IMF cảnh báo tranh chấp thương mại khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu u ám

Theo Ngọc Hà/TTXVN

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde ngày 1/10 cho rằng các tranh chấp thương mại và thuế quan đang bắt đầu khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu u ám.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde ngày 1/10 cho rằng các tranh chấp thương mại và thuế quan đang bắt đầu khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu u ám, đồng thời kêu gọi các nước giải quyết bất đồng và cải tổ các nguyên tắc thương mại toàn cầu.

Trong bài phát biểu trước thềm các hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), dự kiến diễn ra vào tuần tới tại Indonesia, bà Lagarde khẳng định mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức cao nhất kể từ năm 2011 nhưng đà này đã chững lại.

Bà nêu rõ tháng 7 vừa qua, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018 và 2019 sẽ đạt 3,9%. Tuy nhiên, triển vọng này đã ít sáng sủa hơn, và IMF sẽ đưa ra dự báo mới vào tuần tới.

Cũng theo Tổng Giám đốc IMF, các hàng rào thuế quan đang kìm hãm tăng trưởng toàn cầu, theo đó, thuế quan không chỉ tác động đến thương mại mà còn ảnh hưởng đến đầu tư và sản xuất.

Trong khi Mỹ đang tăng trưởng mạnh mẽ do cắt giảm thuế và điều kiện kinh tế thuận lợi, thì khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và Nhật Bản lại có dấu hiệu chậm lại.

Kinh tế Trung Quốc cũng có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng ở mức vừa phải, song có thể xấu hơn do tranh chấp thương mại với Mỹ, sau khi Washington áp mức thuế mới đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD và đe dọa sẽ đánh thuế tiếp đối với 267 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu.

Bà Lagarde nhấn mạnh chiến tranh thương mại cùng lãi suất cao và đồng USD mạnh hơn đang gây ảnh hưởng đến một số nền kinh tế mới nổi.

Một nghiên cứu mới của IMF cho thấy các thị trường mới nổi, trừ Trung Quốc, có thể phải chứng kiện mức nợ lên tới 100 tỷ USD, tương đương với thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu 10 năm trước.

Chính vì vậy, các nước cần giảm leo thang căng thẳng và giải quyết những bất đồng thương mại hiện nay, cũng như bắt đầu xây dựng những nguyên tắc tốt hơn cho hệ thống thương mại toàn cầu, trong đó có việc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).