Hội nghị của sự chia rẽ?

Theo Quốc Đạt/daibieunhandan.vn

Bế tắc trong đàm phán Brexit, chia rẽ trong vấn đề hạn ngạch và mâu thuẫn về chính sách thương mại... một loạt hồ sơ gai góc đang chờ đợi các nhà lãnh đạo EU tại Hội nghị Thượng đỉnh của khối diễn ra tại Brussels ngày 19 - 20/10.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chia rẽ về hạn ngạch nhập cư

Ngay sau khi Hội nghị khai mạc vào hồi 3h chiều ngày 19/10 (giờ địa phương), hạn ngạch nhập cư, vốn gây tranh cãi suốt thời gian qua, là vấn đề đầu tiên được đưa ra thảo luận. Thực tế cho thấy các nước thành viên đã bị chia rẽ sâu sắc kể từ khi Ủy ban châu Âu thông qua chương trình phân bổ hạn ngạch người nhập cư với mục tiêu tái định cư cho 160.000 người tị nạn năm 2015.  Khi đó, Tòa án Tư pháp châu Âu đã yêu cầu các nước trong khối cần chung tay giải quyết vấn đề này. Tùy theo khả năng của mình, các nước sẽ phải nhận một lượng người nhập cư nhất định.

Trong khi các nước lớn và có tiềm lực kinh tế như Đức nhận 20%, Pháp 15% thì các nước ở Đông Âu như Hungary, Slovakia nhận 1 - 2%. Mặc dù việc phân chia này đã được EU thông qua theo đa số từ tháng 9/2015 nhưng kế hoạch phân bổ người nhập cư đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều nước Trung và Đông Âu, trong đó có Slovakia, Séc, Romania và Hungary. Vì vậy, theo thống kê, tới tháng 7/2017, mới chỉ có hơn 20.000 người được tái định cư theo kế hoạch.

Có nhiều lý do khiến các quốc gia Trung và Đông Âu từ chối tiếp nhận người tị nạn. Thứ nhất, họ lập luận rằng, bản thân các nước Trung và Đông Âu vốn nghèo, “ốc chưa mang nổi mình ốc”, nên khó giúp đỡ các nước khác. Thứ hai, việc áp đặt hạn ngạch lên các quốc gia thành viên có chủ quyền là phi lý và không thể chấp nhận được. Thứ ba, lý do quan trọng hơn, đó là những lo ngại mới về nguy cơ an ninh tiềm ẩn.

Một loạt cuộc tấn công khủng bố tại các nước Tây Âu thời gian gần đây, trong đó có Anh, Đức, làm dấy lên lo ngại về những cuộc khủng bố tương tự tại Trung và Đông Âu. Mới đây, các nhà lãnh đạo Séc và Hungary đã tuyên bố, sẵn sàng chấp nhận mất nguồn hỗ trợ tài chính của EU để đổi lại không phải tiếp nhận người di cư.

Trong khi đó, EU đang muốn thúc đẩy các nước nhanh chóng điều chỉnh pháp lý nhằm giúp ổn định cuộc sống cho người di cư, nhất là các nước ở tuyến đầu của chương trình hạn ngạch. Tuy nhiên, Italy đang đứng trước cuộc bầu cử lập pháp quan trọng vào năm tới và mọi khả năng sửa đổi luật khó có thể được tiến hành cho tới khi nước này bầu được Nghị viện khóa mới.

Chưa thể bàn về tương lai Anh - EU

Một chủ đề được đặc biệt quan tâm của hội nghị lần này là Brexit, đặc biệt trong bối cảnh chỉ vài ngày trước Hội nghị, diễn biến xung quanh tiến trình đàm phán đã có chiều hướng xấu đi. Thủ tướng Anh Theresa May mong muốn nhân Hội nghị này sẽ thuyết phục Brussels xem xét thảo luận về mối quan hệ tương lai giữa EU và Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã dập tắt mọi hy vọng khi tuyên bố: “Anh không nên trông đợi vào bất kỳ bước đột phá nào về vấn đề này. Hai bên phải làm việc cật lực từ nay đến tháng 12 tới để hoàn thiện cái gọi là giai đoạn đàm phán đầu tiên”.

Đến nay, 5 vòng đàm phán Brexit đã trôi qua mà không đạt được tiến bộ nào đáng kể. Anh muốn đàm phán về mối quan hệ tương lai trước khi thảo luận cụ thể các điều khoản Brexit. Tuy nhiên, EU kiên quyết yêu cầu, vấn đề đó sẽ chỉ được đề cập khi có tiến triển đáng kể trong 3 vấn đề then chốt về quyền công dân của người dân EU tại Anh, tương lai biên giới Ireland sau Brexit và đặc biệt là Anh phải thanh toán các cam kết tài chính với ngân sách EU.

Mâu thuẫn về chính sách thương mại

Trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị, Tổng thống Pháp Macron dự định sẽ đề xuất EU tạm dừng đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) sau cái mà ông gọi là “những lùm xùm xung quanh các thỏa thuận giữa EU với Mỹ cũng như giữa EU và Canada”.

Điều này chắc chắn sẽ gây tranh cãi gay gắt khi Ủy ban châu Âu đang tỏ ra rất tích cực mở rộng các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương. Minh chứng là việc khối này đang xúc tiến đàm phán với Mercosur trước khi bắt đầu tiến trình đàm phán với Australia và New Zealand - sự hăng hái mà Tổng thống Pháp chỉ trích là “bước đi hấp tấp”.

Trước đó, Tổng thống Pháp, vốn đang muốn bảo hộ ngành nông nghiệp trong nước, đã cảnh báo: “Tôi không đồng tình với việc chúng ta vội vàng hoàn tất đàm phán FTA với Mercosur trong năm nay. Không phải tự nhiên mà tiến trình này lại bị đình trệ từ năm 1999. Đó là bởi thỏa thuận đặt ra những khó khăn, thách thức và những khúc mắc đó cần được thảo luận kỹ lưỡng tại Hội đồng châu Âu”.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đang muốn thúc đẩy tiến trình tự do hóa thương mại của EU bằng cách kết thúc tất cả các cuộc đàm phán FTA trước khi nhiệm kỳ của EC kết thúc vào tháng 5/2019. “Chúng ta không phải những kẻ ủng hộ tự do hóa thương mại một cách ngây thơ”, ông Juncker từng tuyên bố trong một diễn văn mới đây. “Tuy nhiên, cũng không có lý do gì để kìm hãm tiến trình này bởi mỗi một tỷ euro hàng hóa xuất khẩu sẽ mang lại 14.000 việc làm cho EU”, ông nhấn mạnh.

Trong trường họp EC vẫn kiên quyết thúc đẩy các FTA, các nước thành viên không đồng tình như Pháp có thể sử dụng quyền phủ quyết. Tháng 5/2017, Tòa án châu Âu đã ra phán quyết rằng, EC không thể ký kết thỏa thuận thương mại tự do nếu 38 nghị viện thành viên và khu vực không phê chuẩn thỏa thuận này.