đô la tiền thuế ra khỏi nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Làm thế nào một công ty hàng tỷ đô la lại trả 0 đồng thuế?

Một phân tích mới về 258 công ty trong danh sách Fortune 500 có lợi nhuận hơn 3.8 nghìn tỷ USD cho thấy, mặc dù mức thuế doanh nghiệp cao nhất là 35%, nhưng hầu như không có công ty nào thực sự trả mức thuế này.

Báo cáo của Viện nghiên cứu về Thuế và Chính sách Kinh tế cho thấy 100 trong số 258 công ty - gần 40% - đã không phải trả đồng thuế nào trong ít nhất một năm từ 2008 đến 2015. 18 công ty, bao gồm General Electric, International Paper, Priceline.com và PG&E, có hóa đơn thuế thu nhập liên bang tổng cộng nhỏ hơn 0 trong suốt tám năm - có nghĩa là họ đã được giảm thuế.

Hệ thống thuế doanh nghiệp của Mỹ áp đặt thuế thu nhập đối với thu nhập trên toàn thế giới của một công ty Mỹ. Để tránh thuế, nhiều công ty Mỹ sẽ thành lập các chi nhánh nước ngoài tại những nơi họ kinh doanh.

Mặc dù những chi nhánh này hoàn toàn được kiểm soát công ty mẹ ở Mỹ, nhưng các tập đoàn sẽ không phải nộp thuế cho Sở thuế Mỹ đối với lợi nhuận phát sinh ở nước ngoài, miễn là lợi nhuận này không chuyển về công ty mẹ dưới hình thức cổ tức.

Bằng cách này, tổng cộng, các công ty đa quốc gia Mỹ hiện đang đăng ký khoảng 2,6 nghìn tỷ USD lợi nhuận tại các công ty con ở nước ngoài để họ không phải trả thuế cho số tiền này.

Bài học từ hệ thống thuế Mỹ

Do đó, khi các công ty lớn nhất không phải trả phần thuế của họ, điều đó có nghĩa là phần còn lại, các doanh nghiệp nhỏ và các gia đình có thu nhập trung bình tại Mỹ đang phải trả nhiều hơn.

Các lỗ hổng thuế của Mỹ sẽ khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia chuyển hoạt động kinh doanh ra nước ngoài, đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và việc làm ở những nước có thuế thấp để tạo lợi nhuận ở đây, và sau đó đăng ký lợi nhuận ở các "thiên đường thuế" để tránh phải đóng mức thuế của Mỹ.

Để kiểm soát tình hình chặt chẽ, Tổng thống Donald Trump đã đề ra kế hoạch cải cách thuế, trong đó, hầu hết các lỗ hổng trong hệ thống thuế vụ Mỹ sẽ được siết chặt, để đổi lại mức thuế suất doanh nghiệp (DN) thấp.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS) đánh giá, mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng các đề nghị cải cách thuế của Tổng thống Trump về cơ bản vẫn là xuất phát từ làn sóng bảo hộ Mỹ, tuy nhiên các chuyên gia đánh giá, chính sách thuế của Mỹ đánh vào thuế thu nhập với các doanh nghiệp Mỹ, không phải đánh vào hàng hóa đang lưu thông trên thị trường.

"Việc Mỹ giảm thuế thu nhập DN cũng được kỳ vọng khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ tăng. Việt Nam có thể hoàn toàn tăng cường thu hút FDI trực tiếp từ Mỹ nếu có chính sách thu hút phù hợp.

Cũng có thể, từ bài học thuế của Mỹ, Việt Nam cần rút ra kinh nghiệm cho chính mình khi xây dựng các hệ thống thuế sao cho cân bằng nền kinh tế và tạo điều kiện cho DN phát triển", ông Hiệp nói.