Mối quan hệ Pháp - Đức: Liên minh vì liên minh

Theo Thành An/daibieunhandan.vn

Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển như thế nào là câu hỏi không dễ đối với Pháp - Đức, hai đầu tàu của khối, đặt trọng trách lên trục quan hệ giữa trụ cột này. Cuộc gặp mới nhất giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel thu hút sự quan tâm của giới phân tích quốc tế cũng vì lẽ đó.

Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel trong cuộc gặp mới đây. Nguồn: Internet
Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel trong cuộc gặp mới đây. Nguồn: Internet

Tầm nhìn thực tế

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu diễn ra nhân kỷ niệm 55 năm Hiệp ước Elysée, văn kiện do Tổng thống Charles de Gaulle và Thủ tướng Konrad Adenauer ký kết nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác tốt đẹp hơn giữa Pháp và Đức. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, EU luôn là vấn đề trọng tâm trong các cuộc đàm phán thành lập Chính phủ liên minh của Đức.

Về vai trò đối với châu Âu, Thủ tướng Đức nhấn mạnh, Đức và Pháp có thể cùng nhau dẫn đầu để “giải đáp” nhiều câu hỏi của liên minh. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương, khẳng định tình hữu nghị Pháp - Đức ngày nay luôn được đặt gắn liền với chủ đề thúc đẩy EU trong bối cảnh thế giới liên tục xuất hiện thách thức mới.

Trên thực tế, Pháp và Đức từ lâu đã chia sẻ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các vấn đề của EU. Các kế hoạch cải tổ EU của ông Macron luôn ở trung tâm các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh của bà Merkel. Ông Macron đang làm hết sức thúc đẩy sự ủng hộ tài chính của Đức cho các nỗ lực cải cách đầy tham vọng của ông đối với EU. Với mục tiêu tìm phương hướng phát triển cho EU, Tổng thống Macron đã đưa ra tầm nhìn đối với tương lai châu Âu, bao gồm các đề xuất nhằm “cải cách sâu rộng” EU cũng như thúc đẩy đoàn kết và hợp tác nội khối.

Theo ý tưởng của Tổng thống Macron, EU trong tương lai sẽ là “một EU dân chủ và chủ quyền, với các tốc độ phát triển khác nhau”. Nhà lãnh đạo này cũng đề xuất thành lập lực lượng phản ứng nhanh quy tụ quân đội của các nước thành viên cho EU vào năm 2020. Đồng thời, Tổng thống Pháp cho rằng cần xây dựng cơ quan chuyên trách của châu Âu phụ trách vấn đề khủng hoảng người di cư.

Thách thức

Tuy nhiên, tình hình nội tại mỗi quốc gia cũng như bối cảnh quốc tế đặt ra nhiều thách thức cho mối quan hệ liên minh này. Trước hết là quá trình thành lập chính phủ tại Đức. Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Merkel kỳ vọng đến tháng 3 tới có thể đạt được thỏa thuận với đảng Xã hội Dân chủ (SPD) đối lập.

Tuy nhiên, chưa có gì chắc chắn và việc bà Angela Merkel có thể tiếp tục lãnh đạo nước Đức thêm nhiệm kỳ nữa hay không phụ thuộc vào việc Chủ tịch SPD Martin Schulz có thuyết phục được đa số trong đảng quay trở lại liên minh cầm quyền hay không. Nếu không đạt được thỏa hiệp, cử tri Đức sẽ bầu lại Quốc hội, tình trạng bất ổn chính trị tại Đức sẽ kéo dài.

Thách thức thứ hai là tình trạng “rạn nứt chính trị” trong EU như “cuộc nổi dậy của các nước Trung Âu” đặc biệt trong vấn đề chia sẻ gánh nặng người tị nạn. Về kế hoạch cải tổ của ông Macron, một số nước như Ba Lan, Hungary, Romania… cho rằng, việc tồn tại một EU với các tốc độ phát triển khác nhau sẽ làm suy yếu tư tưởng cốt lõi của châu Âu là “coi trọng các thành viên của Liên minh như nhau”. Các nước Đông Âu cho rằng, với kịch bản châu Âu “đa tốc độ” thì những nước này sẽ “trở thành thành viên hạng 2”. Do đó, làm sao để một con tàu chuyển động với hai tốc độ quả thật nan giải.

Thêm vào đó là các hành động bảo hộ về kinh tế và những thay đổi trong chính sách với châu Âu của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như sự căng thẳng gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở khu vực Đông Á.

Đối mặt với những thách thức trên, liệu người Pháp và Đức có hòa thuận với nhau để cùng kiến thiết châu Âu? Ý tưởng về một Hiệp ước mới cho châu Âu đã mở ra cánh cửa cơ hội sau các cuộc bầu cử tại Pháp và Đức, hứa hẹn về một giai đoạn ổn định tại những nước thành viên chủ chốt có thể giúp thúc đẩy sự ổn định và phát triển của châu Âu.