Mô hình kinh tế của các quốc gia phát triển không ưu việt như chúng ta nghĩ

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) "Những mô hình kinh tế của các quốc gia phát triển không thực sự ưu việt như chúng ta vẫn nghĩ. Và GDP cũng không phải là một thước đo tốt cho sự phát triển kinh tế".

Mô hình kinh tế của các quốc gia phát triển không ưu việt như chúng ta nghĩ
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đó là những quan điểm được GS. Joseph Stiglitz, một trong những chuyên gia nghiên cứu kinh tế hàng đầu thế giới, người đạt giải Nobel Kinh tế năm 2001 đưa ra như một kinh nghiệm tham khảo đáng lưu ý cho Việt Nam. GS. Stiglitz nguyên là Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và từng là Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Mỹ, một nhà tư vấn chính sách tầm cỡ cho các nước đang phát triển.

Ví dụ điển hình được GS. Stiglitz đưa ra là trường hợp của Mỹ. Quốc gia này đang quay trở lại đà tăng trưởng song còn yếu ớt, tốc độ tăng trưởng không đủ nhanh để tạo việc làm mới, hay cho lao động mới tham gia thị trường. Cứ 6 - 7 người dân thì có một người muốn có việc làm mới mà không có được.

Không những vậy, bất bình đẳng còn gia tăng ở quốc gia này. GS. Stiglitz lấy dẫn chứng, thu nhập bình quân hộ gia đình của Mỹ trong năm 2012 còn thấp hơn so với năm 1989. Như vậy là trong 1/4 thế kỷ không có sự cải thiện thu nhập với hầu hết người dân, thế nhưng với những người giàu nhất thì thu nhập lại tăng lên nhanh chóng.

Một sự thất bại khác của hệ thống kinh tế nước này là trong khi dân số già đi, Chính phủ lại không đưa ra được những chính sách đào tạo lại để các lao động này có công việc mới. “Nền kinh tế Mỹ ném họ vào thùng rác”, GS. Stiglitz ví von. Ông lấy ví dụ, Apple đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất thế giới, nhưng doanh nghiệp này chỉ tạo ra 49.000 việc làm trên cả nước và trong đó 30.000 là người lao động bán lẻ lương thấp. Chưa kể doanh nghiệp này còn tìm nhiều cách để tránh thuế, thiếu trách nhiệm giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Ở châu Âu tình hình thậm chí còn tệ hơn. GS. Stiglitz cho rằng, châu Âu đã sai lầm khi đưa ra khu vực đồng tiền chung châu Âu (Euro) không tạo được hiệu quả, dẫn tới tình trạng suy thoái. Phần lớn châu Âu hiện nay vẫn đang ở trong giải đoạn suy trầm. Hiện tỷ lệ thất nghiệp của khu vực này vào khoảng 12%, riêng tỷ lệ thất nghiệp trung bình của thanh niên là 25%. Tình hình tại các quốc gia như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp… còn nghiêm trọng hơn với tỷ lệ thất nghiệp khoảng 25%, thanh niên là khoảng 40%.

GDP bình quân đầu người sau khi điều chỉnh theo lạm phát ở tất cả các quốc gia châu Âu, trừ Đức, đều thấp hơn so với cách đây 5 năm. GDP hiện tại thấp hơn 25% so với trước khủng hoảng. Đây là con số đáng sửng sốt, cho thấy suốt 1/2 thập kỷ khu vực này hoàn toàn trì trệ.

Riêng nước Đức, dù có nhiều quan điểm đánh giá là mô hình phát triển đáng học tập, song theo GS. Stiglitz cũng lại là sự thất bại. Ông lý giải, Đức có tỷ lệ tăng trưởng trung bình 7 năm vừa qua chỉ quanh mức 1%. Tỷ lệ này không quá tệ trong bối cảnh suy thoái chung. Song đáng nói là 30% người nghèo nhất quốc gia này đã khó khăn hơn trước, và bất bình đẳng thì gia tăng nhanh chóng. Điều đó cho thấy Đức đã đánh đổi lấy sự duy trì ổn định và phát triển kinh tế bằng sự thụt lùi mức sống của một bộ phận không nhỏ người dân.

Nhấn mạnh tới việc xây dựng mô hình tăng trưởng phải có lợi cho mọi nhóm xã hội, GS. Stiglitz dẫn chứng mô hình phát triển kinh tế của Brazil. Quốc gia này đang giảm được mức độ bất bình đẳng, vì 20 năm qua họ giải quyết vấn đề giảm nghèo, cải thiện các dịch vụ công như giáo dục, y tế…

Chỉ ra những lĩnh vực Việt Nam chú trọng trong thời gian tới, GS. Stiglitz khuyến nghị nên tập trung phát triển vào sản xuất, xuất khẩu phần mềm và nông nghiệp. Ông cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế xanh, với cảnh báo cần tích hợp các chính sách bảo vệ môi trường vào phát triển kinh tế ngay từ bây giờ.