IMF cần tăng cường giám sát chính sách tiền tệ của các nước

Theo thoibaonganhang.vn

Người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong cuộc điện đàm ngày 21/1 với Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã kêu gọi quỹ này cung cấp một phân tích "thẳng thắn và khách quan" về chính sách tiền tệ của các nước thành viên.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong cuộc điện đàm, ông Mnuchin cũng đề cập đến việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm tại Mỹ và nói tới một trọng tâm khác mà chính quyền Mỹ hướng đến là thâm hụt thương mại. Ông mong chờ một sự tư vấn tích cực của IMF về chính sách kinh tế cho các nước thành viên và trong việc giải quyết tình trạng mất cân bằng trên toàn cầu.  

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ (NDT) để tạo lợi thế trong xuất khẩu trước Mỹ và dọa sẽ đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ nước này. Ngày 31/1, ông Trump lên tiếng cáo buộc Nhật Bản và Trung Quốc phá giá đồng tiền - động thái sẽ cho phép Washington đưa ra các biện pháp đáp trả - và muốn đồng USD yếu hơn để thúc đẩy xuất khẩu và giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, thực hiện cam kết "Nước Mỹ là trên hết".  

Trong khi đó, Cố vấn thương mại của Tổng thống Trump, Peter Navarro hồi cuối tháng 1 đã nói Đức đang sử dụng đồng euro được định giá cực kỳ thấp cũng với mục đích đó. Cả Trung Quốc và Đức đều thặng dư thương mại lớn với Mỹ.   

Tuy nhiên, các quan chức IMF không còn cho rằng đồng NDT bị định giá thấp, nhất là khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bơm ra hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ đồng NDT trong năm qua nhằm ngăn chặn dòng vốn ra.

Trong khi đó, tỷ giá giữa đồng euro và đồng USD được cho là phản ánh các nền tảng vẫn yếu của các nền kinh tế chủ chốt ở khu vực sử dụng đồng EUR và việc Ngân hàng Trung ương châu Âu áp dụng mức lãi suất âm, trong lúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang trong lộ trình tăng lãi suất. 

Ông Mnuchin, người mới chỉ chính thức trở thành Bộ trưởng Tài chính Mỹ một tuần trước, vẫn chưa đưa ra các ưu tiên của mình. Trước khi được Thượng viện phê chuẩn, ông cam kết sẽ cùng với IMF, Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển và Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) giải quyết vấn đề thao túng tiền tệ. 

IMF thực hiện chức năng giám sát chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế khác của 189 nước thành viên và quy định các nước thành viên không được thao túng tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng với các nước thành viên khác. Tuy nhiên, trên thực tế, IMF chỉ gây sức ép buộc thay đổi chính sách ở những nước mà tổ chức này có chương trình cho vay. 

Tin tức cho hay người phát ngôn của IMF, Gerry Rice cho rằng bà Lagarde đã có cuộc đối thoại trên tinh thần xây dựng với ông Mnuchin về một loạt các vấn đề mà các nước thành viên quan tâm và khẳng định IMF sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với các nhà chức trách Mỹ. Mỹ hiện là nước đóng góp lớn nhất cho IMF.