Mỹ điều chỉnh lập trường về Syria

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Việc Mỹ ủng hộ hai sáng kiến ngoại giao của Liên Hợp Quốc (LHQ) và Nga về tình hình Syria cho thấy sự điều chỉnh lập trường về cách thức chấm dứt cuộc nội chiến tại đây, đồng thời âm thầm từ bỏ những yêu cầu trước đó về việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực ngay lập tức.

Ảnh minh họa. Nguồn: Cartoon Movement
Ảnh minh họa. Nguồn: Cartoon Movement

Theo nhận định của tờ New York Times, bấy lâu nay chính quyền Obama đã bảo lưu quan điểm, giải pháp chính trị dài hạn cho Syria đòi hỏi Tổng thống al-Assad phải ra đi. Tuy nhiên, đối mặt với bế tắc quân sự cùng thực tế là lực lượng nổi dậy Hồi giáo được vũ trang đầy đủ và cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới tại Syria, Mỹ cuối cùng phải đồng ý với các nỗ lực ngoại giao quốc tế nhằm mang lại sự thay đổi từ tốn hơn tại quốc gia Trung Đông này.    

Đề xuất của LHQ là ngừng giao tranh trên thực địa, trước mắt là tại thành phố chiến lược Aleppo. Sáng kiến của Nga, nước ủng hộ Tổng thống al-Assad, là tiến hành đối thoại giữa các bên tham chiến vào cuối tháng này tại Moscow. Các nhà ngoại giao cho biết, viễn cảnh mà Nga vẽ ra là chia sẻ quyền lực giữa chính quyền al-Assad với một số nhân vật trong phe đối lập và có thể sẽ tổ chức bầu cử Nghị viện, nhằm đưa tới sự thay đổi về nhân vật nắm giữ ghế Tổng thống.    

Trong bối cảnh các đề xuất này đối mặt với một loạt thách thức, khi tổí chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn đang chiếm giữ một nửa lãnh thổ Syria, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã vội vã hoan nghênh hai sáng kiến ngoại giao của LHQ và Nga. Ông Kerry không đưa ra thêm lời kêu gọi Tổng thống al-Assad phải từ chức và đây là một sự bỏ sót đáng chú ý từ Ngoại trưởng Mỹ, người trước đây luôn nhắc lại yêu cầu này trong các tuyên bố chính thức. Thay vào đó, lời lẽ của ông Kerry cho thấy Washington vẫn coi Tổng thống al-Assad là nhà lãnh đạo của Syria, nhưng Damascus cần có sự điều chỉnh chính sách.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phương Tây khác công khai nói về việc phải duy trì quyền lực cho một số quan chức hiện tại, nhằm bảo đảm Syria không bị tan rã giống như Iraq hay Libya trước đây. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius phát biểu trên đài phát thanh French Radio mới đây rằng, giải pháp chính trị tất nhiên sẽ có sự tham gia của một số nhân tố trong chính quyền hiện tại và Paris không muốn các trục của Nhà nước này tan rã, vì không muốn phải chứng kiến tình hình tương tự như Iraq. Có thể thấy, tuyên bố trên càng củng cố cho lập luận rằng, phương Tây bỏ rơi phe đối lập và quay sang làm hòa với chính quyền al-Assad.    

Quan điểm Mỹ ủng hộ ông Assad hiện đang được lan truyền rộng rãi, thậm chí cả trong những nhóm nhận tài trợ tiền trực tiếp từ Mỹ, cũng như các nhóm nhận tài trợ vũ trang. Một tay súng thuộc nhóm Harakat Hazm ở Syria cho rằng, Mỹ đang tìm kiếm các kẽ hở để có thể đạt được giải pháp chính trị và duy trì quyền lực cho ông Assad. Tarek Fares, một kẻ đào tẩu khỏi quân Chính phủ Syria và tham gia lực lượng nổi dậy mang tên Quân đội Syria Tự do (FSA) cay đắng nói: Họ nói rằng chúng tôi có giới hạn đỏ, chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn, chúng tôi sẽ vũ trang cho bạn. Họ chẳng làm gì cả và sau 4 năm, họ nói với bạn rằng al-Assad vẫn là lựa chọn tốt nhất.

Bước điều chỉnh này, đi cùng với các hành động của Mỹ tại Syria, được phe ủng hộ và phe chống đối Tổng thống al-Assad nhìn nhận là bằng chứng cho thấy Washington đã đồng tình với lập luận của Damacus rằng, bất kể nhân vật nào khác lên thay thế ông al-Assad vẫn sẽ xảy ra bạo loạn và chủ nghĩa cực đoan tại quốc gia Trung Đông này. Các máy bay Mỹ đang chia sẻ bầu trời Syria với máy bay của quân Chính phủ, nhằm tấn công các mục tiêu IS. Thông qua nước trung gian Iraq, Mỹ đã bảo đảm với Syria rằng, quân đội của họ không phải là mục tiêu tấn công của Mỹ. Mặt khác, Mỹ vẫn tiếp tục huấn luyện, trang bị vũ khí cho các lực lượng đối lập Syria.

Giới phân tích nhận định, việc Washington thay đổi lập trường trong giải quyết khủng hoảng Syria là bước đi khôn ngoan, khi mà thực tế cho thấy chính sách của Mỹ nhằm tiêu diệt IS đang gần thất bại. Trong bài viết có tiêu đề Điều Obama không hiểu về Syria đăng trên tạp chí Foreign Policy, tác giả Noah Bonsey cho rằng trên thực tế, những gì Washington đang làm có nguy cơ phản tác dụng, vì chiến lược này không chỉ góp phần làm gia tăng những lời kêu gọi tiến hành cuộc thánh chiến tại Syria và Iraq mà còn tạo điều kiện cho IS gia tăng ảnh hưởng.

Nguyên nhân là bởi đến nay, Mỹ vẫn chỉ tìm cách đối phó với thách thức IS một cách riêng rẽ mà không gắn nó với chiến lược chung về giải quyết cuộc chiến xuyên biên giới giữa Syria và Iraq. Nếu không có tầm nhìn rộng hơn, chính quyền Obama sẽ không thể phản ứng một cách hiệu quả và linh hoạt trước những diễn biến ngày càng xấu đi.

Kể từ khi liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu phát động các cuộc không kích chống lại IS, không chỉ IS mà nhiều nhóm vũ trang khác tại Syria đang trở thành mục tiêu bị ném bom dữ dội. Điều này khiến hai cựu thù IS và Mặt trận Al-Nusra, cùng một số nhóm vũ trang khác tại Syria xích gần nhau hơn, đồng nghĩa với việc liên quân quốc tế chống IS đối mặt với thách thức mới.

Nhằm đối phó với nguy cơ mới, Washington buộc phải nhượng bộ Damacus. Bản thân Mỹ chưa thể đưa ra sáng kiến mới cho Syria và có lẽ điều khôn ngoan lúc này là ủng hộ những sáng kiến của các nhà trung gian là LHQ và Nga.