Lựa chọn không dễ dàng

Theo daibieunhandan.vn

Gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) - tiền thân của EU - vào năm 1973, sau bốn thập niên gắn bó, xứ sở sương mù đang đứng trước con đường “mù sương” trong quyết định ra đi hay ở lại EU.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hai phong trào đối lập

Trong tuần qua, ở nước Anh cùng lúc xuất hiện hai phong trào vận động ủng hộ và rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh nước Anh sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU vào nửa đầu năm sau, theo đúng cam kết của Thủ tướng David Cameron.

Chiến dịch “Vote Leave” (ủng hộ rời EU) được các nghị sĩ thuộc các chính đảng lớn của Anh như đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron, Công đảng đối lập và đảng Độc lập Anh (UKIP) tài trợ và điều hành. Những người tham gia chiến dịch này chỉ trích việc nước Anh chịu quá nhiều ảnh hưởng bởi pháp luật châu Âu. Nhiều công dân Anh cho rằng, họ phải gánh trách nhiệm quá lớn, do Anh được coi là một trong những trung tâm lớn của EU và phải đóng những khoản tiền lớn vào ngân sách của châu Âu. Trước khi chiến dịch “Vote Leave” được triển khai, hồi tháng 9 vừa qua, một chiến dịch tương tự mang tên “Leave.EU” đã được thực hiện với sự ủng hộ của lãnh đạo đảng UKIP Nigel Farage.

Ngay sau chiến dịch “Vote Leave”, một chiến dịch ủng hộ việc Anh ở lại EU mang tên “Britain Stronger in Europe” (Nước Anh hùng mạnh hơn trong EU) cũng được phát động. Chiến dịch này có sự tham gia của ba vị cựu thủ tướng Anh; cựu Bộ trưởng Lao động Peter Mandelson; nữ doanh nhân Karren Brady, đồng thời là nghị sĩ đảng Bảo thủ, cùng nhiều nhân vật khác. Chiến dịch này do Huân tước Stuart Rose, cựu Giám đốc điều hành chuỗi siêu thị nổi tiếng Anh Marks & Spencer (M&S) đồng thời là thành viên đảng Bảo thủ Anh, đứng đầu. Phát biểu ngay trước buổi lễ phát động, ông Stuart Rose bày tỏ tin tưởng rằng việc tiếp tục là thành viên EU sẽ giúp nước Anh vững mạnh, tốt đẹp và an toàn hơn so với việc rời khỏi liên minh này.

Lý lẽ của người muốn “ở lại”

Cựu Giám đốc điều hành M&S cảnh báo về nguy cơ hàng triệu việc làm bị mất đi nếu Anh không còn là thành viên EU. Mối quan hệ giao dịch thương mại với thị trường chiếm một nửa kim ngạch xuất khẩu của nước Anh sẽ trở nên xấu đi. Các hãng sản xuất ô tô xem Anh như là cơ sở hoạt động ở châu Âu sẽ èo uột, kéo theo sự rời bỏ của các bộ phận lớn của ngành công nghiệp, dịch vụ và tài chính. Ngoài ra, Anh sẽ phải đàm phán lại hàng chục thỏa thuận thương mại song phương ở một vị trí yếu thế hơn nhiều so với khi còn là thành viên của EU. Vai trò và vị trí của Anh cũng sẽ giảm đáng kể trên trường quốc tế. Đây là những khía cạnh khiến người Anh phải xem xét thật kỹ trước khi tiến tới một quyết định có tầm ảnh hưởng lớn tới tương lai của đất nước.

