Merkel phiên bản 4.0: Khởi đầu hay kết thúc?

Theo Thành An/daibieunhandan.vn

Thủ tướng Angela Merkel đã chính thức bắt đầu nhiệm kỳ thứ tư của mình với không ít thách thức và khó khăn phía trước. Chính phủ liên minh nhiệm kỳ này có thể nói là được bầu ra trong tình hình cấp bách, thỏa thuận thành lập nội các bị dư luận coi là thiếu dũng khí, thiếu đột phá và tự đổi mới, không thể dẫn dắt nước Đức thực hiện hoài bão lớn hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nội các nhiệm kỳ thứ 4

Tuy Đức đã duy trì được chính phủ liên minh như nhiệm kỳ trước giữa đảng Liên minh gồm Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh xã hội Cơ đốc giáo (CSU) với  đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), bà Merkel cũng giữ được ngôi vị Thủ tướng của mình, nhưng các bộ và ủy ban cần phải điều chỉnh, sắp xếp lại tương đối lớn.

Nội các dưới sự lãnh đạo của bà Merkel có 16 thành viên, 9 nam 7 nữ, tỷ lệ nữ giới đạt đến mức cao nhất trong lịch sử. Độ tuổi bình quân của các thành viên trong nội các là 50 tuổi, về mặt tổng thể có xu thế trẻ hóa.

Người nhiều tuổi nhất là Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer của SPD 69 tuổi đảm nhiệm, người ít tuổi nhất là Jens Spahn - đại diện cho những người chỉ trích bà Merkel trong đảng CDU, mới 37 tuổi sẽ tiếp quản Bộ Y tế.

Nội các vừa có lão tướng giàu kinh nghiệm trên chính trường, chẳng hạn như Olaf Scholz – thủ lĩnh đại diện SPD giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức, Peter Altmaier - Chánh Văn phòng Phủ thủ tướng Đức giữ chức Bộ trưởng kinh tế và năng lượng, cũng có nhiều người gặp vận may trên chính trường, trong đó có một nhân vật mới từ thủ hiến bang được nâng trực tiếp làm bộ trưởng.

Chỉ có Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Hợp tác kinh tế và Phát triển là chức vụ không thay đổi. Ngoài bà Merkel, chỉ có một bộ trưởng đến từ Đông Đức. Có bình luận cho rằng trong số các nhà lãnh đạo cấp cao của Đức, tỷ lệ chính khách đến từ Đông Đức rất thấp, là kết quả của việc Tây Đức thực hiện chủ nghĩa thực dân văn hóa đối với Đông Đức sau khi nước Đức thống nhất.           

Thách thức trong ngoài

Chính phủ thứ 4 của bà Merkel sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức cả về đối nội và đối ngoại. Trước tiên là vấn đề an ninh. Sự trỗi dậy của AfD năm 2017 và tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận của đảng này tiếp tục tăng lên cho thấy xã hội Đức rất có thể hữu khuynh tổng thể, mức độ khó khăn trong quản trị đất nước gia tăng.

Tuy làn sóng người tị nạn như mùa Hè năm 2015 sẽ không tái diễn, nhưng làn sóng người tị nạn mạnh mẽ này rõ ràng vượt quá khả năng tiếp nhận của người dân Đức, dẫn đến chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cực đoan cánh hữu và tinh thần bài ngoại, căm thù nước ngoài trong nước Đức tăng lên, tình hình trị an ngày càng xấu đi.

Số liệu của Cục thống kê Liên bang Đức cho thấy từ năm 2013 đến nay, các vụ án phạm tội trong nước Đức tăng lên hàng năm, năm 2016 lên đến hơn 6,73 triệu vụ, các vụ án bạo lực tăng 6,7% so với cách đây 1 năm, tỷ lệ tội phạm nước ngoài bị tình nghi mà phía cảnh sát điều tra tăng 40%.

Kinh tế cũng là một thách thức không nhỏ bởi sự phồn vinh kinh tế của Đức phụ thuộc vào 3 nhân tố bên ngoài: giá dầu thấp, lãi suất thấp và tỷ giá hối đoái thấp. Xa rời 3 nhân tố bên ngoài này, sự phát triển của nền kinh tế Đức rất có thể bị ảnh hưởng. Cộng thêm cuộc chiến thương mại Đức-Mỹ khó tránh khỏi, rủi ro mà nền kinh tế Đức lấy xuất khẩu là chính phải đối mặt với sự thụt lùi.

Sự đoàn kết nội bộ. Cuộc khủng hoảng người tị nạn dẫn đến sự ngăn cách trong nội bộ đảng Liên minh, tức là giữa CDU và CSU sâu sắc thêm, Việc không ngừng thể hiện tranh chấp về nhân sự khiến cho các cử tri bất mãn và thất vọng, nền móng của đảng lớn chủ chốt truyền thống đã bị lung lay, người dân mất lòng tin đối với chính phủ.

Về quan hệ đối ngoại, vấn đề trước tiên mà chính phủ mới phải giải quyết là làm thế nào để khôi phục quan hệ Đức-Mỹ đã xấu đi. Kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ đến nay, quan niệm giá trị, đường lối “Nước Mỹ trước tiên” đảo ngược toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ thương mại của ông khiến cho nền kinh tế Đức về cơ bản phụ thuộc vào xuất khẩu chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất, quan hệ Đức-Mỹ gặp phải khó khăn và thách thức trước đây chưa từng có.

Vấn đề nhất thể hóa EU. Việc Anh rời khỏi EU (Brexit) không chỉ làm yếu đi thực lực tổng thể của EU, mà còn khiến cho người ta nảy sinh sự hoài nghi đối với thể chế EU hiện hành; tư tưởng chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở các nước nòng cốt của EU như Pháp, Hà Lan, Áo và Đức đang trỗi dậy lại cấu thành thách thức đối với thể chế chính trị tinh hoa truyền thống của các nước.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, với những lủng củng thời gian qua, sự khởi đầu của thời đại  Merkel 4.0 có thể được coi như sự mở đầu cho sự kết thúc của triều đại Merkel.

Việc Annegret Kramp - Karrenbauer - Thủ hiến bang Saarland được bà Merkel bổ nhiệm làm Tổng thư ký CDU cho thấy, bà cũng đã bước chuẩn bị cho tiến trình chuyển giao quyền lực. Khả năng Merkel làm tròn nhiệm kỳ 4 năm rất thấp, Đức có thể sẽ bước vào “thời hậu Merkel” trước cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2021.