Hệ lụy từ thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản (BĐS), được coi là khởi nguồn cho cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Tây Ban Nha. Trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến năm 2007, giá trị BĐS tại Tây Ban Nha đã tăng lên hơn 200%. Các ngân hàng Tây Ban Nha đã cho các nhà đầu tư BĐS vay những khoản vay thế chấp dài hạn, lên đến 40 năm, thậm chí là 50 năm. Kết quả là khi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nổ ra, số lượng các giao dịch BĐS đã giảm mạnh. Ngành ngân hàng Tây Ban Nha chịu thua lỗ nặng do các khoản cho vay mua nhà đất khi bong bóng BĐS bùng vỡ. Hàng triệu căn hộ không có khách mua, hàng loạt nhà doanh nghiệp kinh doanh BĐS rơi vào cảnh thua lỗ, vỡ nợ.

Theo ước tính của Chính phủ Tây Ban Nha, số tiền dành đầu tư cho các thành phố “ma” có giá trị lên tới 175 tỷ Euro và từ tháng 7 đến tháng 9/2012, gần 30% doanh nghiệp phá sản thuộc ngành xây dựng. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha theo đó đến tháng 9/2012 đã lên 182,3 tỷ Euro hay 10,7% dư nợ. Các ngân hàng Tây Ban Nha trước kia được coi là những ngân hàng chắc chắn nhất thế giới giờ đây lại đang lâm vào cảnh “yếu ớt nhất thế giới”.

Nếu tính cả gói cứu trợ 30 tỷ euro của Chính phủ Tây Ban Nha trước đó, Bankia nhận được khoảng 36 tỷ Euro, Novagalicia – 10 tỷ Euro, Catalunyacaixa – 14 tỷ Euro và Banco De Valencia – 7 tỷ Euro.

Kêu gọi trợ giúp

Viễn cảnh kinh tế của “xứ sở bò tót” lại đang được nhìn nhận là tiêu cực (Các số liệu thống kê chính thức cho thấy nền kinh tế này đã sụt giảm tháng thứ 15 liên tiếp với GDP trong quý III/2012 giảm 0,3%. Dự kiến, kinh tế Tây Ban Nha tiếp tục suy thoái đến hết năm 2013). Trong bối cảnh đó, thâm hụt ngân sách sẽ không thể giảm được xuống 6,3% GDP trong năm nay như mục tiêu đã đề ra (dù Chính phủ Tây Ban Nha đã áp dụng nhiều biện pháp “thắt lưng buộc bụng”). Các yếu tố này đang khiến cho cuộc khủng hoảng nợ công của Tây Ban Nha càng thêm trầm trọng (nợ công của nước này trong quý II/2012 đã lên tới mức kỷ lục 808,3 tỷ euro, tương đương 75,9% GDP).

Với tỷ lệ nợ công/GDP và tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng lên mức quá cao như trên thì việc cứu toàn bộ hệ thống ngân hàng rõ ràng không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với Tây Ban Nha. Các ngân hàng Tây Ban Nha gặp nhiều khó khăn trong việc đi vay trên các thị trường tài chính quốc tế, nhất là khi các cơ quan tín dụng liên tiếp hạ bậc tín nhiệm các ngân hàng và nợ công của nước này.

Sự sụp đổ của các ngân hàng Tây Ban Nha có thể sẽ kéo theo sự đổ vỡ hệ thống ngân hàng Khu vực đồng Euro. Vì vậy, ngày 9/6/2012, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng Euro đã tuyên bố, sẽ dành cho Tây Ban Nha khoản cứu trợ lên đến 100 tỷ Euro để vực dậy hệ thống ngân hàng. Mới đây, ngày 3/12/2012, Tây Ban Nha đã chính thức xin giải ngân 37 tỷ Euro (51,4 tỷ USD) từ gói cứu trợ của châu Âu để bơm vốn cho các ngân hàng quốc doanh (Bankia, CatalunyaCaixa, NovaGalicia, Banco de Valencia) và thêm 2,5 tỷ Euro cấp cho ngân hàng mua bán nợ xấu.

Nỗ lực tái cơ cấu

Gói cứu trợ dành cho Tây Ban Nha là để xử lý các khó khăn tài chính của hệ thống ngân hàng, chứ không phải để xử lý các khó khăn tài chính của chính phủ. Vì vậy, châu Âu để cho Chính phủ nước này tự giám sát các ngân hàng nhận tiền cứu trợ.

Ngay sau khi được Ủy ban châu Âu (EC) chấp thuận giải ngân khoản tiền trên, hệ thống ngân hàng “ốm yếu” của Tây Ban Nha đã công bố kế hoạch cải cách. Bốn ngân hàng được trợ giúp cam kết sẽ phải tiến hành sa thải số lượng lớn nhân viên hiện nay, đóng cửa một số chi nhánh, bán cổ phần đang nắm giữ tại một số công ty lớn… Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tiến trình tái cơ cấu ngân hàng của Tây Ban Nha đang “đi đúng quỹ đạo” song những khó khăn lớn nhất vẫn đang ở phía trước, do Madrid phải thực hiện kế hoạch thành lập ngân hàng xử lý nợ xấu, một trong những điều kiện chủ chốt của các chủ nợ, nhằm quản lý số nợ 45 tỷ Euro chủ yếu liên quan đến BĐS.

Bài đăng Tài chính & Đầu tư số 12-2012

Khủng hoảng ngân hàng ở xứ "bò tót"

Hồng Vân

(Tài chính) Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ tư của Khu vực đồng Euro đang sa vào vòng xoáy suy thoái kinh tế trầm trọng và nợ xấu ngân hàng lên mức cao nhất gần hai thập kỷ được coi là mối nguy lớn nhất.

Xem thêm

Video nổi bật