Trong khi đó, cựu Chủ tịch Hiệp hội Cảnh sát trưởng (ACPO), ông Hugh Orde, cho rằng những kẻ bị truy nã từ khắp châu Âu sẽ tìm tới Anh như một “nơi trú ẩn an toàn” mới nếu như nước này rời khỏi EU, do hàng loạt điều luật và các thỏa thuận dẫn độ sẽ bị “xé bỏ”. Ông Orde cho rằng, rời khỏi EU đồng nghĩa với việc Anh không còn là một bên tham gia Lệnh truy nã châu Âu và hàng loạt biện pháp chống tội phạm khác của EU. Anh sẽ phải thương lượng lại tất cả các thỏa thuận pháp lý và nội vụ với từng nước trong 27 quốc gia thành viên EU còn lại.

Lý do để ra đi

Tuy nhiên với London, chưa bao giờ tương lai của châu Âu lại mù mịt như hiện nay. Mô hình liên kết của EU có nhiều lỗi hệ thống đã cản trở sự phát triển và phồn vinh của các nước thành viên. Một bộ phận người dân Anh cho rằng tư cách “thành viên EU” không mang lại lợi ích gì mà lại tước đi của họ quá nhiều tự do. Nếu ra khỏi EU, Anh sẽ có quyền tự do ký kết các thỏa thuận thương mại với các nước khác, sử dụng nguồn lực của Anh cho công dân Anh, kiểm soát biên giới quốc gia, cải thiện nền kinh tế và tạo thêm việc làm, khôi phục các ngành nghề thế mạnh đã bị mai một khi Anh bước vào ngôi nhà chung EU...

Người Anh cũng có lý do để tin rằng vị thế và ảnh hưởng quốc tế của họ không thể “chìm nghỉm”, như cảnh báo của một số lãnh đạo EU, khi rời khỏi liên minh này. Trên thực tế, Anh có khá nhiều quyền lực riêng của mình, trong đó bao gồm tư cách thành viên Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Nhóm các quốc gia phát triển và đang nổi (G20). Bên cạnh đó, Anh còn là một trong 5 ủy viên thường trực có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và giữ ghế trong Ủy ban Thống đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Không những vậy, Anh còn là một trong những “đầu não” của Khối Thịnh vượng chung gồm 54 quốc gia. Thủ đô London của Anh cũng là thủ đô tài chính thế giới và nền kinh tế Anh hiện đứng thứ 6 trên thế giới.

Nước Anh cũng tin rằng họ không thể yếu đi về mặt kinh tế nếu ra khỏi EU khi chỉ ra rằng các nền kinh tế lớn, đơn cử như Nhật Bản, không nằm trong EU. Na Uy và Thụy Sĩ không phải thành viên EU nhưng kim ngạch xuất khẩu tính trên đầu người của hai nước này vào EU còn cao hơn của Anh. Quan hệ thương mại mạnh nhất của Anh nói chung không nằm trong EU mà ở bên ngoài, với các nước như Mỹ và Thụy Sĩ. Thêm nữa, nhà đầu tư lớn nhất ở Anh hiện nay không phải là một nước EU mà là Mỹ.

Thêm vào đó, Anh cho rằng rời khỏi EU, họ sẽ tiết kiệm được một khoản đóng góp lớn phí thành viên cho liên minh hiện lên tới 18,4 tỷ bảng/năm và hệ thống y tế cũng như phúc lợi của họ không phải gánh nguy cơ bị trục lợi. Một vấn đề nổi cộm khác trong quan hệ Anh - EU chính là nhập cư. Anh đã thất bại trong việc giảm lượng nhập cư ròng xuống con số “hàng chục nghìn” do không thể ngăn cản công dân các nước thành viên EU đến Anh tìm việc làm và cư trú. Bất chấp việc London đưa ra đề nghị như thế nào liên quan đến việc sửa đổi điều khoản này thì câu trả lời của EU chỉ có một. Đó là cho phép di chuyển tự do giữa các nước thành viên là một trong 3 nguyên tắc cốt lõi của Hiệp ước châu Âu và nó không thể thay đổi.

Rõ ràng Vương quốc Anh đang ở ngã ba đường. Việc chọn con đường nào đều là quyết định không dễ dàng.